Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử Thứ Ba, 16/01/2018, 09:00

ÂM VANG XUÂN 1968 QUA VĂN THƠ, ÂM NHẠC VIỆT NAM

 

Vào đêm ngày 30, rạng ngày 31-1-1968, suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân giải phóng đã bất ngờ tấn công rộng khắp, đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, các sào huyệt và cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, giáng cho quân đội Mỹ và chư hầu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Sự kiện này nổ ra vào thời điểm đêm giao thừa Tết Nguyên đán, khi chính quyền và quân đội địch sơ hở, thiếu cảnh giác, cũng trùng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, để nhằm gây áp lực đối với chính phủ Mỹ khi đó. Đó chính là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Thắng lợi có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, là sự lựa chọn thời cơ sáng suốt của Đảng ta, đó như một bài ca bất diệt, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, làm cho giới lãnh đạo Mỹ bàng hoàng sửng sốt, làm rung chuyển nước Mỹ, làm cho  phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lên cao, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận nhượng bộ để có thể chấm dứt chiến tranh trong danh dự.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, để lại những bài học lịch sử quý giá. Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, quyết thắng, phí khách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc, thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.
Những thắng lợi mở đầu của cuộc Tổng tiến công đã mang đến dư âm hào hùng trong lòng toàn quân, toàn dân ta trong ngày đầu của năm mới Mậu Thân 1968. Điều này đã tạo nên bao cảm xúc dâng trào cho các nhà văn, nhà thơ cũng như các nhạc sĩ của Việt Nam thời bấy giờ.
Trước đó, ngày ngày 1-1-1968 (Tết Dương lịch) sau khi gửi lời cảm ơn và chúc mừng nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã viết bài thơ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
Những vần thơ này được viết cùng trong bức thư gửi chúc mừng đồng bào và chiến sỹ cả nước. bởi biết rằng Tết Âm lịch năm đó Bác sẽ không ăn Tết ở nhà nên sáng ngày đầu tiên của Tết Dương lịch Bác đã đi thăm một số nơi vừa bị máy bay Mỹ đánh phá, nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tổ chức tết cho nhân dân, chú ý quan tâm nhiều đến các gia đình bị nạn. Trong thư gửi đồng bào nhân dịp năm mới Bác đã điểm lại những thắng lợi của quân và dân ta ở cả hai miền trong năm 1967 và mong rằng năm 1968 quân và dân ta thừa thắng xông lên, nhất định giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Nếu mừng xuân của Bác trong năm 1968 là lời chúc đầu năm mới mang tính khẳng định lại nét truyền thống trên chiến trường chống Mỹ, Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua; thì đến tháng 3 năm 1968 Bác viết bài Không đề với tâm trạng rạo rực tin vui của một thi nhân. 
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào 
Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào 
Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn…..
Có thể thấy những bài thơ chúc Tết của Bác trong mỗi dịp Tết đều toát lên tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta trong một giai đoạn lịch sử. Lời thơ của Bác đồng thời cũng là hiệu lệnh mở đầu cuộc tiến công và nổi dậy và truyền đi khắp mọi miền đất nước. Tinh thần mạnh mẽ của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc, thừa nhận chính thức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam..
Hình tượng những người anh hùng, đại diện cho chí khí chiến đấu bất khuất của bộ đội cụ Hồ quả cảm, kiên cường đã đứng lên chiến đấu trong cuộc tổng tiến công năm ấy cũng được các nhà văn, nhà thơ ca ngợi, ví như bài Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”
 Hay những trang ký trong bài ký “Thư Tân Sơn Nhứt” vào ngày 2/2/1968 với nhiều câu chuyện chiến đấu quả cảm của các đơn vị tham chiến như Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 12 đặc công, Biệt động thành Gò Môn... của nhà báo - nhà thơ Hoài Vũ.
Ngay sau khi được tin cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu nổ ra tại miền Nam, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác ngay ca khúc Sài Gòn quật khởi và hoàn thành ngay trong đêm đầu tiên:
Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn
Khi con chim én báo mùa xuân về
Tin vui chiến thắng bay từ quê nhà
Sài Gòn ơi, ta đang bước trên đường chiến thắng…
Giai điệu bài hát theo nhịp hành khúc hào hùng thể hiện khí thế tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân dân miền Nam, nhất là của quân dân Sài Gòn nhằm vào hang ổ của Mỹ ngụy. Ngay sau đó, bài Sài Gòn quật khởi nhanh chóng phổ biến khắp mọi miền đất nước. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân ít lâu, Đoàn Ca múa Trung ương do nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, làm trưởng đoàn, đi biểu diễn bài hát này ở nhiều nước như Pháp, Ý, Algérie, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Mông Cổ...
Nghe tin cả miền Nam rung chuyển trong Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Trọng Bằng xúc động sáng tác ngay ca khúc Bão nổi lên rồi! và hoàn thành chỉ sau một tiếng đồng hồ. Và còn nhiều những ca khúc của các nhạc sĩ khác: Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn - nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ…
Tuy cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 đã đi vào quá khứ 50 năm qua, nhưng âm vang của sự kiện lịch sử này vẫn còn mãi trong lòng quân dân Việt Nam. Sự kiện ấy đã giáng đòn sấm sét vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ ngụy, thực sự trở thành mùa xuân đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc ta nói chung và đặc biệt là lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước nói riêng - một mùa xuân “Hơn hẳn” những mùa xuân trước đó.
Nguyễn Sen

 


Số lượt người xem: 169 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày