Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Sáu, 13/10/2017, 10:05

PHONG TỤC CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI XTIÊNG

Dân tộc XTiêng (hay còn gọi là S’Tiêng) là một trong 54 thành phần dân tộc Việt Nam. Trong cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai, người S’tiêng có 1185 nhân khẩu (630 nữ) xếp thứ 12/40 dân tộc anh em. Bà con tập trung đông nhất ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú), 422 nhân khẩu. Xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) có 52 hộ với 275 nhân khẩu, là nơi có đông người S’tiêng. Các xã khác, huyện khác cũng có bà con sinh sống song ở phân tán hơn, xen kẽ với các dân tộc anh em(1).

Như bất kỳ một dân tộc nào ở Việt Nam, cưới hỏi đối với người XTiêng là một nghi thức quan trọng đối với một đời người. Phong tục cưới hỏi trong đời sống văn hóa của người XTiêng, cũng thể hiện nhiều giá trị khác biệt và đặc trưng của riêng một cộng đồng người. Trong lễ cưới của người XTiêng bao gồm có hai phần lễ là lễ hỏi - cưới và lễ trả của (lễ cưới người được phiên âm là “Un Sail”, còn lễ trả của được gọi là “Ôch’ Rutl”).

Cũng như các dân tộc khác, khi đến tuổi trưởng thành thì việc lấy vợ gả chồng là điều tất yếu của mỗi con người.

Trai gái lớn lên được tự do tìm hiểu nhau trong các buổi lao động hay tiếp xúc trong các cuộc gặp gỡ sinh hoạt của cộng đồng. Khi đôi bên gia đình đồng ý và thông qua mai mối thì các nghi thức hôn lễ truyền thống được tiến hành.

Nghi thức lễ hỏi - cưới:

Buổi dạm hỏi (bê đop hê beng: bỏ hàng rào thưa), nhà trai mang qua: 1 lít rượu, 1 chuỗi hạt cườm, 1 bộ quần áo, láo, 1 chăn.

Đám nói thật sự (bêr nôp, pai hăn ôp: rượu đi hỏi, thịt đi hỏi) thì nhà trai mang qua nhà gái: con heo 50 kg, 20 lít rượu, tô chén dĩa (10 chiếc mỗi thứ), 2 mâm nhôm, 1 ché rượu, 7 vòng đồng, 1 hộp trầu cau bằng đồng, rìu, dao, chà gạt...

 Để đáp lại mối tình duyên này, bên gia đình nhà gái cũng làm những bước tương tự gần như nhà trai, đó là xác định lại việc người con gái của mình có đem lòng yêu thương người con trai kia không, nếu đúng và được cả gia đình đồng ý, bên nhà gái cũng sẽ mời một người làm mai sẽ đứng ra gặp mặt người mai mối bên nhà trai để trả lời. Việc thông tin qua lại của hai người mai mối được thực hiện bằng những câu hát lối theo hình thức đối đáp, hoặc những câu hát kể.

Sau khi cả hai gia đình đều ưng thuận cho đôi bạn trẻ tiến hành lễ cưới, công việc tiếp theo đó là chọn ngày cưới. Các vật phẩm sử dụng làm sính lễ thường được người XTiêng ấn định gồm: Tố, Ché, Xà lung, Lao đâm trâu, Xà gạc, Gùi, Trâu, Heo, Gà và Rượu cần.

Những người thanh niên khoẻ mạnh và khéo léo trong sóc được giao nhiệm vụ dựng cột buộc trâu, họ vào rừng chọn cây lồ ô thật thẳng và đẹp chặt đem về làm cột buộc trâu và chuẩn bị các vật dụng cho đám cưới. Hai ông mai từ bên nhà gái trở về báo tin là mọi người có thể qua nhà gái, bên ấy đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chàng rể và nhà trai. Mọi người mang lễ vật qua nhà gái, đi sau là bà con dòng họ và một đội đồng la đi về phía nhà gái.

Hai  ông mai và cha chú rể cùng chú rể dẫn đầu đoàn người tiến về nhà cô dâu, sau những lời chào hỏi, ông mai thay mặt nhà trai trao cho cô dâu một cây lao, một cái xà gạc và con dao côi. Đây là lễ vật rất quan trọng không thể thiếu trong các lễ hỏi của người Xtiêng. Mọi người bắt đầu làm lễ, một tố rượu được mở ra và đổ nước vào, ông mai cắt tiết gà để cúng Giàng và khấn. Tổ chức đám cưới có thể diễn ra ở 2 nơi.

Đám cưới được tổ chức ở nhà trai(2):

Sau nghi thức cúng thần linh và ông bà rừng, cha cô dâu mời mọi người  quây quần quanh tố rượu trong lúc chủ nhà làm gà, con lợn đãi khách, lần lượt mời người lớn, hai ông mai, ông sui gia, con rể, con gái và bà con dòng họ…

Trước khi cô dâu về nhà chồng, người mẹ choàng vào cổ cô dâu chuỗi cườm đeo cổ (tay nhoong), và đeo vào tay cô dâu một chiếc vòng bạc (coong). Ngoài giá trị bằng vật chất thì đây còn coi như là kỉ niệm của mẹ trao cho con gái. Ngoài ra cô còn được đem theo về nhà chồng một chiếc gùi và một số vật dụng phục vụ cho công việc nội trợ sau này.

Cha mẹ cô dâu cũng theo đoàn người đưa dâu về nhà chồng, từ bây giờ cô dâu sẽ có cuộc sống mới. Đoàn người rước dâu về đến nhà trai, lúc này cha chú rể trao trâu, bò thách cưới cho cha cô gái. Những con vật dùng trong nghi lễ thường đem xẻ thịt đãi khách. Người ta dắt trâu vào cột để chuẩn bị đâm trâu. Dàn đồng la đi vòng quanh con trâu,vừa đi vừa đánh trong khi  gia đình nhà gái cắt cử ra một người đâm trâu.

Lúc này người ta xẻ thịt tất cả các con vật dùng để thiết đãi khách và số thịt này cũng chia làm 2 phần cho hai gia đình nhà trai và gia đình nhà gái, con trâu xẻ dọc chia cho 2 nhà. Sau khi nhận phần chia, nhà trai trả cho ông mai một phần thịt vừa nhận được. Theo quy định, đó là phần đùi trước của con vật và hai ông mai sẽ chia nhau số thịt này. Phần thịt nhà trai đem ra chế biến thành các món ăn để đãi khách. Nhà gái cũng đóng góp thêm một phần thịt để chia sẻ gánh nặng với nhà trai và họ cùng nhau ăn uống …

Theo phong tục xưa của người STiêng, trong đêm cưới, hai vợ chồng buộc chỉ đỏ vào tay nhau hoặc trao cườm như lời thề thuỷ chung. Cũng theo phong tục, trong đêm cưới , sau khi mọi người ăn uống vui chơi thì cô dâu và chú rể thực hiện một nghi thức đó là: cùng bước vào nhà dưới sự chứng kiến của những người phụ nữ trong dòng họ. Chờ lúc cô dâu,  chú rể vào hẳn trong thì 3 người phụ nữ giã cối, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực.

Đám cưới tổ chức ở nhà gái(3):

Sau nghi thức cúng thần linh, người ta đem chà gạc, lao cột lên chỗ ngủ của đôi vợ chồng trẻ. Mọi người bày ra 2 chén cơm, 2 chén thịt, trai gái ngồi đối diện với nhau và thi xem ai ăn xong trước, cuộc thi như thế này nhằm tìm ra người thắng cuộc để được làm chủ trong nhà, hay được trả chậm các lễ vật cho nhà gái. Trong cuộc thi có quy định riêng, kiêng kị khi đánh đổ, ói nôn… cũng có cuộc thi khác như ông mai bỏ chiếc vòng vào trong hũ cho 2 người cùng thò tay vào lấy, người lấy được vòng trước là người thắng cuộc. Sau tục thi mọi người uống rượu, đánh cồng chiêng, ca hát nhảy múa, vợ chồng trẻ có thể ngồi ăn uống vui chơi.

Lễ trả của:

Sau đám cưới, vợ chồng trẻ phải kiêng cữ không được ra bên ngoài nhà gái 7 ngày, một phần thịt trong đám cưới được để lại cho vợ chồng trẻ ăn trong thời gian kiêng cữ. Qua đến ngày thứ 8, 2 ông mai sẽ đến đưa vợ chồng trẻ về nhà chồng. Đến nhà chồng, ông mai lấy 1 lưỡi búa và 1 sừng trâu để ngay cửa ra vào, cô dâu phải đạp lên sừng trâu để bước vào nhà, tập tục này có tên là Da ke, nếu cô dâu không đạp lên thì tuyệt đối không được vào nhà chồng, việc này có nghĩa như cô dâu ra mắt nhà chồng, cho các thần là thần nhà (Uêng Dây), thần bếp (Uông lụ nà), thần nồi (Giăch phiêng) biết mặt cô dâu. Nhà chồng cũng chuẩn bị 1 hũ rượu cần để trả của. Từ lúc này, nhà trai có thể trả của cho nhà gái hoặc hẹn lại sau. Sau ngày thứ 8 ở bên nhà chồng, đôi vợ chồng trẻ về lại bên nhà gái, nhà gái cũng chuẩn bị 1 hũ rượu cần để đón.

Khi có điều kiện để trả đủ số lễ vật cho nhà gái thì được đưa cô dâu về nhà trai hoặc ra ở riêng, nếu chưa trả được thì phải ở rể cho nhà gái đến khi trả hết nợ.

Thời gian thực hiện lễ trả của được diễn ra ít nhất trong vòng hai ngày, có thể tại nhà gái hoặc nhà chàng trai, tùy thuộc sự thống nhất của hai bên. Để giảm bớt gánh nặng đối với các hiện vật làm sính lễ, anh em thân tộc trong gia đình hoặc bạn bè nhà trai có thể giúp đỡ bằng cách trao tặng một hoặc nhiều hiện vật cho nhà trai sử dụng làm đồ sính lễ để dùng vào việc trả của. Việc làm này sẽ được nhà trai ghi nhớ và sẽ trả lại bằng hình thức tương tự cho gia đình kia khi họ tổ chức lễ trả của cho con trong thời gian khác. Sau khi các hoạt động trả của kết thúc, nhà gái đã nhận đủ số lễ vật, cả gia đình nhà trai và nhà gái sẽ mời khách cùng anh em dòng họ, bạn bè trong bon, sóc thưởng thức những món ăn. Việc ăn uống sẽ được kéo dài cùng với tiếng cồng, chiêng cho tới khi rượu đã cạn, sức đã mệt(4).

Ngày nay vợ chồng có thể ra ở riêng và trả nợ cho cha mẹ vợ sau. Sau ngày cưới đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống mới với gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Ý nghĩa của hình thức trả của:

Là việc làm để người con rể thể hiện sự đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ người con gái, đồng thời các sính lễ trả của sẽ được gia đình nhà cô gái sử dụng để mời anh em, hàng xóm trong cùng poh, wăng ăn uống nhằm báo tin gia đình có con gái lấy chồng.

Đối với người XTiêng việc canh tác nương rẫy cần đến nguồn lao động của các thành viên trong gia đình, một lao động trưởng thành trong gia đình sau khi lấy chồng, nhà gái sẽ hao hụt một lao động, vì thế số sính lễ trả của có thể xem đây như một giá trị vật chất để nhà trai đền đáp lại sự thiếu hụt này.

Có thể thấy tuy phong tục cưới còn đôi chút nặng nề nhưng người XTiêng vẫn luôn tin tưởng thiết tha vào tương lai cuộc sống. Họ luôn luôn sát cánh bên nhau, cầu mong một cuộc sống ấm no, tốt đẹp, thể hiện khát vọng tự do hạnh phúc, một điều giản đơn vừa thực tế vừa thiêng liêng mà mỗi một dân tộc sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều hướng tới.

…………………………………….

Tài liệu tham khảo:

1 Địa chí Đồng Nai, tập V, tr.697

2 Theo http://langvietonline.vn

3 Theo http://langvietonline.vn

4 Theobaobinhphuoc.com.vn, ngày 30/9/2017

 

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 274 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày