Bỏ qua nội dung chính

Thăng Long Hà Nội

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Thăng Long Hà Nội > Bài đăng > Bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám: Sẽ trở thành tư liệu thế giới
Bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc Tử Giám: Sẽ trở thành tư liệu thế giới
82 bia tiến sĩ ở văn miếu - Quốc Tử Giám ( Hà Nội) vừa được UBND TP. Hà Nội và các nhà khoa học đề nghị xây dựng hồ sơ đưa vào danh sách đề cử công nhận là di sản tư liệu thế giới. Dự kiến hồ sơ sẽ được gửi đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét vào tháng 3/2010. Đây sẽ là sự kiện có ý nghĩa thiết thực nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

MINH CHỨNG CHO TRUYỀN THỐNG COI TRỌNG HIỀN TÀI, ĐẠO HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT
Bia Tiến sĩ được đặt ở khu thứ 3 của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở giữa có giếng Thiên Quang (giếng ánh sáng trời) cùng Khuê Văn Các, biểu tượng văn hóa của Thủ đô. Các bài ký trên bia cho chúng ta biết lịch sử các khoa thi, tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam thời đó; ca ngợi tài, vị của đức vua đang trị vì cũng như mục đích, yêu cầu của việc đào tạo nhân tài.  Những tư tưởng triết học, sử học, quan điểm về giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài được thể hiện trong những bài văn bia đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay tấm bia đầu tiên (1442) đã nêu một luận cứ khẳng định vai trò và vị trí của kẻ sĩ: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Đến thế kỷ XVIII, bia năm 1739 ghi tương tự: “tuy đã nêu tên trên bảng vàng song vẫn chưa đủ để lưu truyền hậu thế, dù đã ghi trong sổ cất nơitriều đình song vẫn chưa đủ đế biểu dương tiếng tăm, vì thế, sai khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học khiến chokhoa danh và tên họ còn tiếng thơm đến mãi muôn đời”. Cũng nhờ sự lưu danh đó mà hậu thế biết đến những địa phương có truyền thống khoa bảng như làng Mộ Trạch, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) hay những dòng họ hiếu học như dòng họ Nguyễn xã Vân Điềm (Bắc Ninh), dòng họ Bùi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội)... Đây là minh chứng hùng hồn nhất cho thấy việc coi trọng hiền tài, đạo học của dân tộc Việt Nam.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: "Đây là tư liệu văn tự nguyên gốc, độc bản, chỉ có một mà thôi nên hết sức quý giá. Nhà sử học có thể tìm thấy ở đây tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc, quê quán, danh tính những bậc nhân tài được ghi cụ thể, chính xác thông qua đó có thể xác định tuổi cho nhiều di tích ở những nơi không ghi niên đại. Nhà địa lý có thể tra cứu những địa danh cũ để tìm ra những vùng đất cổ liên quan đến thời hiện tại. Nhà nghiên cứu triết học có thêm những chứng cứ để khảo sát vai trò cũng như diễn  tiến của Nho học ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình có thể từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn và các mô típ chạm khắc trên bia mà tìm ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát huy, áp dụng vào những sáng tạo hiện đại”.
ĐÁP ỨNG ĐỦ TIÊU CHÍ ĐỂ TRỞ THÀNH DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI
Điểm khiến các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá cao bia Tiến sĩ ở Văn Miếu là các bia không chỉ đơn thuần khắc tên, tuổi, quê quán các vị tiến sĩ mà còn nêu mục đích của việc dựng bia, khẳng định vai trò, giá trị của nhân tài, của kẻ sĩ thành đạt và răn dạykẻ sĩ về cách sống, cách làm việc cư xử. Mỗi tấm bia được coi như một ángvăn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng lớn về việc sử dụng nhân tài của đất nước. Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo hồ sơ cho biết: ''Nhiều nơi cũng có bia Tiiến sĩ như ở Huế (Thừa Thiên-Huế), Bắc Kinh (Trung Quốc), Nhật Bản nhưng chỉ duy nhất bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là có bài ký trên bia (văn bia). Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản đó là những tác phẩm văn học vô giá. Ngoài ra, mỗi tấm bia là một tác  phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế được chạm khắc khác nhau và cách trang trí cũng thay đổi theo từng thời kỳ, nhờ đó mà hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của nước ta từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII”. Những điểm đó đã khẳng định tính độc đáo và duy nhất của bia Tiến sĩ ở Văn Miếu so với bia các nơi khác. Hơn nữa, 82 bia Tiến sĩ từ khi được dựng cho đến nay vẫn nằm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bài văn bia ghi rõ ngày, tháng dựng, tên người được vinh danh, người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu.
Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam khẳng định: "Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đáp ứng đủ 5 tiêu chí của UNESCO để trở thành Di sản ký ức - tư liệu thế giới. Tuy nhiên, trong hồ sơ, chúng ta cần làm rõ những tiêu chí nổi bật như: tính giao lưu văn hoá, tính tư liệu về giáo dục, nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật, vănhoá; tư liệu về hình thức tôn vinh danh nhân độc đáo... Hồ sơ phải làm cẩn thận và sâu hơn”.
Nếu được công nhận là di sản tư liệu thế giới thì bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành di sản thứ hai của nước ta (sau Mộc bản Triều Nguyễn) được nằm trong danh mục này. Đây sẽ là hành động thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
 
MINH LONG
 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.