Bỏ qua nội dung chính

Thăng Long Hà Nội

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Thăng Long Hà Nội > Bài đăng > Chùa làng Đông Phù (Đông Mỹ - Thanh Trì)
Chùa làng Đông Phù (Đông Mỹ - Thanh Trì)
Là nơi tu hành của công chúa Từ Thục và Từ Huy, con vua Lý Thánh Tông (1054 -1072). Hằng ngày ở nơi thôn dã, biết dân còn nghèo, hai bà xin vua hơn nghìn mẫu ruộng để cấp cho 9 làng ở phía Nam huyện Thanh Trì ngày nay, lại lo truyền nghề phụ cho mỗi làng.

Trải gần nghìn năm, nghề các bà truyền dạy nay vẫn phát triển. Vào ngày rằm tháng ba năm Hội Phong thứ 4 (1095) đời vua Lý Nhân Tông, khi tuổi đã cao, hai bà cùng hai đệ tử Quỳnh Hoa và Quế Hoa nhập am thiền định và đều hóa. Nhớ ơn hai bà, nhân dân các làng Đông Phù, Tự Khoát, Ninh Xá dựng đền và tạc tượng thờ. Chùa Đông Phù còn giữ được 17 sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn phong hai công chúa Từ Thục và Từ Huy là Nhị vị Đại Bồ Tát và phong Quỳnh Hoa và Quế Hoa là Thượng đẳng thần.
 
            Chùa Đông Phù kiến trúc kiểu chữ quốc. Sau chùa chính có ba gian nhà khung gỗ, mái lợp ngói ta, dân gọi là chương. Gian chính giữa của chương có đặt khám lớn, bên trong đặt tượng Nhị vị. Chương là chốn thâm nghiêm, hằng năm vào ngày rằm tháng ba, dân 9 xã 10 làng mở hội tưởng niệm công đức hai bà, khám mới được mở để bao sái tượng. Các cụ ở làng nói nơi thờ bà rất thiêng. Năm 1944, lính Nhật dỡ cánh cửa chương đem sang làng Đông Trạch kê làm chỗ tắm, tên quan ba bị chết ngay. Sau đó chúng sợ hãi chuyển cửa trả cho chùa. Hồi Pháp chiếm đóng, chúng dỡ cửa chương để quây bốt Đông Trạch, cách chùa 200 mét cũng lủng củng không yên, buộc phải đem trả nhà chùa những thứ đã cướp.
 
Hai chục năm trở lại đây, các chùa đền thờ Nhị vị ở vùng phía nam huyện Thanh Trì từng bước được tôn tạo và đều được Bộ VHTT xếp hạng. Năm 2003, Nhà nước đã chi gần 2,8 tỷ đồng dựng chùa Đông Phù. Chùa làm bằng gỗ tốt, kiến trúc đẹp, nhân dân vô cùng phấn khởi.
            Cuối năm 2006, có tin tượng Nhị vị đã bị xuống cấp, hai bà người làng đã sốt sắng công đức tiền, tạc hai pho tượng mới. Ngày 22-1-2007 (mồng 4 tháng Chạp Bính Tuất), tượng cũ được chuyển khỏi khám và thay vào đó hai pho tượng mới. Lễ hô thần nhập tượng diễn ra. Sau đó, hai pho tượng cũ sẽ được hóa. Chất đốt là các bó hương và củi gỗ từ chùa dỡ ra, đã được chuẩn bị sẵn. Khi biết việc này, số đông người có mặt đều không đồng tình. Kẻ nói ra người nói vào, lòng phật tử xao xuyến. Đến lúc ấy, cụ được mời đến chủ trì buổi lễ mới xem hai pho tượng cũ và nói: Tượng còn tốt, ta nên để lại, hóa đi phải tội.
            Ngày 4-3, tôi về Đông Phù, được cụ Trần Đức Thao dẫn ra thăm ngôi cổ tự. Cụ Thao là cán bộ hưu, năm nay 78 tuổi, làm phó BQL chùa Đông Phù từ năm 1990 đến 1999. Chúng tôi chiêm ngưỡng tượng Nhị vị - đặt trên cái bàn gỗ ở gian bên trái của chương. Tượng được tạo tác công phu, còn khá nguyên vẹn. Đứng trước hai pho tượng đẹp, thật mừng vì điều xấu nhất (hóa tượng) đã không xảy ra.
            Thật tình cờ, tôi may mắn gặp cụ Phạm Văn Lâm, năm nay 68 tuổi, hiện giữ chức trưởng BQL di tích. Trả lời câu hỏi của tôi về việc bảo quản hai pho tượng này, cụ Thao nói: Trước đây, ông Trần Lâm Biền có về thăm chùa, nói hai pho tượng này có niên đại đầu thế kỷ XIX. Khi biết tin hai pho tượng sẽ đem hóa, đông đảo cụ bà ở làng đều không đồng tình. Nhiều người đến trước tượng bà khóc, vì những năm tháng khó khăn nhất bà đã gắn bó và phù trợ cho dân làng, nay đời sống dân làng đã khá giả sao bà lại nỡ ra đi. Tôi đề nghị, bằng mọi cách phải giữ được tượng của hai bà và phải trả về vị trí cũ trước ngày hội chùa năm nay. Nếu có sự thay đổi phải được người có chuyên môn kiểm chứng, cơ quan quản lý ra quyết định. Chỉ có làm như vậy mới thấu lý đạt tình, mới hợp lòng dân.
Cụ Phạm Văn Lâm nói: Việc hóa tượng chắc chắn không xảy ra. Chúng tôi sẽ tận dụng gỗ cũ dựng nhà bảo tàng để lưu giữ tượng. Nhưng đây là ý kiến cá nhân tôi, còn tất cả phải trông vào cấp trên.
            Cụ Lâm không nói cụ thể cấp trên là UBND xã Đông Mỹ, phòng VHTT huyện Thanh Trì hay BQL Di tích - danh thắng Hà Nội. Còn riêng tôi, tôi cũng đặt câu hỏi, tại sao một việc làm tùy tiện ở một di tích xếp hạng cấp quốc gia, xảy ra đã hai tháng mà đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa hề có ý kiến mang tính quyết định. Thiết nghĩ, nếu đã trót “có mới nới cũ” rồi, không làm được như ý cụ Thao nói, dân làng nên đồng ý để cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển tượng hai bà về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bảo quản, đồng thời để khách gần xa có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hai pho tượng này.
           Theo HNM

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.