25/06/2010Như chúng ta biết: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo du nhập vào nước ta từ rất lâu đời và đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đời sống văn hóa xã hội Việt Nam.
Linh Tiên Quán có thể coi là một trong hai không gian Đạo giáo hiếm hoi còn lưu giữ được nhiều yếu tố của Đạo giáo còn lại trên đất Hà Tây (một không gian khác là Dương Lâm Quán thuộc làng Đa Sỹ, xã Kiến Hưng, thành phố Hà Đông).
Linh Tiên Quán nằm trên địa phận làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Theo như truyền thuyết và văn bia ở đây còn lưu giữ thì chúng ta được biết Linh Tiên Quán có từ rất lâu đời (khoảng những năm 111 TCN) và gắn với nhân vật Lữ Gia (Lữ Gia là tể tướng của nước Nam Việt). Khi nhà Hán có ý định xâm lược Nam Việt thì triều đình Nam Việt có ý đầu hàng. Lữ Gia đã phản đối. Năm 111 TCN, nhà Hán đánh chiếm Nam Việt, Lữ Gia đã dẫn đầu vài trăm người chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về hướng Tây. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đăng Duy thì Lữ Gia đã dừng chân tại Đức Thượng để tu tiên và luyện đan). Hiện nay, trong quán có treo một biển gỗ viết bằng chữ Hán và được giải thích là chép từ bia đá trước đây, trong đó có đoạn viết: "Nguyên Triệu thời, Lữ Nam đế hưng Gia, giá du hành chí thử hương, hiến tiên nhân biến kỳ, ư thự đế liên giá bái kệ tiên nhân, tiên nhân ngộ nhận thắng thiệu. Nhân sự. Lã Gia lập Linh Tiên Quán." (Tạm dịch là: Vào thời Triệu Nam đế có ông Lữ Gia, đi chơi đến làng này, thấy tiên đang đánh cờ liền quỳ xuống bái lạy người tiên, người tiên nhân thấy thế bay lên trời. Nhân chuyện này, Lữ Gia cho lập Linh Tiên Quán, quán về tiên linh thiêng). Cũng theo truyền thuyết chúng ta được biết, Linh Tiên Quán trước đây là một vùng đất rất cao có nhiều đan sa nên Lữ Gia đã lưu lại nơi này để luyện đan. Dấu tích còn lại là trên nền thượng điện của quán, dưới gậm bệ đặt tượng thờ vẫn còn cái giếng (gọi là giếng Ngọc). Tương truyền đây chính là lò luyện tiên đan của người xưa. Giếng này có nước trong và rất mát nên khi hành lễ, các cụ ở đây thường lấy nước giếng Ngọc để cúng lễ trong quán. Và trên thượng điện có giếng Ngọc hiện còn lưu đôi câu đối cổ như sau: "Địa khai đan huyệt thiên thu ngọc tỉnh bá phương danh. Thiên thông trác khí cổ lai tiên quán truyền cựu tích". Tạm dịch: Đất mở huyệt luyện đan ngàn năm thành giếng ngọc rộng mở tiếng thơm. Trời thông bầu khí đẹp, tự cổ thành quán tiên truyền lưu tích cũ.
Nói về Linh Tiên Quán không thể không nhắc đến không gian nghệ thuật kiến trúc và hệ thống tượng, điện thờ cúng nơi đây. Về kiến trúc tồn tại hiện nay không còn giữ được nguyên bản mà đã trải qua nhiều đời tu sửa. Theo tư liệu lưu giữ thì công trình này được công chúa Mạc Kim Dung và phò mã Mạc Ngọc Liễn tu sửa vào năm Giáp Thìn (1544). Và lần tu sửa này đã để lại cho chúng ta một công trình văn hóa quy mô và bề thế bằng gỗ như ngày nay. Công trình kiến trúc của Linh Tiên Quán không kể các kiến trúc phụ là những dãy nhà cấp bốn mới xây dựng sau này ở phía sau và hai bên làm điện thờ Mẫu, nhà tăng, nhà khách, nhà kho, nhà bếp thì Linh Tiên Quán là một kiến trúc gỗ quy mô, hình chữ công ở Trung tâm làm điện thờ. Gồm có nhà đại bái, nhà ống muống, nhà thượng điện... Với lối kết cấu kiến trúc các bộ vì đến giá chiêng, bốn cột, kẻ suốt, từ cột cái ra cột quân làm cho công trình kiến trúc trở nên cao, thoáng. Có lẽ đây là tòa kiến trúc bằng gỗ từ thế kỷ XVI còn sót lại một cách tương đối nguyên vẹn. Điều thú vị nữa về sự cổ kính của công trình kiến trúc này là nhà tam quan ở phía trước (hướng đông) treo khánh và gác chuông - chuông đồng được đúc năm Cảnh Thịnh 5 (1797) cao 1,40m treo ở phía sau. Tam quan đều là những kiến trúc gỗ chồng diềm hai tầng. Đây là tam quan khác hẳn với tam quan ở các nơi khác được làm vào thời Lê, Nguyễn sau này (tam quan thời Lê và Nguyễn thường xây bằng gạch). Về hệ thống tượng thờ ở Linh Tiên Quán cũng khá đặc biệt. Đó chỉ là một số ít tượng của Phật giáo như: Thích Ca sơ sinh, Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừ Ác cưỡi sư tử, Quan Âm Thị Kính (thờ tại nhà đại bái) còn lại chủ yếu là các tượng của Đạo giáo. Nổi bật lên trong nhà ống muống là tượng Ngọc Hoàng thượng đế ngồi cao to như tượng Hộ pháp, hai bên là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu. Phía sau Ngọc Hoàng là ba tượng Hậu, tỏa ra hai bên là tượng Cửu Thiên Huyền Nữ - một mẫu tối cao của Đạo giáo. Ngoài ra, trên bàn thờ còn bày tượng Đế Thiên và Đế Thích. Một vị coi hạ giới, một vị coi cõi trời sắc giới. Tiếp theo là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ và tượng Thập Điện Diêm Vương. Đây là mười vị vương trông coi mười cửa ngục dưới âm phủ. Đặc biệt, ở trung tâm bàn thờ Ngọc Hoàng có bày pho tượng Lão Tử - ông tổ của Đạo giáo. Pho tượng này rất nhỏ cao chừng chỉ 30cm, tượng được tạc bằng gỗ để mộc, đầu trọc râu dài, ngồi chân co chân duỗi, hai tay đặt trên đầu gối. Trong nhà thượng điện nổi bật lên là ba pho đại tượng Tam Thanh (Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh - ba vị này đại diện cho tất cả các vị thần tiên của Đạo giáo ở ba cung trời). Ba tượng Tam Thanh được làm bằng đất cao 2,30m giống nhau, đắp theo dáng đạo sỹ búi tóc cài trâm, lưng dài đầu chít khăn vàng, mình khoác áo vàng. Tượng được đặt ngồi trên bệ, tóc búi hình trụ nhô lên giữa đầu, mặc quần áo thụng, thắt ngang lưng. Phía góc trước bên phải thờ tượng Triệu Võ, có người gọi là Quan Võ tức Quan Vân Trường một nhân vật lịch sử đời Hán. Phía góc trước bên trái thờ tượng Văn Xương đế quân, một thần tượng của Đạo giáo trông coi về văn học. Cũng trong thượng điện đầu chái bên phải có một bàn thờ, nhân dân thường gọi là Cung nhà Trần thờ Hưng Đạo Vương. Ngoài các điều kể trên, ở Linh Tiên Quán còn có tượng Khổng Tử (ông tổ của Nho giáo) và khá nhiều các pho tượng nhỏ, cao chừng khoảng 30cm với đủ các dạng, các kiểu, như phía trước tượng Tam Thanh, chỗ bàn thờ Lục địa thần tiên. Những pho tượng này ngày nay vẫn chưa có sự giải thích rõ ràng, thống nhất. Cùng với các pho tượng trong Linh Tiên quán còn có rất nhiều hoành phi và câu đối cổ nói về công việc luyện đan tu tiên của Lữ Gia như thể: "Linh quán đệ nhất danh, Lã thừa tướng hạnh du thử địa. Tiên đài thiên vạn cổ, Lý pháp sư trì tụng chân kinh " (Tạm dịch là: Quán Linh Tiên nổi tiếng nhất, thừa tướng Lữ Gia đã đến nơi này. Đài Tiên nghìn vạn năm pháp sư thời Lý đến đọc chân kinh). Và để tưởng nhớ Lữ Gia và thờ Ngọc Hoàng đại đế cùng các vị thần, thánh, hàng tháng các tăng ni trụ trì cùng nhân dân địa phương cứ đến ngày rằm và mồng một lại tổ chức cúng lễ và hàng năm đến ngày mùng chín tháng giêng các sư, các vãi trong làng và các vùng lân cận lại tụ họp về đây lễ tụng. Đặc biệt trong hội làng ngày mười ba tháng hai, nhân dân làng Cao Thượng lại mở cửa quán để rước kiệu mẫu từ quán sang đình và để qua một đêm thì lại rước quay trở lại.
(Theo HTO)
|
|
|
|
|
|
|