Bỏ qua nội dung chính

Thăng Long Hà Nội

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Thăng Long Hà Nội > Bài đăng > Phố Đinh Tiên Hoàng, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử Thủ đô
Phố Đinh Tiên Hoàng, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử Thủ đô
Có một con phố được chứng kiến nhiều nhất những dấu ấn quan trọng lịch sử văn hoá và phát triển của Thủ đô, đó là phố Đinh Tiên Hoàng, nằm ở phía Đông hồ Hoàn Kiếm.

Có lẽ vì thế khu vực Hồ Hoàn Kiếm nói chung, phố Đinh Tiên Hoàng nói riêng đã được nhiều nhà sử học, nhà văn coi Hồ  là nơi hội tụ khí thiêng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.
 
Phố Đinh Tiên Hoàng dài khoảng 900m, ngày xưa còn được gọi là phố Hồ, rồi đại lộ Francis Garnier. Tháng 8/1945, bác sĩ Trần Văn Lai khi đó là Thị trưởng Thành phố, đã đổi tên thành phố Đinh Tiên Hoàng để ghi nhớ công lao vị Hoàng đế có công thống nhất đất nước hồi thế kỷ thứ 10.
 
Với những gì mà sách sử còn ghi lại được, thì dấu tích được coi là đầu tiên của lịch sử văn hoá Thủ đô là ở nơi đây.
 
Phố Đinh Tiên Hoàng xưa (Ảnh: Internet)
Trải qua bao năm tháng với nhiều triều đại, Kinh thành Thăng Long có rất nhiều tên gọi: Đông Đô thời nhà Hồ; Đông Quan thời nhà Minh xâm lược nước ta; Đông Kinh thời nhà Lê và Hà Nội từ thời nhà Nguyễn, nhiều đền chùa lớn và công trình kiến trúc tiêu biểu đã được người xưa xây dựng lên tại rẻo đất phía Đông Hồ Hoàn Kiếm.
Đền Bà Kiệu thờ mẫu Liễu Hạnh, được xây dựng gần đối diện với đền Ngọc Sơn từ thời Lê Thần Tông thế kỷ 17; Tiếp đến là chùa Báo Ân, được xây dựng vào 1842. Khi đó chùa Báo Ân, hay còn gọi là Chùa Quan Thượng, là ngôi chùa to và đẹp vào bậc nhất của Kinh thành Thăng Long.
Kế đó vào năm 1865 đến đời Vua Tự Đức thứ 18, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu một người giỏi văn chương của đất kinh kỳ được người đương thời phong là “Thần Siêu” đã đến đây xây dựng cổng đền Ngọc Sơn và đài nghiên và tháp bút. Biểu tượng hùng hồn khí phách văn chương của kẻ sĩ đất Kinh kỳ vẫn mãi trường tồn cho đến ngày nay bên phố Đinh Tiên Hoàng.
Hà Nội trở thành thuộc địa, người Pháp thành lập Thành phố Hà Nội và tiến hành mở rộng ra phía Đông Nam, quy hoạch xây dựng khu phố mới với kiến trúc Châu Âu bên cạnh khu phố cổ, xác định Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là trung tâm Hà Nội.
Thời đó khi làm đường lớn đi ven hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã mở đường cắt ngang đền và cổng tam quan đền Bà Kiệu. Đó chính là đường phố Đinh Tiên Hoàng bây giờ.
Hiện cổng cũ đền Bà Kiệu vẫn còn, nằm về phía bên hồ, còn chùa chính nằm phía bên này đường.
Sau khi con đường qua khu vực cổng đền Ngọc Sơn, đường tiếp tục mở xuyên qua khu vực chùa Báo Ân. Dấu tích của ngôi chùa còn lại cho đến ngày nay là tháp Hòa Phong, nằm trên rẻo đất bên hồ. Nhìn chênh chếch sang phía bên kia đường Đinh Tiên Hoàng là Bưu điện Hà Nội.
Trên phố này, người Pháp đã xây dựng Tòa đốc lý (nay là UBND Thành phố Hà Nội), rồi vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), nhà Kèn hình bát giác bây giờ được xây dựng từ thời đó.
Đến năm 1884 người Pháp xây dựng toà nhà Bưu điện đầu tiên và đến năm 1901 toà nhà chính Bưu điện Bờ Hồ trên nền của chùa Báo Ân hoàn thành, tiếp đến là nhà máy đèn Bờ Hồ, nằm phía bên phải tòa nhà Đốc Lý. Rồi bến xe điện Bờ Hồ trên con phố này.
Sáng sớm ngày 10/10/1954, tại đây cũng đã chứng kiến những binh lính Pháp cuối cùng rút quân khỏi Hà Nội. Và sau đó là màn chào đón đoàn quân chiến thắng từ các ngả đường tiến vào tiếp quản Thủ Đô.
 
Phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay (Ảnh: Internet).
Sau ngày tiếp quản Thủ Đô 1954 đến nay, trong 55 năm ấy trên phố này được chứng kiến thêm 3 lần xây dựng nữa. Đó là toà nhà chính của Bưu điện Bờ Hồ được xây từ thời thuộc Pháp lại được phá đi để xây toà nhà Bưu điện mới với tháp chuông 4 mặt hiện nay, rồi tiếp đến là toà nhà chính của UBND Thành phố Hà Nội và sau đó vài năm là toà nhà “Hàm cá mập”.
Hơn 30 năm sau, vào ngày trưa ngày 30/4/1975, nhân dân Hà Nội lại hân hoan đổ về Hồ Gươm, đổ về phố Đinh Tiên Hoàng, trước UBND Thành phố, vườn hoa Chí Linh, đền Ngọc Sơn, bến xe điện Bờ Hồ… để nghe tin đại thắng mùa xuân giải phóng Sài Gòn qua đài truyền thanh Hà Nội, chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ngót hai mươi năm sau, ngày 7/10/2004, tại vườn hoa Chí Linh, bên phố Đinh Tiên Hoàng, có thêm một sự kiện mới mang tính lịch sử của Thành phố Hà Nội ngàn năm tuổi, đó là Lễ khánh thành tượng đài Lý Thái Tổ, vị vua đặt nền móng vững bền cho Kinh đô Thăng Long, Hà Nội ngày nay.
Và một điều chắc chắn rằng vào ngày 10/10/2010, nhiều lễ hội lớn mang tính Quốc gia. chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ được tổ chức tại Hồ Gươm, trên phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Lý Thái Tổ.
Con phố này không chỉ đầy ắp những dấu tích lịch sử và phong cảnh tuyệt đẹp của hồ Gươm, mà với vị trí trung tâm văn hoá, những ngày bình thường cũng như các ngày lễ tết lúc nào hồ Gươm và con phố Đinh Tiên Hoàng cũng là nơi mọi người dân trong cả nước và các khách du lịch nước ngoài đổ về.
Bởi vậy cho nên hầu hết những lễ hội truyền thống lớn của quốc gia và Hà Nội như: Bắn pháo hoa nhân ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết nguyên đán. Những sự kiện thể thao văn hoá lớn như đua xe đạp vòng quanh hồ Gươm, đi bộ vì hoà bình, những tối biểu diễn ca múa nhạc chào mừng những ngày lễ lớn v.v…dường như tất cả đều được tổ chức trên đường phố này.
Qua 1000 năm từ Kinh thành Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội, hiếm có một con phố nào trên đất nước Việt Nam lại có một bề dày về chứng tích lịch sử đan xen với nhau trong không gian văn hoá tâm linh, nơi được coi là đẹp nhất Thủ Đô như con phố Đinh Tiên Hoàng ven hồ Hoàn Kiếm này.
Theo Dân Trí

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.