Đức hoàng thượng bệ hạ nhà Lý chọn hôm ấy để từ Hoàng cung ngự ra hồ xem đánh cá. Mà lại đi thuyền nhỏ. Bỗng chốc, mây mù nổi lên. Trong đám mù, nghe có tiếng thuyền bơi đến gần thuyền ngự, tiếng mái chèo khua rào rào... - đấy là lời sách Đại Việt sử ký toàn thư'' của sử thần Ngô Sĩ Liên. Vị tiến sĩ khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) họ Ngô, chép tiếp vào chính sử: “Vua lấy giáo phóng vào chỗ có tiếng rào rào trong sương. Mây mù chợt tan. Bỗng thấy trong thuyền có con hổ. Mọi người sợ tái mặt, kêu lên: “Việc nguy rồi!”.
Đúng là nguy cấp thật sự! Không hiểu cọp ở đâu ra? Và thú dữ bỗng thấy ở trong thuyền ngự, hay là từ con thuyền ma lẩn khuất trong sương mù? Chỉ biết rằng chuyện lạ nối theo việc lạ: có một người đánh cá chắc hẳn đánh cá cho vua xem - tên là Mục Thận, trong lúc nguy cấp, đã nhanh trí tiện tay quăng ngay tấm lưới của mình chụp lên con hổ? Thú dữ bị bắt sống! Nhưng thế nào mà khi gỡ lưới, thì thấy không phải hổ, mà mà người! Mà lại là quan Thái sư đầu triều, vốn là vị ''Trạng nguyên khai khoa'' lừng danh Lê Văn Thịnh?
Thật quái dị chứ không phải kỳ lạ nữa! Nhưng vị sử quan họ Ngô, sau khi rành rẽ chép ghi chuyện vụ án, còn đàng hoàng hạ sử bút mà phán xét: ''Kẻ làm tôi, phạm tội giết vua cướp ngôi, vậy mà lại được miễn tội chết! Thế là sai trong việc hình!''. Ý giả ở đây, sử thần Ngô Sĩ Liên không bằng lòng với cách xử trí vụ án của Lý Nhân Tông: ''Vua nghĩ Lê Văn Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, bèn chỉ đày lên trại Thao Giang đầu!''.
Nhưng thôi, đấy là việc ở triều Lý và của sử bút họ Ngô. Chỉ biết rằng: có một nhân sự trong vụ án, chính là người gốc Hồ Tây đương thời, được hưởng lợi lớn: ''Vua thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Đấy vẫn là lời sách ''Đại Việt sử ký toàn thư''!
Tôi cùng mấy người bạn nhiều duyên nợ với Hồ Tây đã không ít lần - gần nghìn năm sau vụ án ''Đầm Mù Sương'' kỳ quặc như thế - có mặt, tìm đến, nơi ông chài Mục Thận ngày xưa, vừa được vua cho quan chức và tiền của, lại vừa được ban cả đất phong để mà ăn lộc: thực ấp!
Đến làng Võng Thị
Cái làng (''ấp'') để ăn (''thực'') đó, chính là Võng Thị, ở ngay trên quãng giữa con đường và bờ đất cạp theo mé nước mạn Tây của Hồ Tây - nơi cái bưng cong của hình hài con hồ, vồng hướng về xứ Đoài - nhiều nhất - để ôm vào lòng một vùng nước hồ hẹp nhất, mà từ bên kia bờ, từ hướng Đông, doi đất có các đàng Quảng Bá, Tây Hồ và Nghi Tàm - nay đã hợp thành phường Quảng An của quận Tây Hồ mới thành lập - ăn ra tận giữa lòng hồ lớn, hướng thẳng đầu mũi đất tới nơi này.
Ngày xưa - mà cũng chẳng phải mà xưa lắm đâu, vì nhà văn Tô Hoài ngày nay, người vùng Bưởi ở ven hồ phía Nam, vẫn hay biết và thường kể về - một con đường rất bện, vì gần và thẳng, nối doi đất Quảng An bên Đông, với chỗ lưng ong của hồ ở mạn Tây - mà Võng Thị - này. Đó là một con đường nước, gắn bó với lối sống và phương thức đi lạicổ truyền, quen thuộc và thường xuyên của người Thăng Long - Hà Nội, vốn là cư dân của một đô thị sông hồ ''điển hình”. Vậy mà, trong mạng lưới giao thông đường thuỷ trùm phủ lên khắp chốn kinh thành - Thủ đô xưa, có một con đường nước, ngang qua giữa hồ, nối đôi bờ Hồ Tây, nổi tiếng với hai đầu bến: bên mạn đông là Xóm Cung, đầu cùng doi đất Quảng An (chỗ bây giang mịt mù – không phải khói sương, mà là - khói hương của ''Phủ Tây Hồ''), còn bên mạn Tây, thì chính là chỗ bến làng Võng Thị này.
Hàng hoá bán bán buôn buôn, và đi đi lại lại thăm viếng, là những chuyện làm nên sự tấp nập của con đường nước, ngang qua chỗ hẹp nhất của hồ, nối Quảng An với Võng Thị. Nhưng cũng còn một giới hành khách, mà cuộc hành trình xuyên hồ của họ vừa làm nên một điều ngộ nghĩnh rất đặc trưng, lại còn nhờ văn chương thi phú - của nhà thơ tài hoa Phạm Thái - mà chốt lại mãi được một lối sinh hoạt và nét cảnh quan thật thú vị, của con đường nước, qua hồ tại chỗ này. Ấy là một ''lũ túy ông” - những kẻ bợm rượu, sành uống - ít nhất cũng là ở suốt thế kỷ l8, luôn chực sẵn chỗ bến nước bên bờ Đông, chỉ chờ có tín hiệu, là ''tất tả sang đò”! Cái tín hiệu ấy, chính là mùi thơm của hương rượu, quyện cùng hương hoa mà lan tỏa trên sóng nước, từ Võng Thị!
Hai chữ Võng Thị là tên càng, chính gốc, vốn mang nghĩa lý của một cái chợ bán mua lưới đánh cá - mặt hàng sản xuất đặc trưng của ngôi làng ven hồ. Chiếc lưới bắt hổ mà lại chụp được thái sư Lê Văn Thịnh của ông chài Mục Thận, hẳn là một sản phẩm của làng và từ cái chợ lưới – Võng Thị - ấy. Thế nhưng, thiên hạ đại chỉ biết đến Võng Thị, trước hết như là một cái chợ rượu! Bởi vì ''rượu sen làng Võng” - thứ rượu của ngôi làng trông ra một vùng hồ chuyên thả sen lấy hương ủ chè ướp rượu này - không chỉ cùng món rượu nếp làng Thụy ở mạn phía Nam hồ, làm nổi danh cho cả vùng văn hoá ẩm thực Hồ Tây, mà còn là một thứ ''nước cay'' được cả đất và người kinh kỳ ái mộ.
Nhất là khi đến uống rượu ngay tại lò. Làng rượu hoá thành chợ rượu. Và lại có cả cầm ca “đưa cay'', cùng với ráng chiều nhuộm màu cho rượu, thì không còn gì bằng:
Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.
Khách Ngô, Sở chợ Tây ngồi san sát, người Hy Hoàng song Bắc ngáy phi pho...
Liền sau mấy nét chấm phá thực là tài tình về cái chợ ruợu và món ruợu chợ Võng Thị như thế, cụ Nguyễn Huy Lượng, trong bài phú tuyệt tác ''Tụng Tây Hồ'' – làm vào ngày hạ chí năm Tân Dậu (tức là ngày 21 tháng sáu năm Tây lịch l801) ngay bên bờ nước Hồ Tây, để vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn dùng đọc trong buổi trọng lễ ''tế giao'' hôm ấy - còn hạ tiếp luôn hai hàng châu ngọc óng ánh và ngát hương lãng mạn trữ tình cổ điển nữa:
Bến giặt tơ người bốc nước còn khuya, gương thiềm định trong tay lóng lánh.
Vườn hái nhị kẻ giày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho...
để cho một võng Thị khác nữa – không phải chỉ là ''Võng Thị rượu'' - cũng đồng thời mà lồ 1ộ hiện hình.
Thì ra còn có một làng Võng Thị chuyên cần và sáng tạo lao động - một thứ lao động thủ công cổ truyền nổi tiếng tinh tế - để ra cho đời những món lụa là mà chỉ có nước Hồ Tây ở cái bến giặt tơ và những cô gái sớm khuya bốc nước hoà ánh trăng lóng lánh mới có thể làm nên được. Đó là mặt hàng may mặc có tên là “Lĩnh Bưởi'' (lụa vùng Kẻ Bưởi) mà khắp nơi nơi đều ưa chuộng, kiếm tìm. Vì chỉ có ba làng trong số hàng chục làng vùng Kẻ Bưởi ở góc Tây – Nam Hồ Tây ngày xưa - mà một là Võng Thị, còn hai làng kia là Trích Sài và Bái Ân - có thể dệt thành được thứ hàng tơ thật mềm mỏng, nhuộm đen nhánh - để trơn, hoặc cải hoa, gọi là ''hình hoa chanh'' - dành riêng cho giới nữ, để may váy mặc quần này.
Đấy là nhờ câu thứ nhất - Bến giặt tơ - trong đoạn giữa của ''Tụng Tây Hồ phú'' mà ta biết thêm được về một ''Võng thị dệt lĩnh'' thanh nhã mà lam làm như thế Còn ở câu thứ hai - Vườn hái nhị... - thì lại hiện thêm ra nữa, một ''Võng Thị ruộng hoa'' mà hương thơm nồng nàn ở đấy có thể ướp đẫm cả đến từng gót chân đi dạo lúc tinh mơ.
Có một “Võng Thị ruộng hoa'' mà không phải là vườn hoa hoặc hoa vườn Võng Thị, bởi trong kho tàng thơ ca vùng Tây Hồ xưa kia để lại, còn đến mấy thi phẩm, khuyết danh, nhưng đều nổi tiếng, và đều mang nhan đề mà ''Võng Thị hoa điền''.
Không phải ''viên'' mà là ''điền'', chữ “điền'' này làm tràn bờ cho sự ngồn ngộn của sắc hương làng hoa Võng Thị, biến vùng hoa Võng Thị thành đồng thành ruộng, bạt ngàn và dân dã, chứ không chỉ là mấy mảnh vườn quý phái quý tộc:
Nền cao ngày nắng hồng lan ruộng
Luống nhịp bay thơm biếc thắm bờ…
Đấy ''Võng Thị hoa điền'' bên bếnnước giặt tơ Hồ Tây, xưa là như thế đấy?Còn bây giờ, đến với Võng Thị, trước hết là không còn con đường nước ngang quahồ nữa. Tôi và bạn sẽ chỉ còn được quyền chọn tuyến ''đường vành đai'' - mới được mang tên là ''đường Lạc Long Quân'' - rầm rập xe cộ và mù mịt bụi bặm, dọc men mạn Tây của hồ, đang ngày càng dầy đặc và kín mít đủ kiểu cửa nhà lô nhô, che chắn hết tầm nhìn bên đường mà xưa kia thì chỉ cần liếc mắt là đã thấy sóng nước mênh mang ngay cạnh người rồi.