Hà Nội là nơi có văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, dưới triều vua Lý Thánh Tông và đến năm 1070, vua Lý Nhân Tông xây thêm Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi đào tạo và tôn vinh nhân tài đất Việt. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài khi đến Hà Nội đều đã đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám - nơi có 82 tấm bia tiến sĩ ghi danh 1.307 vị tiến sĩ của 82 khoa thi từ năm 1442 - 1779. Đây chính là nơi bô lão cả nước thời nhà Trần hô vang lời thề “Sát thát” - quyết giết hết quân xâm lược Nguyên Mông. Cũng trên đất kinh sư này, sau khi thắng giặc, Thế tướng Trần Quang Khải đã làm những câu thơ đầy hào khí:
“Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Đây là nơi Nguyễn Trãi viết Đại Cáo Bình Ngô với những câu bất hủ:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo...”
Đây đúng là nơi vua Lê Thái Tổ trả lại kiếm thần cho Rùa Vàng để hôm nay Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm đẹp như một “lẵng hoa giữa lòng thành phố”.
Hà Nội còn có gò Đống Đa, nơi gắn liền với chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung, có tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”- biểu thị ý chí kiên cường của toàn dân tộc trong những ngày đầu chống Pháp.
Và Hà Nội anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh, với quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cũng ở đây có ngôi nhà sàn Bác Hồ và những dòng người nối nhau vào Lăng viếng Bác.
Kể sao hết hàng ngàn di tích lịch sử- văn hóa- cách mạng của Hà Nội, trong đó có hơn 100 di tích nổi tiếng gắn liền với lịch sử đấu tranh của nhân dân ta trong 80 năm qua. Gần đây, việc phát hiện Khu di tích Hoàng Thành làm sống lại những trang sử xưa của Hà Nội Khu di tích này là nơi chuyển giao cho hậu thế tiếng nói của nghìn xưa, với sự đầy đủ tính xác thực có nó.
Gần 70 năm giải phóng và hơn 20 năm đổi mới không ngừng thay da đổi thịt. Những người đi xa vài ba năm trở lại, những người Việt từ nước ngoài trở về và bạn bè quốc tế đều ngạc nhiên thấy Hà Nội đổi mới quá nhiều. Những con đường lớn, những ngôi nhà cao tầng, những khu công nghiệp khu đô thị mới… ngày càng làm cho Hà Nội trở thành một thành phố sầm uất, văn minh và hiện đại. Đặc biệt với việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XII năm 2008, Hà Nội đã trở thành thủ đô rộng nhất thế giới.
Trong tâm khảm của mỗi người dân Việt và của muôn thế hệ con lạc cháu Hồng, Hà Nội mãi là là thủ đô văn hiến, là nơi “Lắng hồn núi sông ngàn năm”, là nơi “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.
Phạm Phú Mai
Tạp chí Cựu Chiến Binh, số tháng 3 năm 2010, tr. 19.