Vương Thúc Quý là một thầy giáo luôn luôn nung nấu mối thù nhà, nợ nước và quyết tâm hoạt động để cứu nước. Thầy thường gửi gắm tâm sự yêu nước và căm thù giặc vào những bài giảng cho học trò. Bởi vậy thầy rất thích khi gặp học trò của mình cũng có chí lớn.
Sau khi thoát nạn ở Vinh (1901), để vừa che mắt địch vừa bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, thầy Cử Vương đã mở một lớp học tại nhà mình. Trong lớp học có bàn thờ cụ Vương Thúc Mậu. Hàng ngày trước khi giảng bài cho học sinh thầy Cử Vương thường thắp đèn, đốt hương cúng cha. Việc làm đó của thầy Cử Vương là muốn nhắc nhở các học trò trong lớp luôn nơi gương người đã hi sinh vì nước. Thầy Cử Vương không dạy học trò nặng nề về sách vở mà thầy dùng sách thánh hiền để giảng cho học trò về đạo lý làm người, phải biết thương yêu giống nòi, không ham tiền tài danh vọng, phải biết hy sinh vì đất nước, để làm nghĩa vụ cao cả của người dân, thầy thường lấy sự tích đông, tây, kim cổ để răn dạy, khích lệ tinh thần yêu nước, kêu gọi hợp quần.
Tới lớp học, Nguyễn Sinh Cung chăm chú, say mê nghe thầy Cử Vương giảng bài.
Một hôm thắp đèn đốt hương để tưởng niệm cụ Tú Mậu, Thầy lỡ tay làm dầu trên đĩa chảy xuống đế đèn. Nhân sự việc đó thầy liền ra cho học trò một vế đối “Thắp đèn lên dầu vương ra đế” để thăm dò khí chất học trò. Một học trò nhanh ý, lấy ngay hình ảnh cây hương thầy vừa đốt ở trên bàn thờ để đối lí “Đốt nhang rồi gió quạt bay tàn”.
Trò Nguyễn Sinh Cung xin đối “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường".
Thầy khen cả hai câu, nhưng với câu của trò Tất Thành, thầy cho rằng đối thoát hơn, nhiều ý hơn, không gò bó với nghĩa đen của từng từ (“vương” nghĩa là chảy, vương vãi ra, dính vào, còn có nghĩa là Vua; “đế” là đế đèn và Hoàng đế. “Tấn” vừa có nghĩa là tiến, vừa có nghĩa là thời nhà Tấn; “Đường” vừa là đường đi lại có nghĩa nhà Đường. Nhà Tấn vừa lập ngôi Vương mà nhà Đường đã lập ngôi Đế. Câu đối không chỉ chỉnh về ý, lời, ý nghĩa sâu rộng mà đã thể hiện ý chí của người thiếu niên 12 tuổi này.
Từ đó Nguyễn Sinh Cung được thầy chọn để bồi dưỡng thêm lòng yêu nước và những hiểu biết cần thiết khác. Những lúc có các sĩ phu yêu nước đến bàn luận văn thơ và việc nước, thầy cho học sinh đưa bài về nhà làm, riêng Nguyễn Sinh Cung được thầy giữ lại để lấy thuốc lấy trà tiếp khách. Thầy muốn cho Cung hiểu thêm về những việc quan trọng mà các cụ đang hoạt động và cũng có khi các cụ nhờ Nguyễn Sính Cung chuyển các thư từ liên lạc bí mật với các sĩ phu yêu nước trong vùng.
Học với thầy Vương Thúc Quý, Tất Thành cảm thấy rất thoả mái, dễ hiểu vì thầy thức thời, không nệ cổ, không bắt học trò nhói sọ cổ văn theo lối “tầm chương trích cú”. Thầy cử Vương là người đã có tác động sâu sắc tới quá trình phát sinh, phát triển tư tưởng yêu nước trong thời niên thiếu của Chủ tịch Hò Chí Minh.
Khi chia tay thầy để theo cha vào kinh đô Huế lần thứ hai, hai anh em Sinh Khiêm và Tất Thành đã được thầy tặng cho bộ sách “Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” (Mỗi ngày tự kiểm điểm mình ba lần) và chúc Tất Thành “thẳng tấn” đến đích lớn mà cậu mơ ước như vế đối “dong thẳng Tấn lên Đường" của cậu hôm xưa.
Có thể nói, thầy Cử Vương là người đã có tác động sâu sắc đến quá trình phát triển tư tưởng yêu nước trong thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, trong cả hai lần về thăm quê hương (1957, 1961), Chủ tịch Hố Chí Minh đều hỏi thăm gia đình Cử nhân Vương Thúc Quý. Người nói: “Thầy Cử Vương là thầy học của Bác hồi niên thiếu”.