Bỏ qua nội dung chính

BacHo

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > BacHo > Bài đăng > Chữ tâm bằng ba chữ tài
Chữ tâm bằng ba chữ tài

Trong thế giới đang ngày một "phẳng" thì việc giữ sao cho đạo đức cách mạng "gồ ghề" nổi lên là rất đáng quý...



Cách đây không lâu tôi đọc được một truyện ngắn hay về cách chọn người. Đại ý như sau, một nữ giám đốc vì muốn chọn cho được trợ lý tin cậy nên đã tự hành xác bằng cách đóng giả người nghèo, tay vác nách mang ở một sân ga đông đúc và hỏi xin sự giúp đỡ. Nhưng đã ba ngày trôi qua mà chẳng có ai đoái hoài đến...

Cuối cùng, một thanh niên đang trên đường về quê sau khi không tìm được việc trên thành phố đã ra tay giúp bà tất cả tiền và cả vé tàu của chính mình. Đoạn kết đơn giản: giám đốc tiết lộ thân phận, chàng trai được nhận về làm trợ lý dù rằng tài học của chàng chưa phải là giỏi. Nếu đem so sánh câu nói của Hồ chủ tịch "Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" với câu chuyện này thì rõ ràng cái "gốc - đức" của chàng trai đã giúp "cây -sự nghiệp" phát triển, vươn cao, còn những con người hờ hững, thiếu tu dưỡng mặt đạo đức kia đã tự mình cô lập, chặt đứt cơ hội tốt để lật một trang mới của cuộc đời.

Trong những năm hội nhập tích cực và đạt được nhiều thay đổi tích cực, chúng ta chưa kịp vui với những thành tựu thì đã phải rầu (và cả phát bệnh) với những suy thoái nghiêm trọng về mặt đạo đức của một số lãnh đạo, cán bộ chủ chốt. Nguyên nhân chủ quan thì đã rõ rồi: bỏ bê việc tu dưỡng đạo đức cách mạng và những phẩm chất sáng ngời của người lính cụ Hồ.

Nhưng không thể không bàn đến nguyên nhân khách quan: sự lóa mắt trước điều kiện sống thay đổi quá nhanh chóng. Nếu như ở những năm 80, sở hữu một chiếc xe đạp Phượng Hoàng đã là ao ước của bao nhiêu người, thì nay phương tiện đi lại đẳng cấp phải là bốn bánh với các mác thuộc hàng máu mặt như Mercedes, BMW, Lexus, Lamborighin, có "tệ" thì cũng phải là 2 bánh tay ga. 

Bản thân sự đổi mới và phát triển không thể gây ra tiêu cực. Một trong những nguyên do lại chỉ đơn giản là kiểu nghĩ bù đắp cho thời thiếu thốn. Cha mẹ ngày xưa khổ cực thì nay sẵn lòng chiều con cái mọi thứ, cung phụng đầy đủ với mong muốn "cho chúng nở mặt nở mày với bạn bè". Người từng bị coi rẻ vì đạp xe cọc cạch thì nay sẵn gặp thời tất phải cưỡi SH, Dylan cho "thiên hạ biết mặt" . Một số không ít chiến sĩ cách mạng (hoặc con cháu họ) năm xưa đã từng trải nhiều gian lao tất giờ cũng muốn được "hưởng thụ thành quả"...

Tuy vậy, bản chất của bù đắp vốn là hành động cao đẹp, nó cho thấy sự hy sinh và lo lắng của cha mẹ dành cho con cái, nó thôi thúc mỗi cá nhân phải tìm cách vươn lên nếu không muốn tiếp tục bị coi thường, đem lại cảm giác hài lòng và công bằng sau những công sức, mồ hôi, cả máu và nước mắt đã đổ ra. Tôi vẫn nghĩ việc được phép hưởng thụ thành quả sau lao động là điều đúng đắn và cần thếit, công bằng không thể là đổ đồng làm ít làm nhiều gì cũng như nhau. Song, phải có giới hạn và biết đâu là điểm dừng...

Quá nuông chiều con cái sẽ dẫn đến thói ỷ lại và sự nhu nhược; quá "kênh đời" sẽ đâm ra lố bịch; và quá đòi hỏi cho công sức bỏ ra dễ dẫn đến sa ngã, đánh mất tư cách và phẩm chất... Mà giữ "gốc - đức" được sâu, vững thì những lãnh đạo, cán bộ nhà nước và Đảng viên cần thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng của mình, biết đâu là điều cần hy sinh vô vụ lợi vì sự nghiệp chung của toàn Đảng và toàn dân (khác biệt so với người dân bình thường), và đâu là những bù đắp được phép hưởng thụ. Trong một thế giới đang ngày một "phẳng" thì việc giữ sao cho đạo đức cách mạng "gồ ghề" nổi lên là rất đáng quý.

Lại nhớ chuyện vua Lý Thái Tông (tên thật là Lý Phật Mã) sau khi lên ngôi và trải qua sự biến "Loạn tam vương" đã ban lệ mỗi năm mọi quan bất kể cấp bậc đều phải về đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội) để đọc lời thề: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỉ thần làm tội", nếu ai trốn tránh sẽ bị phạt đòn rất nặng. Thì nay có lẽ những ai được xem là Đảng viên hoặc là "công bộc của dân" cũng cần mỗi năm đến sinh nhật của Người giở ra và ngẫm nghĩ lời răn dạy: ""Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Chữ Tâm bằng ba chữ Tài kia mà.

BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (TTO)

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.