Bỏ qua nội dung chính

BacHo

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > BacHo > Bài đăng > Bác Hồ được vinh dự học với thầy Vương Thúc Quý - con trai cụ Vương Thúc Mậu (người lập đội “Chung nghĩa binh” dựng Cần Vương chống giặc Pháp (1885).
Bác Hồ được vinh dự học với thầy Vương Thúc Quý - con trai cụ Vương Thúc Mậu (người lập đội “Chung nghĩa binh” dựng Cần Vương chống giặc Pháp (1885).
Hãy cho biết đôi nét về thầy Quý?

Năm 1901 trở về làng Sen được ít lâu, ông Nguyễn Sinh Sắc cho cậu Nguyễn Sinh Cung tới học thầy Cử nhân Vương Thúc Quý. Nhà thầy cử Quý cách nhà cụ Phó bảng Sắc khoảng 200m về phía Tây. Thầy cử Vương Thúc Quý là con trai Tú tài Vương Thúc Mậu. Vương Thúc Quý (1862-1907) đậu cử nhân khoa Tân Mão (1891), nổi tiếng thông minh, học giỏi và tài hoa; đặc biệt về chữ đẹp và giỏi câu đối.
Ở đất Nam Đàn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ thứ XX có bốn người học giỏi nổi tiếng được nhân dân suy tôn là “tứ hổ” và được ca tụng “Uyên bác bất như San, tài hoa bất như Quý, cường ký bất như Lương, thông minh bất như Sắc” (Nghĩa là không ai hiểu biết rộng như Phan Văn San (Phan Bội Châu), không ai tài hoa như Vương Thúc Quý, không ai nhớ giỏi như Trần Văn Lương, không ai thông minh như Nguyễn Sinh Sắc).
Vương Thúc Quý mang nặng mối thù nhà nợ nước (cụ Vương Thúc Mậu bị thực dân Pháp sát hại trong cuộc khởi nghĩa năm 1885), sau khi đậu cử nhân thầy không đi thi hội, không ra làm quan mà ở nhà vừa dạy học vừa ngầm liên kết với những người có tâm huyết để mưu tính việc đánh Tây. Thầy có chân trong đội “Sĩ tử Cần Vương” do ông Phan Bội Châu và Trần Văn Lương lập ra. Thầy đã cùng với vài chục người khác được sự chỉ huy của ông Phan Bội Châu, định làm một cuộc bạo động đánh chiếm thành Nghệ An vào ngày lễ Chính trung 14-7-1901 (còn gọi là ngày “Hội Tây”, tức là Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp). Nhưng do tên Nguyễn Điềm phản bội, mật báo với thực dân Pháp nên kế hoạch bị bại lộ. May có Đào Tấn, Tổng đốc Nghệ An lúc đó che chở, nên Vương Thúc Quý mới thoát nạn. Sau đó, Vương Thúc Quý và Phan Bội Châu ráo riết hoạt động thành lập hội Duy Tân (1904), rồi tổ chức cho Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật, khởi xướng phong trào Đông Du năm 1905.
Năm 1907, thầy xây dựng tủ sách Tân Thư và thành lập phân hội Đông kinh nghĩa thục ở làng Sen.
Giữa năm 1907, Thầy Quý trên đường ra Hải Phòng để sang Nhật, nhưng vừa tới Nam Định thì bị ốm nặng, phải trở lại quê nhà. Ngày 19-7-1907 thầy qua đời. Trước lúc mất, cụ cử Vương Thúc Quý đã cố gắng ngồi dậy, bảo người bên cạnh đưa giấy bút, thầy viết tám chữ “Phụ thù vi báo, thử sinh đỏ hư” (nghĩa là “Thù cha chưa báo được, đời này thật uổng”) rồi trút hơi thở cuối cùng. Suýt cuộc đời mình, thầy Vương Thúc Quý là người thầy giáo luôn luôn nung nấu mới thù nhà, nợ nước và quyết tâm hoạt động để cứu nước. Thầy xứng đáng là một tấm gương để các thế hệ học trò noi theo. 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.