Nhằm đẩy mạnh việc học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một số sự kiện liên quan đến hoạt động này. Đây là lĩnh vực dành cho tất cả các cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác thư viện công cộng và thư viện trường học trong cả nước, được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Dịp này, tỉnh Đồng Nai đã cử hai cán bộ thư viện cấp tỉnh tham dự.
Tại Trung tâm Hội nghị Giáo dục, 23 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra một số sự kiện sau:
- Sáng ngày 21/10/2020, Hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
Hội nghị đã báo cáo kết quả, khó khăn, hạn chế qua gần 7 năm triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã trình bày tham luận của mình về công tác thực hiện đề án hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ… Đánh giá tổng quan, kết quả đạt được, những hạn chế khó khăn trong củng cố, kiện toàn, phát triển các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh việc học tập và phục vụ học tập trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ… Trước đó, thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg, Bộ VHTTDL đã triển khai xây dựng và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/1/2014.

- Buổi chiều cùng ngày, Hội thảo “Văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người” đã được tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và có những cứ liệu xác thực trong việc xây dựng những giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc gắn với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người.
Tại hội thảo, những tham luận được trình bày tập trung vào những nội dung: Đánh giá thực trạng, xác định vai trò của văn hóa đọc với việc hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người; Trao đổi các kinh nghiệm xây dựng phong trào đọc và biện pháp sử dụng dịch vụ gắn với phát triển văn hóa đọc; Xác định các giải pháp cụ thể để phát huy vai trò của văn hóa đọc nói chung và thư viện nói riêng…

- Sáng 22/10/2020 đã diễn ra Hội nghị “Tổng kết Chương trình phối hợp Công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT ngày 04/02/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện - văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2020”. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện đóng góp với văn hóa đọc suốt giai đoạn từ 2013-2020, những kết quả đạt được cùng khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị, xác định phương hướng, nội dung Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo từ việc triển khai Chương phối hợp Công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong thời gian qua.

- Tiếp đó, Hội nghị “Tổng kết Chương trình phối hợp công tác số 122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT ngày 15/01/2016 (Chương trình 122) giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2016 – 2020” được tổ chức vào buổi chiều cùng ngày.
Chương trình 122 là chương trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2016-2020, chương trình được xây dựng dựa trên sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ GD & ĐT ký kết nhằm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” ngày 15/01/2016. Dựa trên những tham luận của các địa phương, Hội nghị đã tổng kết, đánh giá lại những kết quả đạt được qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình 122, nêu lên những vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị và đưa ra phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả cho thời gian tới.
Tiếp nối các sự kiện, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 đã được diễn ra vào chiều ngày 23/10/2020 tại Hội trường C6, Bộ VHTTDL, 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đây là cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ tháng 2 năm 2020. Cuộc thi là một trong những hoạt động triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Sau 8 tháng phát động, cuộc thi đã có sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh, sinh viên từ gần 5.400 trường tiểu học, THCS, THPT, ĐH, Học viện, trong đó có cả những em khiếm thị, khuyết tật.
Phát biểu tại Lễ tổng kết, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, “Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 đã thành công, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia và có sức lan tỏa rộng rãi, nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng các thầy cô giáo… Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức nhằm nâng cao tinh thần, tình yêu đọc sách và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp đối với các em học sinh, sinh viên; giúp các em thêm yêu quý và trân trọng sách. Cuộc thi cũng phát huy sự sáng tạo, là sân chơi tri thức cho thế hệ trẻ với nhiều dấu ấn, giá trị được gửi gắm qua từng bài thi. Cuộc thi năm nay, chất lượng các bài dự thi được nâng cao, đặc biệt các bài của sinh viên. Nhiều câu chuyện cảm động đã được chia sẻ, nhiều tác phẩm có giá trị khoa học và giá trị nghệ thuật được lan tỏa đến cộng đồng. Các câu chuyện, bài thơ khuyến đọc đã được sáng tác, khẳng định vai trò của sách báo và văn hóa đọc. Các kế hoạch được xây dựng cụ thể, trong đó có kế hoạch có tính nhân văn như dự án làm sách nói và sách chữ nổi cho người khiếm thị...”

Theo đánh giá, số lượng bài dự thi tham gia dưới dạng video clip tăng lên, có hình thức thể hiện công phu. Nhiều bài dự thi thể hiện dưới dạng viết tay, trang trí, minh họa đẹp mắt, khéo léo. Đặc biệt, một số bài dự thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, mới lạ trong cách trình bày…
Căn cứ vào kết quả chấm thi, Ban Tổ chức đã trao danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 cho 02 thí sinh: Đặng Phương Nam, lớp B3-LT35, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Nguyễn Hoàng Yến, học sinh lớp 10A1 Trường Trung học Phổ thông Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức trao giải Nhất cho tám thí sinh có bài dự thi xuất sắc, 16 giải Nhì, 52 giải Ba, 180 giải Khuyến khích và các giải chuyên đề cho những bài thi xuất sắc.
Tại Đồng Nai, Thư viện tỉnh đã chọn lọc và gửi tham dự Vòng Chung kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 21 bài dự thi xuất sắc, kết quả đã có 6 bài dự thi đạt giải (1 giải Nhì và 5 giải Khuyến khích), cụ thể như sau:
1. Đào Huỳnh Bảo Ngọc, học sinh lớp 12 Văn, trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Tp. Biên Hòa: Giải Nhì
2. Trần Gia Hưng, học sinh lớp 5/7 trường TH Nguyễn Chí Thanh, Tp. Biên Hòa
3. Phạm Hương Giang lớp 8, Trường THCS Trần Hưng Đạo, Tp. Biên Hòa
4. Nguyễn Yến Nhi, lớp 10A2, Trường THPT Lê Quý Đôn – Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa
5. Nguyễn Ngọc Minh Châu, lớp 10A, Trường THPT Lê Quý Đôn – Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa
6. Trần Thị Thảo Vy, lớp 11B4, Trường THPT Lê Quý Đôn – Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa
Trước đó, sáng 23/10/2020, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Gala giao lưu các thí sinh đạt giải tại Cuộc thi.

Đinh Nhài