Chương trình phối hợp công tác Số: 122/CTPH-BVHTTDL-BGDĐT “trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện giai đoạn 2016-2020” đã kết thúc và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, Thư viện tỉnh và thư viện các huyện, thành phố, tập trung ưu tiên bổ sung kho sách luân chuyển, đặc biệt là những tài liệu học tập và tham khảo dành cho lứa tuổi học sinh. Đồng thời phối hợp cùng thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động, tuyên truyền giới thiệu sách, luân chuyển tài liệu đến thư viện trường học đạt được một số kết quả sau:
Hàng năm, hệ thống thư viện công cộng tỉnh và cấp huyện, xây dựng quy chế phối hợp, triển khai đẩy mạnh các hoạt động luân chuyển tài liệu đến thư viện các trường học trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng đã luân chuyển đến hơn 200 trường học, với số lượng sách luân chuyển từ 35.000 đến 40.000 bản sách. Bên cạnh công tác luân chuyển, hệ thống thư viện còn phối hợp với các trường, tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về sách, giao lưu tác giả; tổ chức các buổi ngoại khóa cho các lớp đến thư viện tham quan học tập; tổ chức các chuyến xe phục vụ lưu động đến trường, phục vụ các em học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thư viện công cộng cũng còn gặp những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như:
1. Nguồn tài nguyên thông tin hiện tại của các thư viện cấp huyện trong kho luân chuyển, chưa đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ luân chuyển đến các trường trên địa bàn huyện. Mỗi đợt luân chuyển đến các trường có nhu cầu về số lượng nhiều, thư viện huyện phải tiếp nhận thêm nguồn sách từ Thư viện tỉnh, mỗi đợt từ 5.000 đến 10.000 bản sách.
2. Công tác tổ chức phục vụ lưu động đến các trường học còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống thư viện công cộng chưa có xe phục vụ chuyên dụng, mỗi lần phục vụ phải thuê xe, do đó chưa chủ động được thời gian, việc tổ chức phục vụ thư viện lưu động đến các trường còn hạn chế.
3. Nguồn nhân lực tại thư viện cấp huyện còn thiếu, thư viện không đủ nhân lực triển khai công tác luân chuyển tài liệu và phục vụ lưu động đến các trường học. Hiện nay, một số thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thư viện chỉ còn 01 cán bộ phụ trách.
4. Việc tổ chức các buổi ngoại khóa cho các lớp đến thư viện tham quan, học tập, chưa được triển khai tại thư viện thường xuyên. Chỉ xuất phát từ nhu cầu của các trường trên địa bàn.
5. Công tác giáo dục, đào tạo trong nhà trường chưa thật chú trọng đến việc khuyến khích học sinh đọc sách, môi trường giáo dục là môi trường thuận lợi nhất trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tuy nhiên hiện nay trong nhà trường việc đọc sách chưa được xem là yêu cầu bắt buộc cho học sinh.
Xuất phát từ tình hình thực tế trong quá trình triển khai vừa qua, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn mới. Trong thời gian tới, hệ thống thư viện công cộng cần thực hiện một số giải pháp và mô hình thực hiện sau:
Thứ nhất, tích cực tham mưu lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch đề ra
Thư viện tỉnh tích cực tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tiếp tục đầu tư kinh phí, xây dựng hệ thống thư viện công cộng đạt được các mục tiêu, kế hoạch của Tỉnh đã đề ra.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc trong nhà trường
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà trường về văn hóa đọc cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, thể loại đọc... Nhận thức về văn hóa đọc cần phải được quan tâm; cần có sự phối hợp tuyên truyền, khích lệ, quảng bá văn hóa đọc trong nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau như: sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu sách, giao lưu tác giả, triển lãm, thi thuyết trình về sách, viết cảm nhận về sách, tổ chức các ngày hội sách, tuần lễ sách... làm cho các em học sinh hiểu được rằng văn hóa đọc là cần thiết và quan trọng từ đó hình thành thói quen và sự đam mê đọc sách xây dựng các phong trào đọc sách rộng rãi trong nhà trường.
Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền như: Triển lãm sách, báo, tạp chí; tổ chức hội nghị bạn đọc; thi đọc sách, thuyết trình, giới thiệu về sách; phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách tặng sách và bán sách trợ giá, giảm giá cho học sinh…
Thứ ba, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai, tổ chức các chuyến xe phục vụ lưu động sách, báo đến các trường học
Trong những năm qua, hệ thống thư viện công cộng đã tổ chức nhiều chuyến xe mang sách, báo đến các trường học tại vùng sâu, vùng xa phục vụ các em học sinh ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo. Mô hình này đã mang mang lại nhiều hiệu quả, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia hưởng ứng đọc sách, giúp các em có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin tri thức.
Thứ tư, tăng cường mở rộng các điểm luân chuyển tại các trường học trên địa bàn, nhất là các trường học tại vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc với sách, báo
Hiện nay, hệ thống thư viện đã luân chuyển đến hơn 200 trường học các cấp trên địa bàn. Tuy nhiên, với hơn 550 trường học từ tiểu học đến trung học cơ sở, trong thời gian tới, thư viện cần tiếp tục mở rộng các điểm luân chuyển đến các trường học. Nhiều trường học tại các huyện thời gian qua công tác luân chuyển chưa được thực hiện, do cán bộ thư viện huyện còn thiếu.
Thứ năm, tổ chức phong phú các hoạt động đọc
Thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách tại các trường với nhiều chủ đề khác nhau; tổ chức giao lưu với tác giả, nói chuyện chuyên đề về sách, qua đó sẽ tạo nên lòng yêu quý sách, trọng kiến thức và ham học hỏi của các em học sinh. Hệ thống thư viện công cộng cần tổ chức tại thư viện các buổi giao lưu, các chương trình về rèn kỹ năng sống, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh đến thư viện. Lồng ghép các buổi học ngoại khóa vào thời khóa biểu trong chương trình học của nhà trường, có như vậy thì hoạt động tổ chức mới đạt hiệu quả cao.
Thứ sáu, phối hợp liên kết website chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin
Thư viện tỉnh phối hợp liên kết website với các trường học, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin thư viện đến thư viện trường học, qua đó sẽ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin của thư viện, phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập cho giáo viên và học sinh nhà trường.
Hàng năm, giữa thư viện công cộng và thư viện trường học xây dựng kế hoạch hoạt động, thư viện công cộng chủ động liên hệ nhà trường trong việc tập huấn và hướng dẫn sử dụng dịch vụ thư viện đến các trường, nhất là các khối học sinh đầu cấp.
Trong giai đoạn mới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp, hệ thống thư viện công cộng cần thực hiện tốt các giải pháp trên. Phối hợp với các trường học trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức nhiều hoạt động cho các em học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích liên quan đến việc học; xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong thanh niên, thiếu niên, học sinh nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Xuân Lê

