Trong thời đại hiện nay, có thể thấy triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại để tự động hóa thư viện đang là xu thế tất yếu, điều này đặt ra cho thư viện Đồng Nai trong việc ứng dụng các công nghệ mới cũng như đào tạo con người để áp dụng và kiểm soát được công nghệ này phục vụ cho các hoạt động thư viện. Trên cơ sở đó, từ những năm 2006 thư viện đã thực hiện thành công dự án thư viện điện tử và đầu năm 2013, thư viện thực hiện dự án thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây, do đó các dịch vụ thư viện cũng dần được triển khai, trong đó, người dùng ngồi ở nhà hoặc nơi làm việc sẽ lên danh mục các tài liệu mà họ cần thông qua tài khoản thư viện. Ngoài hệ thống máy tính được trang bị sẵn ở các phòng phục vụ để tra tìm sách, đọc giả khi đến thư viện với thiết bị điện thoại được kết nối internet bằng mạng wifi miễn phí, họ sẽ được hướng dẫn tra tìm đến các tài liệu họ cần, cung cấp tình trạng mượn của tài liệu, tư vấn thêm các tài liệu trong lĩnh vực họ quan tâm. Thông qua trang web thư viện, người dùng có thể kiểm tra được tình trạng sẵn sàng của các phòng đọc, phòng mượn, phòng tra cứu, phòng địa chí,… để chủ động đăng ký sử dụng tài liệu.
Với sự phát triển của công nghệ, ngoài tuyên truyền trên website, thư viện tỉnh nhận thấy mạng xã hội zalo, facebook, youtube được sử dụng trong hoạt động thư viện rất có hiệu quả đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền. Đồng thời thư viện tỉnh cũng đã tăng cường sử dụng các ứng dụng này vào công tác phục vụ bạn đọc và đạt được nhiều hiệu quả nhất định trong công tác luân chuyển sách báo và giới thiệu tài liệu phục vụ bạn đọc.
Công tác phục vụ người đọc ngoài chức năng phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện tỉnh còn tổ chức phục vụ luân chuyển đến các địa điểm như: trường học, các công ty, nông trường, trại tạm giam, trại giáo dưỡng, trại cai nghiện, các huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Thông qua tính năng kết bạn trên các trang mạng xã hội, thư viện đã truyên truyền giới thiệu sách mới và các đầu sách về các chuyên đề: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chuyên đề về sự kiện, các ngày kỷ niệm trong tỉnh, các tài liệu dành cho nghiên cứu, các cuộc thi như tìm hiểu văn hóa – lịch sử, ôn thi tốt nghiệp, các thể loại sách giải trí,…đến các đối tượng bạn đọc từ cán bộ viên chức, công chức đến các bạn học sinh – sinh viên và cả các lứa tuổi thiếu nhi, người cao tuổi. Ngoài ra, thư viện còn tổ chức làm clip đặc biệt là những thể loại sách thiếu nhi giới thiệu trên mạng Youtube, trên trang thông tin điện tử của Vụ Thư viện trong mục “Đọc sách cùng bạn” thu hút nhiều lượt người theo dõi và đến thư viện tìm sách để mượn đọc.
Trong quá trình luân chuyển sách phục vụ cơ sở, thư viện đã chủ động tham khảo ý kiến của bạn đọc để lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu để luân chuyển cho phù hợp. Chính vì vậy, sách luân chuyển xuống các tủ sách cơ sở có nhiều nội dung phong phú: Chính trị - xã hội, lịch sử, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, sách thiếu nhi… tương đối đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Thời gian luân chuyển được thực hiện theo định kỳ từng quý hay 6 tháng một lần nhằm đảm bảo cho sách, báo đến được với bạn đọc một cách nhanh chóng và phù hợp với yêu cầu.
Trong công tác chọn lọc và luân chuyển sách, trên các ứng dụng zalo, facebook, sau khi bổ sung về và hoàn thành các bước xử lý kỹ thuật, thư viện gửi danh mục đến cho các điểm luân chuyển sách để họ có thể tham khảo các thể loại sách mà họ cần lựa chọn trên danh mục mà không phải mất công đến thư viện chọn lựa trực tiếp như những năm về trước. Điều này tạo sự thuận lợi cho các điểm luân chuyển vì có thể chọn lựa và khai thác tối đa các thể loại tài liệu phù hợp với nhu cầu phục vụ của đơn vị mình.
Đối với việc mượn trả, thu hồi tài liệu hay thông báo một vấn đề mới về công tác luân chuyển, phòng luân chuyển tạo nhóm luân chuyển trên zalo, theo dõi và thông báo cho từng nhóm đối tượng phù hợp: nhóm các công ty-xí nghiệp; nhóm trường học; nhóm các trường giáo dưỡng và trại giam; nhóm công an và bộ đội; nhóm các đơn vị sự nghiệp như Bảo tàng, Nhà văn hóa thiếu nhi; nhóm các thư viện huyện, …qua đó, việc quản lý vô cùng thuận tiện và dễ dàng hơn. Việc trả sách cũng tạo sự nhanh gọn vì khi sau khi test trả, thư viện có thể gửi danh mục sách thiếu hay mất qua mạng cho từng đơn vị để xác nhận trên văn bản sách mất thay vì phải chờ đợi mất thời gian.
Trong công tác báo cáo, thông qua mạng zalo thư viện gửi mẫu báo cáo, các đơn vị chỉ cần ký tên đóng mộc xác nhận là có thể chuyển qua zalo để thư viện lưu file văn bản và báo cáo kịp thời. Các danh mục tài liệu mượn trả được gửi qua zalo để các điểm luân chuyển tiếp nhận nhanh chóng trong khi đó thư viện chỉ cần lưu file danh mục mà không cần in ấn, bởi vì có những đơn vị mượn số lượng tài liệu lớn từ 2.000 đến 10.000 bản, nếu in danh mục sẽ tốn rất nhiều giấy, mực gây lãng phí trong vấn đề tiết kiệm văn phòng phẩm.

Nhờ có nhiều đổi mới trong công tác phục vụ, năm 2020 thư viện đã tìm thêm và hợp đồng được 5 điểm phục vụ sách luân chuyển mới: công ty Nhật ngữ Konichiwa 2 chi nhánh, Trung đoàn 935, Bảo Tàng tỉnh, Trường tiểu học Bông Sen ở Trảng Bom. Hiện nay thư viện có tất cả 29 điểm luân chuyển với 107 trạm sách, 50 đợt luân chuyển với số lượng sách trung bình mỗi điểm từ 500 - 2.000 bản sách mỗi đợt, riêng Thư viện huyện Vĩnh Cửu luân chuyển 10.000 bản. Năm 2020, thư viện luân chuyển tổng cộng 25.000 bản, trong đó lượng sách tồn của các điểm sách 2019 còn lại tiếp tục được phục vụ là 9.565 bản, trong năm, thư viện tỉnh luân chuyển thêm 15.435 bản.
Có thể nói, trong năm 2020, sử dụng các ứng dụng qua mạng xã hội thật sự cần thiết và vô cùng hiệu quả khi mà dịch covid-19 liên tục tái phát, hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người nhưng công tác phục vụ luân chuyển vẫn đảm bảo không bị ảnh hưởng nhiều, phòng phục vụ đạt cả ba tiêu chí: lượt cấp thẻ bạn đọc, lượt độc giả và lượt sách báo lưu hành. Trong thời gian tới thư viện sẽ cố gắng suy nghĩ tìm tòi những hình thức phục vụ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác luân chuyển để phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn.
Phan Hương