Trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hóa nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội và cộng đồng tự sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ, là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Nó không những có thể hợp nhất được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm, hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước đây. Nói gọn lại, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là sản phẩm của xã hội văn minh, là nguồn tri thức vô giá, cung cấp nhưng kiến thức vô tận. Ngược dòng thời gian của lịch sử, từ khi chữ viết ra đời thì sách cũng dần dần xuất hiện. Tuy nhiên ban dầu, những cuốn sách cổ xưa của loài người được làm từ đất nung, có cả da muông thú, thẻ ngà, thẻ tre… Đến khi loài người phát minh ra giấy thì sách dần mới được viết rồi in trên giấy. Và đó nó đã trải qua hàng ngàn năm phát triển để có được những cuốn sách đẹp đẽ như ngày nay.
Như chúng ta đều biết, Việt Nam là một nước có nền văn hiến lâu đời. Qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, sách, vở đã góp phần to lớn trong việc truyền bá tri thức và tư tưởng từ đời này qua đời khác, làm cho dân tộc ta luôn luôn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của mình. Kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, mỗi người chúng ta đã được làm quen với sách vở ngay từ thuở nhỏ và sử dựng chúng trên con đường sự nghiệp của mình. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Các Mác, F.Enghen, V.I.Lênin, Bác Hồ cũng gắn bó với sách vở và luôn luôn sử dụng sách như một nguồn tri thức.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, văn hóa đọc đang dần bị thay thế bởi các phương tiện thông tin cũng như các thiết bị điện tử thông minh. Phong trào đọc sách đang đứng trước nhiều thử thách. Số người đọc thực thụ ít hơn bởi sự lên ngôi của các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Nhiều người đọc chạy theo những thông tin giật gân, mua vui, giải trí đơn thuần, vô bổ; thậm chí, một bộ phận giới trẻ, nhất là đang ở độ tuổi học sinh rơi vào tình trạng nghiện các trò chơi điện tử mà công nghệ mang lại như game, gây rất nhiều hệ lụy như bị suy giảm sức khỏe thể chất và tâm lý, xao nhãng học hành, công việc, xa rời các quan hệ gia đình, xã hội, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật.

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời đây cũng là là dịp tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, in, phát hành và sưu tầm, lưu giữ sách.
Nhằm mục đích giữ gìn và phát huy giá trị đọc, Ngày Sách Việt Nam mang đến không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích, tạo ra cầu nối chặt chẽ giữa sách và độc giả. Những năm qua, bằng những động cụ thể, thiết thực, Thư viện tỉnh Đồng Nai đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được lan tỏa, song song với việc tổ chức tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thông qua các kênh báo chí và hệ thống thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử, Thư viện tỉnh tích cực chỉ đạo và hướng dẫn các thư viện huyện, thành phố trong toàn tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Mỗi lần tổ chức, Thư viện tỉnh lưa chọn những tác phẩm hay, giá trị cùng với những hình ảnh tư liệu và trang thiết bị kèm theo giới thiệu đến độc giả để ngày hội sách đạt được kết quả tốt nhất. Để thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các em học sinh tham gia, thư viện phối hợp với nhiều đơn vị, cá nhân như Công ty phát hành sách Đồng Nai, Công ty sách và thiết bị trường học Đồng Nai, Nhà sách Thăng Long, Nhà xuất bản Đồng Nai, các trường học trong toàn tỉnh…

Nhằm triển khai thi hành quy định của Luật Thư viện vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và thể thao thành phố Long khánh, cùng với Nhà xuất bản Đồng Nai, các trường học tại Thành phố Long Khánh để tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021. Với chủ đề nói chuyện, tọa đàm về sách, các cuộc thi trực tuyến, thư viện sẽ tổ chức giao lưu tác giả - tác phẩm; giới thiệu sách tặng sách và phục vụ sách miễn phí. Để bạn đọc tiếp cận với nguồn tri thức của nhân loại trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn, ngoài trình diễn kết hợp giới thiệu bộ sách “Danh nhân đất Đồng Nai”, “Bác Hồ và hành trình tìm đường cứu nước”, thư viện tỉnh còn xây dựng clip giới thiệu sách và các hoạt động về văn hóa đọc và chương trình tìm hiểu kiến thức từ sách và đố vui, trả lời câu hỏi có thưởng.
Hy vọng, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay sẽ góp phần khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn xã hội nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Qua đó, lan tỏa những giá trị văn hóa kết tinh qua từng trang sách đến với đông đảo độc giả ở mọi lứa tuổi. Đây thực sự là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị của sách và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội. Đồng thời lôi cuốn người đọc, nhất là thế hệ trẻ thêm yêu sách, ham đọc sách để sách trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của các em, nó sẽ chắp cánh cho các em thêm đôi cánh để bay tới những chân trời mới.
Yên Yên