Anna Quindlen đã nói thế này: “Những cuốn sách là máy bay, tàu hỏa và con đường. Chúng là điểm đến, là hành trình và là nhà”. Giá trị của sách là vô cùng vô tận. Chính vì vậy, để vinh danh sách và phát triển văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, ngày Sách Việt Nam đã được ra đời ngày 21/4 cách đây 8 năm về trước. Hưởng ứng ngày Sách Việt Nam năm nay, thư viện tỉnh Đồng Nai đã có chuỗi hoạt động nhiều ý nghĩa tại hai trường Tiểu học Nguyễn Du, Lê Lợi, và công viên Vườn Dầu thuộc thành phố Long Khánh, trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Tp. Biên Hòa.
Sau khi hoạt động kết thúc, đã được đánh giá là thành công tốt đẹp ngoài mong đợi. Để đạt được kết quả ấy, toàn thể cán bộ, viên chức trong thư viện đã đoàn kết cùng nhau xây dựng ý tưởng, lên kế hoạch và bắt tay vào chuẩn bị từ rất sớm. Bắt đầu từ những ngày cuối tháng ba, được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc. Các phòng chức năng đã triển khai công việc được giao, phù hợp với chuyên môn của phòng mình để có một sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày Sách Việt Nam. Tôi chứng kiến và cảm nhận được sự nhiệt huyết, tận tâm của mỗi phòng dành cho khâu chuẩn bị này. Phòng phục vụ bạn đọc thì tra tìm từng cuốn tài liệu cho từng chuyên đề, phân loại và đóng gói cẩn thận cho quá trình lưu động sách được diễn ra thuận lợi, tìm những cuốn sách ưng ý phù hợp để xếp mô hình sách nghệ thuật. Phòng xử lý nghiệp vụ thông tin tuyên truyền chuẩn bị những hình ảnh quý giá, sinh động về Đảng, Bác Hồ, giới thiệu sách và làm clip, chuẩn bị sách làm quà tặng cho các em học sinh. Phòng Hành chính tổng hợp xây dựng kinh phí, lo công tác hậu cận cho đoàn…
Những công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng có cùng đồng hành mọi người mới thấy hết sự vất vả, tỉ mỉ của nó. Từ khâu bắt đầu lên ý tưởng đã có những phương án, chọn lựa kỹ càng, chọn chủ đề này hay lấy mô hình kia. Những cuốn sách được thủ thư vào kho chọn lựa cẩn thận theo khổ và màu sắc để xếp, xếp xong chưa ưng ý lại gỡ ra xếp lại vì ai cũng muốn có một mô hình sách vừa nghệ thuật vừa mang ý nghĩa lớn đối với bạn đọc. Cuối cùng mô hình Sách và Khát vọng văn hóa đọc đã được ra đời. Hay trong quá trình chọn và scan hình ảnh, hình bị vỡ phải chọn hình ảnh và phương thức khác, các bài giới thiệu sách phải chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với kịch bản và thời gian của ban tổ chức. Vì chưa quen địa bàn, khâu liên hệ, tìm chỗ ăn nghỉ thích hợp cho đoàn cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhằm đảm bảo cho công việc được diễn ra một cách chu toàn, phục vụ tốt nhất cho độc giả. Ngày 5/4 giữa trưa nắng đoàn đã phải tranh thủ đi tiền trạm ở Thành phố Long Khánh tìm hiểu không gian, cơ sở vật chất ở đó như thế nào để có những phương án thay đổi cho phù hợp. Đến ngày 16/4, đoàn bố trí đưa những vật dụng cần thiết xuống cơ sở trước. Sáng sớm ngày 17/4 mới 3h30 sáng toàn đoàn đã thức giấc chuẩn bị tư trang cá nhân, tập trung tại thư viện cùng nhau rong ruổi trên xe gần hai tiếng đồng hồ, xuống tới nơi là bắt tay ngay vào trưng bày và xếp sách cho kịp giờ khai mạc. Đứng trên những đôi giầy cao gót hàng giờ liền để giao lưu, hướng dẫn các em đọc sách, trao quà tặng cho từng em. Đến trưa những đôi chân đã mỏi nhừ, và những đôi mắt muốn nhắm nghiền vì thiếu ngủ, một giấc ngủ vội ngay trên nền đất trải miếng bạt mỏng, ở nhà được nằm đệm êm, nay được trải nghiệm ngủ giã chiến thật thú vị. Tất cả đều thấm mệt nhưng ánh lên trong những đôi mắt ấy là niềm hạnh phúc hân hoan vì đã mang những cuốn sách chứa đựng tình yêu quê hương đất nước, ước mơ hoài bão đến tới những em nhỏ thân yêu. Không khí vui nhộn, độc giả thì đông đúc là một nguồn động lực lớn, xua tan cái nắng nóng, mệt mỏi cho những “chiến sĩ” này. Ngày tiếp theo là chủ nhật, không quây quần nghỉ ngơi bên gia đình mặc dù hôm qua về đến nhà đã trễ, các cô thủ thư lại tập trung tới trường tiểu học Nguyễn Huệ xếp sách nghệ thuật để trường cùng các em học sinh Hưởng ứng ngày Sách Việt Nam. Ngày 19/4 đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình từ 4h sáng xuống phục vụ sách lưu động tại 2 trường Tiểu học Nguyễn Du và Lê Lợi trên địa bàn thành phố Long Khánh. Nhìn các em vui vẻ háo hức với những cuốn sách và mô hình nghệ thuật mà các cô thấy sung sướng trong lòng.
Liên tiếp những ngày dậy sớm, phục vụ lưu động cả ngày làm toàn đoàn mệt nhoài, nhưng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đọc, toàn thể cán bộ nhân viên thư viện tỉnh vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để đưa ngày Sách Việt Nam và Văn hóa đọc phát triển sâu rộng hơn nữa trong toàn thể nhân dân. Nhằm làm cầu nối đưa vào thực tiễn những công trình nghiên cứu tâm huyết của các nhà khoa học, hay giúp các em học sinh có những kỹ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân về cả kiến thức lẫn nhân cách làm người. Qua đây chúng tôi cũng muốn thông báo một tín hiệu đáng mừng, là những búp măng non của đất nước đang nối tiếp truyền thống hiếu học và ham đọc sách tốt đẹp của dân tộc bằng cả lòng say mê. Và chúng tôi sẽ mãi tâm huyết với sứ mệnh truyền bá văn hóa đọc tới toàn thể cộng đồng.
Dung Nguyễn T.T