Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Sáu, 18/02/2022, 09:45

Tặng sách ngày Tết - Nét đẹp văn hóa Việt cần nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng

Trong tâm thức cộng đồng, Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền) là Lễ hội truyền thống quan trọng và ý nghĩa nhất trong cả năm đối với người Việt Nam. Với người Việt, Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ; vừa gần gũi, vừa linh thiêng, mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Không chỉ bởi đó là lúc thời gian đi qua, bỏ lại sau lưng những điều chưa may mắn để khởi đầu cho một năm mới, mà còn là thời điểm lý tưởng được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất, thật ấm áp! Mọi người tạm gác công việc chính dành thời gian cùng sum họp, đoàn viên bên gia đình và người thân để duy trì nét đẹp về phong tục, tập quán riêng của dân tộc. Nhà nhà, người người hướng về nhau, hướng về những người thân yêu và không quên chọn lựa những món quà thật ý nghĩa để dành tặng cho nhau. Tặng quà Tết là một trong những nét đẹp văn hóa đã tồn tại từ rất lâu ở Việt Nam. Tết được xem là thời điểm tặng quà phù hợp nhất đối với tất cả mọi người. Tặng quà không chỉ bày tỏ tình cảm với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà phong tục tặng quà ngày Tết còn có ý nghĩa mang phúc khí, điều may mắn đến cho người nhận. Những thông điệp nhân văn, sức lan toả của hình ảnh, không khí, hương vị Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ có ở trong tâm thức của mỗi người Việt mà còn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè, du khách quốc tế.

Một trong những phong tục đẹp đã được duy trì bao đời nay và không hề bị mai một đó là phong tục tặng Sách làm quà Tết. Phong tục đó tuy có lúc thăng trầm khác nhau, nhưng đã được ông bà, cha mẹ và các thế hệ con cháu người Việt gìn giữ và trân trọng. Trong các quà tặng dịp tết, có lẽ Sách là món quà cao cấp nhất, nó khiến người được tặng cảm giác là người am hiểu, thích tìm tòi tri thức của nhân loại. Sách không quá tốn kém khi mua để cho, biếu, tặng…, lại giữ gìn được lâu nơi tủ sách, kệ sách tư gia, trở thành “Người bạn” của con người một cách bền bỉ.

 

 

Ông cha ta xưa rất đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu, chính vì vậy mới có câu ngạn ngữ: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”. Tiền bạc dù rất quý giá nhưng cũng không thể so sánh được với nguồn tri thức lưu giữ trong sách: “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Nhắc nhở con cháu cần phải có thái độ coi trọng, biết giữ gìn sách, sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là kho của cải vô tận. Cách nói so sánh khẳng định, đề cao giá trị của sách và tri thức. Chỉ có tri thức khoa học, những kinh nghiệm, lẽ sống,...ở trong sách thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, kế thừa, được đúc kết từ đời này qua đời khác. Chính những quan niệm ấy của ông cha đã góp phần xây dựng nên một tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam trọng tài, trọng chữ nghĩa, hiếu học, sự tôn sư trọng đạo. Vì vậy, việc lựa sách làm quà tặng dịp tết trở thành việc làm rất quan trọng.

Không biết từ bao đời nay, người Việt còn có thói quen Xin Chữ vào những ngày đầu tiên của năm mới, mỗi dịp tết đến xuân về nhà nhà đều rộng ràng xin chữ về treo Tết; câu đối đỏ là thành phần không thể thiếu trong mỗi Tết cổ truyền. Thời xưa, để xin chữ người ta phải chuẩn bị một lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc mang đến nhà thầy đồ để xin chữ. Tùy từng tâm tư nguyện vọng của người xin mà thầy đồ sẽ cho chữ thích hợp. Ngoài cầu mong những điều mình mong muốn, người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ. Những chữ được xin thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc, Thọ, Phát… đây là một phong tục mang nhiều ý nghĩa văn hóa, ngoài thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt đồng thời cũng để cầu may mắn, tài lộc, phúc thọ đầy nhà trong năm mới. Nhiều năm trở lại đây, việc xin chữ đầu năm được các bạn trẻ yêu thích, hưởng ứng và thường thực hiện vào ngày mùng 2, mùng 3 Tết. Ngoài Xin Chữ thì mọi người còn thích Xin Tranh, Xin Câu Đối về Tết.

 

 

Cũng như Sách, Báo Tết là thứ không thể thiếu trong phòng khách ngày Tết. Điều đặc biệt là trước đây, báo tết không chỉ bán cho người đọc mà còn bán cho cả những người đi mua về để biếu, tặng. Thậm chí có những người già ngày thường có thể không đọc báo nhưng họ vẫn giữ thói quen mua Báo Tết đặt trong nhà, để khách đến chơi nhà đọc. Ngày nay lớp trẻ có nhiều cơ hội tiệp cận với sách báo, khác với ông bà xưa, thay vì để cha mẹ, ông bà đi mua Báo Tết thì mỗi năm con cháu tặng ông bà, cha mẹ những tờ Báo – Tạp chí Xuân thật đẹp, với những câu chuyện hay nhất trên mỗi trang báo và không quên mua cho mình băng đĩa nhạc, các tờ nhạc có những bài nhạc xuân hay để nghe, thưởng thức, để tặng cho nhau. Vì vậy, “Quà Sách” hoàn toàn có thể được trưng bày đẹp đẽ nơi phòng khách ba ngày tết, như một điểm nhấn bên cạnh báo xuân, hộp mứt, bình trà, chậu hoa mai, hoa đào... cùng xen lẫn với những thức quà truyền thống khác đã trở thành một nét đẹp trong ngày Tết hiện đại.

Đã có khoảng thời gian dài, thói quen tặng sách, tặng tranh, tặng chữ ngày Tết bị sao nhãng, nhường chỗ cho những món quà có vẻ thực tế hay nói cách khác là thực dụng hơn. Giờ đây, khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển, tri thức được chú trọng, sách báo trở nên chân quý hơn, thói quen ấy đang dần trở lại và trở thành nhu cầu của khá đông người. “Sự hồi sinh” của phong tục Tặng Sách ngày Tết, cùng gửi gắm kỳ vọng rằng những nét đẹp văn hóa ấy cần được giữ gìn, phát huy, truyền tải những thông điệp quý giá về văn hóa đọc: “Còn gì thư thái hơn khi được lật giở những trang sách, cùng nhau bình luận những nội dung hay, những câu chuyện ấm áp tình yêu thương, tìm hiểu biết bao điều tri thức trong những ngày Tết quây quần bên gia đình, bạn bè, người thân”.

Nếu như việc tặng Sách, đọc Sách Tết từng là một thú vui thanh tao, trang nhã của người xưa mỗi dịp tết đến xuân về, thì ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe nhìn lấn át, việc Tặng Sách, Đọc Sách trong ngày Tết được xem là một cách khuyến học, tiếp nối truyền thống trọng chữ của ông cha, động viên lối sống tích cực, lạc quan, yêu đời, nhất là với giới trẻ hôm nay. Nét đẹp ấy không dừng lại ở việc dành tặng cho những người thân trong gia đình, mà văn hóa tặng sách nay còn được mở rộng trong các mối quan hệ khác như bạn bè, đồng nghiệp, thể hiện sự trân trọng và tình thân quý, phù hợp bản tính hiếu học của người Việt. Những món quà sách có thể không mang giá trị vật chất lớn lao, nhưng đó là một cách giao tiếp phi ngôn ngữ giúp mỗi người có thể dễ dàng hơn khi bày tỏ tấm lòng với người được tặng. Tết cũng là quãng thời gian mà mỗi cá nhân được bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống lịch sử - văn hóa, những bài học đạo lý, cách đối nhân xử thế thông qua những trải nghiệm, thực hành văn hóa cùng ông bà, cha mẹ, người thân, thông qua những kiến thức trong quà Sách được tặng. Việc tặng sách quý, sách hay sẽ khiến tâm hồn bớt đi những khô cằn, lạc lõng, sự hiểu biết càng tăng lên, con người cư xử nhân văn hơn. Vì vậy văn hóa tặng sách ngày nay càng rộng mở và được mọi người đón nhận.

Còn gì hay hơn khi những người yêu thích, quan tâm đến sách, báo có thể làm ngay bây giờ, đó là trở thành Đại sứ của một phong trào mới: Phong trào“Tặng sách hay, thay đổi cuộc đời”. Và hơn ai hết, trước tiên là những người làm công tác thư viện, chúng ta hãy khuyến khích nhau, khuyến khích bạn bè người thân xung quanh chúng ta trao cho nhau những cuốn sách hay, thật ý nghĩa. Và chúng ta hãy là những người truyền tải những tâm tình qua văn hóa, qua những cuốn sách mà mình đang giữ gìn.

 

TV.

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 55382 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày