Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Ba, 13/12/2022, 19:50

Chuyển đổi số: cơ hội và thách thức đối với hệ thống thư viện công cộng tỉnh Đồng Nai

Ngày nay, trước xu thế hội nhập và phát triển, các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội đang từng bước chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Đối với thư viện, chuyển đổi số là cơ hội lớn để ngành phát triển theo hướng hiện đại và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Song có không ít những những khó khăn, thách thức luôn đặt ra, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thư viện, rút ngắn thời gian, sớm đạt được những mục tiêu đề ra.

* Cơ hội, sự cần thiết

 

 

Chuyển đổi số thư viện là quá trình áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), các nền tảng số đối với các thư viện truyền thống hoặc những thư viện được thành lập mới trong thời điểm hiện tại và tương lai. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà thư viện mang lại cho xã hội, làm tăng hiệu quả phục vụ bạn đọc, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị to lớn cho người sử dụng thư viện: cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho nhân viên; mang lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng trong việc tìm kiếm, khai thác tài nguyên thông tin từ xa và tiết kiệm thời gian cho bạn đọc... Chính vì vậy, công tác chuyển đổi số ngành thư viện ngày càng trở nên cần thiết.

Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quyết định này đã trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng thư viện ở hiện tại và tương lai. Đây được coi là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dùng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập sẽ có trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp thành phần dữ liệu mở; 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa...

Việc Thủ tướng phê duyệt chương trình chuyển đổi số đã tạo ra một “cú hích” lớn cho ngành thư viện nói chung, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Đồng Nai nói riêng sau một thời gian vận hành theo phương pháp thủ công, truyền thống. Chương trình chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để thư viện tiến gần hơn đến bạn đọc. Việc chuyển đổi này sẽ xây dựng, kết nối liên thông các thư viện nhằm chia sẻ dữ liệu mọi lúc mọi nơi...

Đối với ngành thư viện Đồng Nai, việc chuyển đổi số giai đoạn đầu được khởi động từ năm 2005. Ngành Thư viện bắt đầu triển khai thực hiện dự án Thư viện điện tử từ tỉnh xuống huyện. Sau hai năm thực hiện, hệ thống Thư viện điện tử tỉnh Đồng Nai có 13 thư viện (gồm 01 thư viện tỉnh; 11 thư viện thành phố, thị xã, huyện và 01 thư viện công ty Cao su) được đầu tư 01 máy chủ và 2 máy trạm, máy in tốc độ cao, modem kết nối mạng nội bộ và internet để các đơn vị thực hiện tra cứu tài liệu qua chuẩn Z3950,...

Năm 2012, Dự án Thư viện điện tử trên nền điện toán đám mây được phê duyệt và đưa vào hoạt động. Hệ thống này sử dụng hệ điều hành VMware tạo ra 14 server ảo quản trị các cơ sở dữ liệu của 01 thư viện trung tâm, 11 thư viện cơ sở và 01 thư viện Công ty Cao su được quản lý chung tại trụ sở Thư viện tỉnh, máy tính tại các Thư viện thành viên chỉ là thiết bị đầu cuối. Toàn bộ cơ sở dữ liệu của các thư viện trong hệ thống đã được phục vụ online trên mạng internet.

Hiện tại, để có được “Dữ liệu lớn” phục vụ người dùng, thư viện đã xây dựng nguồn lực thông tin dạng số. Cùng với việc xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục, công tác phát triển nguồn thông tin số h toàn văn cũng được các thư viện trong hệ thống coi trọng qua việc xây dựng các bộ sưu tập số, ưu tiên bộ sưu tập địa chí; tham gia các liên hiệp thư viện dùng chung CSDL;...

 

 

* Khó khăn, thách thức

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi trong việc chuyển đổi số, thì ngành thư viện Đồng Nai đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức cần giải quyết để chuyển đổi số trong thư viện được vận hành đúng hướng. Cụ thể:

Hệ thống văn bản pháp quy về thư viện khá đầy đủ, song văn bản về ứng dụng CNTT trong thư viện, nhất là nội dung có liên quan đến xây dựng thư viện điện tử - thư viện số ở Việt Nam thì hầu như còn rất thiếu (nhiều văn bản chưa cụ thể, còn chung chung, chưa rõ ràng), nên rất khó vận dụng vào thực tiễn. Nhìn chung, được sự chỉ đạo, quán triệt từ Trung ương song ở mỗi địa phương được đầu tư khác nhau, không chủ động được kinh phí, nên lộ trình ứng dụng CNTT bị gián đoạn; Cấp cơ quan tài chính địa phương còn dè dặt trong việc ủng hộ về tài chính cho thư viện (nhất là việc “hồi cố” sách báo, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản trị thư viện,...).

Các phần mềm ứng dụng CNTT trong thư viện khác nhau, do vậy việc ứng dụng trong thư viện về CNTT cũng khác nhau nên khó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thư viện về phương pháp, kỹ năng ứng dụng CNTT hiệu quả, thiết thực.

Lợi ích chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện đã được chứng minh, song bài toán đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả không dễ giải đáp. Bởi lẽ bản chất chuyển đổi số của ngành thư viện không chỉ là số hóa vốn tài liệu rồi cung cấp cho bạn đọc mà còn liên quan đến quá trình thay đổi toàn diện và tổng thể hàng loạt vấn đề như: Quản trị, phương pháp làm việc, tương tác với người sử dụng...

* Đề xuất các giải pháp

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đan xen trong việc tiến hành chuyển đổi số, thời gian tới, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Đồng Nai cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền: Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và nguời làm công tác thư viện về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành bảo tàng, di sản, du lịch... xây dựng hệ sinh thái số, khai thác tài nguyên và sản phẩm thông tin, tiện ích và dịch vụ phong phú, sinh động.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật: Nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn có liên quan về thư viện để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng chính sách với người làm công tác thư viện, đồng thời có cơ chế khuyến khích chuyển đổi số trong thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng…

Ba là, phát triển dữ liệu số thư viện: Tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở, trong đó: Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện CNTT, nhất là công nghệ số, nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật nhm nâng cao năng lực hoạt đng của các thư viện công cộng và hoàn thành mạng lưới thư viện điện tử; Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ CSDL, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa Thư viện tỉnh với các thư viện cả trong nước và nước ngoài

Bốn là, đảm bảo an toàn, an ninh mạng: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, bảo đảm cơ chế sao lưu, phục hồi máy chủ, máy trạm, các thiết bị đầu cuối liên quan.

Năm là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Rà soát đội ngũ cán bộ đơn vị, có cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác thư viện.

Như vậy, sự cần thiết chuyển đổi số để đẩy mạnh hiện đại hóa thư viện và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với ngành thư viện Việt Nam nói chung, ngành thư viện tỉnh Đồng Nai nói riêng trong hiện tại và tương lai. Trong thời gian tới, thư viện tỉnh nhà cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và toàn diện hơn, để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, bắt kịp với thời cuộc và xã hội./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 5209 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày