Bỏ qua nội dung chính

vanhoaVN

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > vanhoaVN > Bài đăng > Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn

 

Hà Giang - mảnh đất cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ đẹp và hùng vĩ với đỉnh Lũng Cú, với cao nguyên đá Đồng Văn, với dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải lụa quanh dãy Mã Pí Lèn mà còn là nơi rất nổi tiếng với nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc anh em như. Lễ hội chợ tình Khau Vai, lễ hội Lồng Tồng, Sân Sán, Mừng nhà mới... Nhưng chắc chắn rằng lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thèn là độc đáo và huyền bí nhất.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức vào cuối năm trước từ 15 tháng 10 âm lịch cho đến 15 tháng giêng năm sau, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Hàng năm, sau khi gặt hái xong là khoảng thời gian diễn ra lễ hội này. Mục đích là trừ tà ma, cầu xin thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn và con cháu được khỏe mạnh. Trong lễ hội nhảy lửa, thầy cúng đóng vai trò rất quan trọng, họ được xem như là người kết nối giữa con người và các vị thần linh. Vì mang những yếu tố tâm linh với những điều không lý giải nổi nên ngoài thời gian đó ra, không thầy cúng nào lại dám đứng ra tổ chức một đêm nhảy lửa như vậy, cho dù những năm gần đây cũng có nhiều đoàn đến thăm thôn My Bắc và mong muốn được chứng kiến một đêm nhảy lửa huyền bí…
 
Ngay từ chiều, dân bản đã mỗi người một việc, tiếng cười nói rộn ràng... Tốp thì đi chuẩn bị củi, phải dùng rất nhiều củi, đêm hội muốn kéo dài có khi cần đến cả dăm bảy tạ củi. Tốp đi chuẩn bị gà, hương, rượu, vàng mã... giúp thầy cúng. Đám trẻ con thì tụ tập từ chiều với ánh mắt đầy háo hức, chờ mong màn đêm mau buông xuống...
 
Sân nhà văn hóa thôn My Bắc vốn rộng thênh thang mà đã chật kín người mặc dù trời lạnh và mưa phùn. Có lẽ vì người nhiều vùng đã đổ về đây để mong một lần được nhìn tận mắt người Pà Thẻn nhảy chân trần vào lửa như thế nào…
Lúc này, trên bãi đất rộng, hàng tạ củi đã được xếp hình tháp ở giữa. Dân chúng đứng vòng trong, vòng ngoài xung quanh, tất cả đều tập trung vào nơi trung tâm của lễ hội, đó là vị trí mà ông thầy cúng sẽ làm lễ cúng thần linh. Ông thầy cúng trong bộ trang phục màu đen tiến đến gần bàn thờ, trên đó, ''ma'' đã được ''làm nhà mới'': một bát nước lã, một thẻ hương, một con gà, rượu, vàng mã... Ông bắt đầu rót rượu ra ba chiếc chén con và đốt hương... Mùi hương trầm thơm ngọt tỏa lên rồi quyện vào cái không khí linh thiêng trầm mặc trong đêm đông giá lạnh...
Lúc này, các thanh niên cũng đã bắt đầu đốt lửa. Đống lửa giữa vòng tròn người bật ra những tiếng nổ lách tách rồi bùng lên tỏa ánh sáng cả bãi rộng, mọi người bắt đầu giãn ra và chờ đợi... Ông thầy cúng ngồi ở một đầu chiếc ghế dài và thấp, tay giơ cao, hai bàn tay nắm hai đầu thanh gỗ dài chừng 80cm, chính giữa mỗi thanh gỗ là một cây đinh nhọn và có một sợi dây kim loại nối hai đầu thanh gỗ. Thầy cúng phóng tay. Cây đinh cắm phập vào chiếc ghế dài, chia nó thành hai: một nửa dành cho thầy cúng, nửa kia dành cho những người sẽ ngồi vào đó để thử xem thần linh có nhập vào mình không, nếu nhập sẽ nhảy được vào lửa.
Ông thầy cúng bắt đầu khấn cúng rì rầm, lúc đều đều, lúc to lúc nhỏ tiếng rì rầm của ông thầy cúng kết hợp đồng thời với tiếng ''tanh, tanh, tanh'' từ que tre nhỏ ông gõ liên tục lên sợi dây kim loại tạo nên không khí hết sức huyền bí... Thầy cúng đang đi tìm thần lửa và thần nước để xin phép tổ chức lễ hội. Nếu hai thần đồng ý hợp tác với nhau thì có thể nhảy vào lửa. Nếu thần không đồng ý, phải đi mời lại từ lúc đầu. Lúc này, đống lửa đã bắt đầu rực than hồng Những thanh  niên trong bản bắt đầu tụ lại xung quanh thầy cúng, mặt họ đầy vẻ phấn khích… Giọng thầy cúng gấp gáp, hối hả, tiếng “tanh tanh tanh” nhanh dần, như hối thúc… Bỗng, một thanh niên nhảy vào ngồi về một đầu ghế, đối diện với thầy cúng. Đám đông ồ lên. Anh nhanh tay cầm một thanh tre và cũng gõ liên tục vào dây kim loại cùng nhịp với ông thầy cúng. Gõ liên tục khoảng 10 phút, vẫn không thấy có biểu hiệnnhập nào. Có tiếng nhao nhao: ''thần không nhập rồi'', ''chắc lại uống rượu rồi”… Rồi một người nữa lại vào ngồi và bắt đầu gõ, nhịp gõ nhanh dần, nhanh dần, chừng 5 phút sau, tất cả đều hết sức kinh ngạc khi thấy người anh ta cứ nẩy tưng tưng  lên một cách vô thức, càng lúc càng nẩy cao lên như một chiếc lò xo, nén rồi bung, bung rồi nén liên tục. Bỗng nhiên, anh ta bật vào đống than lớn đang vào độ rực nhất Đám đông hét lên kinh ngạc. Người thanh niên vừa nhảy chồm chồm bằng cả hai chân và hai tay, vừa nhảy vừa bới tung than hồng lên. Tàn than đỏ rực bay lên cao như pháo hoa, thật đẹp mắt và huyền hoặc...
Người xem không thể tin nổi vào mắt mình: hai bàn tay và hai bàn chân người thanh niên nọ không hề hấn gì, không có bất kỳ một biểu hiện nào của phồng rộp do nhiệt độ cao của than củi, quần áo cũng không bị cháy sém gì, chỉ lấm lem thôi. Anh ta còn nói, lúc đó người cứ nhẹ bẫng, không thấy nóng gì cả, xong mới thấy mệt thôi.
Đám thanh niên hết người này đến người khác thay nhau ngồi vao một đầu ghế nhưng số người ''nhập” được hay được thần linh cho phép không phải là nhiều lắm. Có những người cũng bật nẩy nhưng chỉ bật thế lại thôi chứ không thể bật tưng tưng vào đống lửa. Nhưng cũng có người nhảy được mấy lần liền…
Đồng bào Pà Thèn ở đây nói rằng những người được thần linh nhập vào rất may mắn.
Trích tạp chí Giáo dục và thời đại số Xuân Canh Dần 2010

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.