Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Giá trị tinh thần trong lễ hội Sa Yang Va của người Chơro

Bài đăng

Giá trị tinh thần trong lễ hội Sa Yang Va của người Chơro

Sa Yang Va còn gọi là lễ cúng thần Lúa hay lễ mừng lúa mới, đây là lễ hội truyền thống của người Chơro ở Đồng Nai. Trước đây, lễ cúng Sa Yang Va được người Chowrro cúng theo định kỳ hàng năm. Thời gian cũng không ấn định cụ thể, nhưng thường trong khoảng từ tháng hai đến tháng ba âm lịch, vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng, kéo dài nhiều ngày đêm, mang những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Chơro.

 

Ba địa điểm chính, quan trọng theo diễn trình cúng lễ của Sa Yang Va là: Rẫy lúa, Nhà sàn và Kho lúa. Chuẩn bị cho lễ cúng cúng Sa Yang Va người ta chuẩn bị rất nhiều việc.

Chọn chùm lúa rẫy: là một vạt lúa tốt có những bông lúa trĩu hạt ở rẫy lúa. Khi thu hoạch, người ta để dành lại. Người Chơro quan niệm hồn lúa rẫy trú ngụ nơi đây, vì vậy khi tổ chưc lễ Sa Yang Va thì họ đến rước về. Nghi thức rước hồn lúa là nghi lễ đầu tiên rất quan trọng trong lễ cúng Sa Yang Va.

Dựng kho lúa: Kho lúa là nơi chứa lúa của người Chơro thường ở gần nhà dài. Đây là nơi rất quan trọng có thần Lúa bảo quản nguồn lương thực chính của họ. Chuẩn bị cho lễ Sa Yang Va, đồng bào dọn dẹp kho lúa và sắp sẵn mâm lễ vật để cúng ở nơi này.

Dựng bàn thờ Nhang: Là nơi đặt lễ vật cúng Yang trong nhà ngươi Chơro. Bàn thờ Nhang được làm từ cây vàng nghệ và tre. Chiều cao của bàn thờ khoảng 1,5 m, chiều rộng khoảng 1m được gắn trực tiếp vào vách nhà chính, hướng đông. Bàn nhang có hai tầng đan bằng phên tre để đặt lễ vật cúng lễ. Đây là nơi diễn ra những nghi thức chính và quan trọng nhất trong lễ cúng Sa Yang Va.

Làm cây nêu: Chuẩn bị tổ chức cúng Sa Yang Va, người Chơro thường làm một cây nêu đặt ở giữa sân (trước nhà sàn có bàn thờ Nhang). Đây cũng là điểm diễn ra lễ cúng, đồng thời là không gian tổ chức đốt lửa và sinh hoạt cộng đồng trong thời gian lễ hội. Cây nêu được dựng lên như một nghi thức có tính chất trình báo về lễ cúng với thần linh là biểu hiện của sự giao cảm, giao hòa giữa con người với thần linh và tổ tiên.

Ủ rượu cần (xe tơm): Trong các dịp cúng lễ, đám cưới, làm nhà, đặc biệt trong lễ cúng Sa Yang Va, người Chơro thường làm rượu cần trước lễ nhiều ngày (khoảng một tháng trước đó). Nguyên liệu chính chế biến rượu cần từ các loại gạo tẻ, nếp hoặc bắp rẫy của chính gia chủ.

Giã bánh dày (piêng puh): là lễ vật bắt buộc trong lễ cúng thần Lúa của người Chơro ở Đồng Nai (cùng với các món khác như: cơm lam, khoai mì nướng, củ nần, củ chụp, thịt heo, thịt gà...). Đây là loại thực phẩm được chế biến từ lúa gạo do bà con làm ra. Nay bà con dâng lên thần Lúa tạ ơn đã ban cho họ mùa màng thuận lợi, mừng mùa lúa mới.

Nấu cơm lam (piêng đinh): Cơm lam được người Chơ ro nấu trong từng đoạn lóng tre. Cơm lam dẻo mềm có  hương vị thơm, béo và ngọt.

Nướng đọt mây: Người Chơro có tập quán dùng đọt mây để chế biến thực phẩm trong bữa ăn gia đình. Những đọt mây trắng, ngọt, lành tính, có thể ăn sống hoặc nấu canh, là loại thực phẩm truyền thống của người Chơro ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Trong những dịp lễ hội, người Chơro thường có đọt mây nướng ăn rất ngọt.

Nướng củ chụp, củ nần, khoai mì: Củ chụp và củ nần là loại cây có thân dây leo, có củ nằm sâu dưới đất chứa nhiều chất bột, được đồng bào thiểu số thường chế biến ăn thay cho gạo. Vào dịp lễ cúng Nhang Lúa, người Chơro vào rừng đào củ chụp, củ nần và khoa mì về nướng cúng lễ và đãi khách.

Nướng lá bép (lá nhíp): Đây là loại rau rừng ở miền Đông Nam bộ. Lá bép to, mỏng, dầu nhọn dài, giống dạng lá xoài non, có màu xanh và tím. Chuẩn bị món ăn, phụ nữ Chơro vào rừng hái lá bép về trước một ngày. Người ta lau sạch lá chuối, nhúng lá bép vào nước, rồi rảy nhẹ cho ráo nước. Sau đó xếp lá bép vào lá chuối gói lại cho kín bốn góc theo hình vuông rồi kẹp vào nẹp tre đặt lên bếp lửa nướng.

Địa điểm cúng lễ Sa Yang Va:

Rẫy lúa: Liên quan đến nghi thức rước hồn lúa. Tại đây, khi thu hoạch mùa, để lại vạt lúa có chùm bông nhiều hạt, chín vàng. Những bông lúa dược bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai tre, cây cối bảo vệ cẩn thận cho đến lễ cúng Sa Yang Va thì tổ chức rước hồn lúa về.

Nhà sàn: Trên gian nhà chính của nhà sàn để bàn thờ Nhang và là nơi diễn ra những nghi thức cúng trình Yang Nhi (Yang Nhà). Trước bàn thờ khoảng 1m đặt ché rượu cần. Phía vách nhà đối diện bàn thờ Nhang là bộ chiêng được người Chơro dùng dây mây cột treo lên một cây ngang. Những cái chiêng được treo vừa tầm đối với người ngồi đánh. Cây nêu được dựng giữa sân. Gốc cây nêu là nơi cột những con vật sẽ làm thịt để hiến tế trong lễ hội (thường là heo). Cách cây nêu khoảng 2m có dựng giàn để treo chiêng. Sân xung quanh cây nêu buộc những băng ghế bằng cây rừng làm chỗ ngồi cho người dự lễ.

Kho lúa: Là nơi để cất giữ lúa mà người Chơro thu hoạch mùa màng vừa qua. Trước đây với sàn kho bằng gỗ thì người Chơro trải lúa trên cả phía trong kho. Nay, với nhu cầu bảo quản lâu dài nên người Chơro sử dụng các đồ dựng bằng nhiều chất liệu để chứa lúa và cất giữ trong nhà kho. Dù nhà kho còn chứa lúa hay không thì khi tổ chức lễ cúng Sa Yang Va thì trong kho phải có một số lúa tượng trưng. Nhà kho được dọn cho tươm tất, sạch sẽ.

Lễ hội Sa Yang Va được thực hiện theo các trình tự sau:

Rước hồn lúa: Đây là nghi thức đầu tiên trong ngày lễ hội chính thức. Từ sáng sớm, gia đình người Chơro cử một đoàn người do người phụ nữ (người mẹ hoặc con gái lớn) dẫn đầu đi rước hồn lúa. Sau những nghi thức cúng, rót rượu được thực hiện sau đó, người phụ nữ cắt lúa đem về. Sau khi cắt lúa xong, người phụ nữ tiếp tục đến khu vườn trồng cây trái, chọn chặt lấy hai cây chuối con đem về cúng lễ với ý nghĩa cho con cháu trong gia đình mau lớn, mạnh khỏe như cây chuối con này. Tiếp theo chặt cây chuối là chặt lấy chùm hoa cau rừng đem về để làm lễ vật dâng cúng thần Lúa. Đây là những loại cây trái, lương thực và hoa quả có chất dinh dưỡng, hương thơm tượng trưng cho sự lớn mạnh, khỏe khoắn và vững chãi trong cuộc sống.

Cúng tổ nhang nhà: Sau nghi thức rước hồn lúa gia đình tổ chức cúng thần Lúa. Chùm lúa rẫy, hai cây chuôi, chùm hoa cau đem về đều được giăt lên trên trần nhà trước bàn thờ gọi là tổ nhang nhà. Đầu tiên chủ nhà cúng tổ nhang nhà. Già làng bắt đầu thực hiện những nghi thức như trang trí bàn thờ, sắp đặt lễ vật trên bàn thờ, nôi những cầu thang bằng sợi chỉ từ ché rượu lên tổ nhang nhà với ý nghĩa làm cầu thang để thần từ trên trời có thể xuống ngự chung với gia đình trong ngày lễ trọng đại này.

Hiến sinh gà trống: Thịt gà và lòng gà là một trong những lễ vật thường thấy trong lễ cúng Nhang Lúa của người Chơro. Thịt gà được làm từ loại gà trống của gia đình nuôi hoặc đi mua về. Không có quy định cụ thể nhưng gà dùng cúng thường mạnh khỏe, có dáng vóc đẹp và nhanh nhẹn, thịt nhiều.

Hiến sinh heo cúng:Vào ngày cúng Nhang, heo là vật hiến sinh. Chuẩn bị cho lễ hiến sinh. Con heo bị cột dưới chân cây nêu. Sau khi gia chủ làm lễ rước hồn lúa về, lên bàn thờ Nhang đọc lời mở đầu cúng thần Lúa, bắt gà cắt cổ, đọc lời cúng Nhang Lúa, rồi làm lễ giết heo. Thịt heo là một trong những lễ vật chính cúng lễ của người Chơro. Loại heo người Chơro dùng làm lễ vật cúng trong lễ Sa Yang Va là loại heo cỏ.

Cúng Nhang Lúa: Sau khi có đủ lễ vật, trên bàn thờ nhang như: bánh dày, cơm lam, bông lúa rẫy làm bằng tre, khoai mì, củ chụp, huyết, ngũ tạng heo và gà..., chủ nhà bắt đầu cúng thần Lúa. Đây được coi là nghi lễ chính của lễ hội Sa Yang Va của người Chơro. Hòa với những lời cúng của chủ nhà ở trên nhà sàn, ở dưới sàn nhà, từng hồi cồng chiêng dánh lên dồn dập, âm thanh vang xa nghe rất rộn rã.

Cúng Nhang kho lúa:

Tiếp theo cúng bàn thờ Nhang là nghi thức cúng kho lúa. Từ bàn thờ Nhang trên nhà sàn, chủ nhà xuống sân, ra góc vườn cúng kho lúa. Đây là nơi cất giữ thóc lúa của gia đình. Nơi nào có lúa, thì thần Lúa ngự trị. Mâm lễ cúng kho lúa là sàng tre đựng dĩa huyết heo, gà, lòng mề gà, bánh bày, khoai, củ chụp, rượu cần, đèn cầy sáp...

Sau phần lễ là phần hội, những người tham gia trong và ngoài cộng đồng có thể tham gia ca hát, nhảy múa, lúc này những nghệ nhân Chơro lớn tuổi có thể biểu diễn những loại nhạc cụ truyền thống như: thổi kèn lúa, kèn môi, đánh cồng chiêng hay hát dân ca của dân tộc mình. Mọi người có thể thưởng thức cơm lam, thịt rừng nướng, uống rượu cần một cách thoải mái say sưa hòa mình cùng với những lời ca điệu múa trong tiếng cồng chiêng dập dồn, rộn rã.

Có thể nói, lễ cúng thần Lúa là một trong những lễ hội lớn của các dân tộc bản địa Đồng Nai. Lễ Sa Yang Va của người Chơro thể hiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Chơro, tạ ơn thần Lúa đã ban cho họ được mùa vụ thuận lợi, qua đó thể hiện tâm lý, nguyện vọng của một cộng đồng dân cư sinh sống bằng nông nghiệp, lệ thuộc vào tự nhiên, cầu mong thần linh phù hộ cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Lễ hội Sa Yang Va đã phản ánh giá trị tinh thần của người Chơ ro, làm phong phú hơn bản sắc văn hóa dân tộc trong kho tàng lễ hội các dân tộc ở Đồng Nai.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.