Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Vài nét về tục thờ Nữ thần ở Đồng Nai

Bài đăng

Vài nét về tục thờ Nữ thần ở Đồng Nai

Vùng đất Đồng Nai trước thế kỷ 17 là địa bàn của các tộc người bản địa ở Đồng Nai như: Chơ ro, Mạ, Stiêng, Kơ ho, Chăm. Từ thế kỷ 17 trở đi, vùng Đồng Nai còn tiếp nhận thêm người Việt, người Hoa đến khai phá định cư, lập nên phố chợ sầm uất, xây dựng thương cảng Cù Lao Phố nổi tiếng phía Nam thời bấy giờ. Sau đó các tộc người khác lần lượt kéo đến, cùng sinh sống hòa bình và có chung tín ngưỡng đặc biệt tín ngưỡng thờ Mẫu có ở hầu hết các dân tộc ở Đồng Nai. Cư dân Đồng Nai tôn sùng các nữ thần vì họ tin rằng các vị thần linh này rất linh thiêng, có thể che chở, phù hộ, cai quản mọi mặt trong đời sống của con người.

Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Đồng Nai:

Cuộc sống của các cư dân Đồng Nai gắn với thiên nhiên, đời sống tâm linh gắn với hoạt động sản xuất: các nghề thủ công truyền thống, thương nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp đặc trưng là trồng lúa nước vì vậy các dân tộc bản địa thờ thần Lúa (Mẹ Lúa) là nữ thần cai quản về ngũ cốc, lương thực cho đồng bào. Mẹ Lúa của các cư dân bản địa ở Đồng Nai ban phát của cải, phù hộ cho việc ruộng nương dồi dào, mùa màng bội thu đặc biệt cây lúa là nguồn thực phẩm chính trong đời sống hằng ngày.

Các nữ thần tượng trưng cho một vùng đất: Chúa Xứ, Chúa Tiên, Linh Sơn Thánh Mẫu, Địa Mẫu,…cũng được người dân tôn sùng vì đã phù hộ cho đồng ruộng tươi tốt, ban phát của cải và con cái cho gia đình hoặc quán xuyến toàn bộ công việc đồng án ở vùng đất hay xứ sở đó.

Kim Hoa nương nương, Bà Mụ Thai Sanh, Chủ Sanh nương nương,…là những nữ thần mà người Việt và người Hoa đều thờ cúng nhằm phù hộ họ may mắn từ lúc mang thai cho đến khi sanh ra và đến tuổi trưởng thành. Bà Mụ còn phù hộ cho trẻ con mau ăn chóng lớn, không bệnh tật, gặp nhiều điều tốt lành.

Đại Càn Tứ vị Thánh nương, Thiên Hậu Thánh mẫu, Thiên Y A Na,…là những vị thần phù hộ cho người đi biển, các đoàn tàu đánh bắt được nhiều cá, những người đi buôn gặp nhiều may mắn trong buôn bán, đi đường bình an. Các vị thần này được người Việt và người Hoa thờ cúng từ Bắc xuống Nam, từ Quảng Ninh trải dài tới Mũi Cà Mau.

Các nữ thần hộ quốc tý dân như: Quan Thế Âm Bồ tát, Cửu Thiên Huyền nữ, Tiên Cơ nương nương,…là những nữ thần ban sự bình an, may mắn cho cộng đồng, quốc gia bình yên, phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, thịnh vượng.

Ngũ Hành nương nương, Tam phủ, Tứ phủ,…là những nữ thần bảo trợ cho không gian, vũ trụ. Đời sống tín ngưỡng dân gian đều tin rằng không gian vũ trụ, trời, đất, rừng, nước, vạn vật… đều có thần linh ngự trị và rất linh thiêng.

Sơn Lâm Bà Bà, Chúa Ngung Man nương, Mẫu Thượng Ngàn,…là những vị nữ thần của vùng rừng núi, là không gian sống, che chở cho con người. Đặc biệt, Nam Bộ xưa kia là vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, toàn rừng núi, lắm cọp nhiều beo, chính vì vậy Bà chúa Sơn Lâm Bà Bà, Mẫu Thượng Ngàn, rất được coi trọng và phổ biến.

Giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa qua tín ngưỡng thờ nữ thần:

Nữ thần là đối tượng thờ phổ biến trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở Đồng Nai. Miếu thờ Bà hay miếu thờ nữ thần khá phổ biến trong tín ngưỡng dân gian ở địa phương. Những miếu thờ Bà thường là những miếu có qui mô nhỏ, được xây cất bên cạnh hoặc phía trước đình, chùa. Tuy nhiên, đối với những đền thờ Mẫu thì qui mô khá lớn như: đền Thủy Lâm Động, đền Linh Sơn Thánh Mẫu, đền Bà Chúa Mường. Tính chất các nữ thần bao gồm nữ thần cai quản thiên nhiên như Chúa Xứ, Chúa Tiên, Linh Sơn Thánh Mẫu, Địa Mẫu; nữ thần hộ độ con người: Kim Hoa nương nương, Bà Mụ Thai Sanh; và cả Bồ tát trong Phật giáo như: Quan Thế Âm Bồ tát, Cửu Thiên Huyền nữ,…được người dân xem như thần linh rất gần gũi trong đời sống tâm linh. Riêng đối với các dân tộc bản địa như: Chơ ro, Mạ, Stiêng, Kơ ho thì thần Lúa (hay Mẹ Lúa) được xem là nữ thần cai quản về cây lúa cũng như lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống dân gian của đồng bào.

Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Đồng Nai thể hiện sự bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc đồng thời giao lưu tiếp biến những yếu tố văn hóa mới, vừa có nguồn gốc bản địa và văn hóa Việt (Bắc và Trung bộ), vừa chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa, văn hóa Chăm trên cơ sở kế thừa, bổ sung, cải biến những yếu tố văn hóa truyền thống, hình thành nên những nhân tố mới trong sinh hoạt tâm linh, phù hợp với đặc điểm của vùng đất mới làm phong phú cho bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương.

Việc hội nhập nhiều thần linh trong tín ngưỡng thờ nữ thần thể hiện sự cộng cư, sống chan hòa của các dân tộc ở Đồng Nai. Ví như Liễu Hạnh Công chúa là Nữ thần quen thuộc của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc bộ, một thành viên trong Tứ Phủ được thờ ở miễu Bà dưới chân núi Gia Lào (thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc). Một nữ thần của cư dân đồng bằng Bắc bộ, của Tam Tòa, Tứ Phủ theo cư dân Việt vào Đồng Nai khá sớm, còn dấu vết được thờ ở nhiều nơi, dần dần bị lẩn khuất trong hào quang của các Bà Ngũ Hành, chỉ còn rải rác một vài miễu thờ, như miễu thờ trong khuôn viên đình Thành Hưng (Biên Hòa). Hay như Thiên Hậu Thánh mẫu, có nơi còn thờ Bà với tự hiệu là Thiên Phi nương nương (như miễu ở đình An Hòa). Đây là vị nữ thần của người Hoa, họ Lâm gốc Phúc Kiến, được người Hoa đưa vào Nam bộ, hòa nhập với thần thánh địa phương trở thành một trong những vị thần bản địa.

Các cư dân bản địa, ngoài tín ngưỡng thờ những vị nữ thần nhập cư, người Biên Hòa - Đồng Nai vừa có xu hướng gởi gắm niềm tin của mình ở những nữ thần tuy không giàu thần tích nhưng gắn bó với mảnh đất mình đang sinh sống. Thị Vãi, một thôn nữ có tính cách khác thường, giàu lòng thương người được người địa phương yêu mến lập miễu thờ, và tên miễu gắn liền với tên núi ở Long Thành - Bà Rịa. Cô bóng Hiên chuyên việc bói toán nhưng thực lòng, khẳng khái, được người địa phương tin phục, lập miễu thờ ở Thiện Tân (Vĩnh Cửu), hay như Cô Lê Thị Hồng, một trinh nữ chết trôi có tấm lòng yêu đất yêu biển Long Hải được ngư dân Long Hải thờ phụng ở Dinh Cô.… Tục thờ nữ thần ở Đồng Nai đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người Việt, nó có sức sống bền vững, tín ngưỡng thờ Bà hiện diện hầu hết các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ và lễ hội cúng Bà phổ biến là Hát bóng rỗi, chặp Địa - Nàng, một loại hình nghệ thuật truyền thống còn được giữ gìn và lưu truyền tới ngày nay.

Thần linh dù có nguồn gốc khác nhau nhưng đều được tiếp nhận, hội tụ và cải biến trở thành thần linh chung của cộng đồng, được nhiều dân tộc cùng nhau thờ phụng, cúng bái. Vừa bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc Việt, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa mới, là sự thể hiện bản sắc và giá trị của tín ngưỡng thờ nữ thần Đồng Nai trong tiến trình hình thành, phát triển và hội nhập ở Nam Bộ từ hơn ba thế kỷ qua.

Các nữ thần được thờ ở Đồng Nai đánh dấu một hồi ức gắn với chặng đường gian lao hình thành các cộng đồng cư dânViệt ở Đồng Nai. Với một tập hợp nữ thần phức hệ như thế, Đồng Nai như là điểm hội tụ đồng thời cũng là nơi khuếch tán các hệ tín ngưỡng thờ nữ thần của miền Bắc, miền Trung, miền Tây, người Hoa và người bản địa. Tục thờ cúng nữ thần cũng cho thấy, cư dân Việt ở địa phương ít nhất cũng tìm được biểu tượng có ý nghĩa nhân bản hơn tư tưởng Nho giáo vốn xem thường phụ nữ. Đó là biểu tượng đẹp, mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc gần liền với một số truyền thống văn hóa tích cực của dân tộc.

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.