Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > LỄ CÚNG THẦN LÚA CỦA NGƯỜI CHƠ-RO

Bài đăng

LỄ CÚNG THẦN LÚA CỦA NGƯỜI CHƠ-RO

Tộc người Chơ-ro còn gọi là người Đơ-ro, Chơ-ro là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam là cư dân có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.467 hộ người Châu Ro sinh sống, với nhân khẩu là 17.054 người (số liệu Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), đứng hàng thứ 4 trong số các dân tộc đang sinh sống ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Long Khánh,… trên địa bàn Đồng Nai.

Người Chơ Ro tin mọi vật đều có linh hồn và tin vào sự chi phối con người của thế giới thần linh. Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơro là thờ đa thần và quan niệm mọi vật đều có linh hồn và một trong các thần được đồng bào coi trọng nhất là thần lúa (Sayangva). Lễ Yang-va là lễ hội truyền thống của người Chơ-ro còn gọi là Mừng lúa mới là dịp để đồng bào dân tộc Chơ Ro tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ. Đây cũng được xem là tết của người Chơ Ro.

Yang-va được người Chơ Ro cúng định kỳ hàng năm, thường trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, vào những ngày đẹp trời, đêm có trăng. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng, để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp. Lễ hội Yang-va thường kéo dài trong nhiều ngày đêm, mọi người đều tham dự và thầy cúng giữ vai trò chủ đạo trong các nghi thức.

Lễ vật cúng Yang-va gồm có thịt gà luộc, thịt heo, rượu cần, những bông lúa, hoa quả và bánh. Rượu cần được làm trước đó nhiều ngày, điều quan trọng là gạo dùng làm rượu phải lấy từ rẫy của gia chủ, không được vay mượn hoặc mua. Ngoài lễ vật cúng, người Chơro còn làm một cây nhang bằng tre dài trên 1m. Phía ngọn phình ra hình cái rọ tượng trưng cho bông lúa lớn. Đầu cây có bốn tia ra được uốn rất đẹp, hai tia tượng trưng cho chim chèo bẻo (biểu tượng cho sự mạnh mẽ, khôn ngoan), hai tia tượng trưng cho lồng gà (hình ảnh thể hiện cúng Yang hàng năm của gia đình). Bàn thờ cúng có ba tầng được làm bằng cây rừng và tre, gắn vào vách trên phần nhà sàn chính. Trước bàn thờ đặt ché rượu cần. Người gọi Yang thường là người lớn, có uy tín trong nhà.

Ngoài ra, họ còn làm một cây nêu. Cây nêu cúng Yang-va được chuẩn bị khá công phu, làm trong khoảng một tuần lễ. Cây nêu làm từ cây vàng nghệ, thân được buộc lá dứa tạo hoa văn bằng cách hun khói từ đầu chai. Ngọn của cây nêu tạo hình bông lúa lớn, phía trên gắn chùm lúa nhiều hạt và bốn tia tỏa ra bốn hướng. Các tia gắn lông chim chèo bẻo và lông gà. Cây nêu được trồng trước sân nhà sàn trong nhiều ngày trước khi lễ cúng diễn ra. Phía dưới gốc nêu buộc các con vật hiến tế như gà, heo…

Lễ cúng Yang được bắt đầu vào buổi trưa, thường sau khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất và mọi người cùng tham gia đông đảo. Trước khi vào nghi thức cúng chính thì người phụ nữ lớn tuổi trong nhà mang gùi lên rẫy chặt lấy ngọn mía, thân chuối non, trái bầu khô, những bông lúa (để lại sau mùa thu hoạch) đem về nhà. Nghi thức này còn gọi là rước hồn lúa. Những lễ vật ấy được đem về bài trí trên bàn thờ và nơi để nhang. Lúc này, những con vật hiến tế được đem làm thịt để lấy huyết bôi lên cây nhang bài trí bàn thờ.

Người gọi Yang ngồi trước ché rượu cần, hướng về bàn thờ đọc lời khẩn trình. Sau đó người gọi Yang đi đến nhà kho đựng lúa, người phụ giúp mang lễ vật đi theo. Trên mâm lễ có cây nhang đã được bôi huyết những con vật hiến tế. Mọi người tham dự đi theo. Lễ vật bày hẳn trên lúa và bắt đầu nghi thức gọi Yang-va.

Khi cúng xong, mọi người trở lên nhà sàn chính để dự tiệc. Thức ăn cho ngày cúng được bày ra để đãi khách như: cơm lam, củ mì, củ chụp, củ nần nướng, thịt các con vật tế, rượu cần. Người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình uống rượu cần trước, sau đó mới mời khách theo thứ bậc tuổi tác. Trong thời gian dự tiệc, cồng chiêng nổi lên với các giai điệu hội hè. Mọi người nhảy múa, hát những bài ca của cộng đồng.

Trong lễ hội, sau những nghi thức cúng thần linh, cầu bình an cho bản làng, mùa màng, người Châu Ro vui chơi, uống rượu cần, nhảy múa ca hát trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau những ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, công chiêng được tấu lên. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau cho đến khi kết thúc. Mọi người vui hòa trong không khí hội với men rượu cần cho đến khi đống lửa tàn, thường vào lúc nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn ngày cùng Yang-va

Lễ hội cúng Yang-va là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Châu Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc người ở Đồng Nai nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.