Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Đôi nét về văn hóa người Nùng ở Đồng Nai

Bài đăng

Đôi nét về văn hóa người Nùng ở Đồng Nai

Người Nùng là một dân tộc ít người phân bố chủ yếu ở vùng Việt Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, và cũng có ở Bắc Giang, Quảng Ninh. Người Nùng sử dụng ngôn ngữ Tày - Thái thuộc dòng Nam Á.

Người Nùng tới đất Đồng Nai cư trú từ sau hiệp định Genève 1954 trong đó một bộ phận là lính sư đoàn 5 của Voòng A Sáng. Họ thuộc nhiều nhóm khác nhau. Mới đầu sư đoàn 5 Nùng đóng ở vùng Bình Thuận, sau mới chuyển về Đồng Nai. ở vùng đất mới, họ không còn phân biệt các nhóm địa phương (như quê cũ) mà đã cố kết, hòa vào nhau, giữ được những điểm chủ yếu đồng nhất, còn khác biệt ít bộc lộ rõ.

Theo số liệu của Cục thống kê Đồng Nai năm 1996, cả tỉnh có 1 2279 nhân khẩu Nùng (trong đó có 5827 nữ) xếp thứ nhì trong tổng số hơn 40 dân tộc ít người (sau người Hoa). Địa phương nào trong tỉnh cũng có người Nùng song họ có số lượng đông nhất ở huyện Xuân Lộc 4540 người (2222 nữ), huyện Thống Nhất ít hơn một chút 4486 người (2088 nữ)... và ít nhất là huyện Nhơn Trạch: 10 người (7 nữ). Ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất tập trung 331 hộ với 1068 nhân khẩu là nơi người Nùng sống đông đảo nhất.

- Hoạt động kinh tế:

Phần lớn người Nùng ở Đồng Nai làm nghề nông là chính, số làm nghề buôn bán dịch vụ, tiểu thủ công không nhiều.

Vào nửa cuối thập niên 50, đến vùng đất mới Đồng Nai - lúc đó thuộc hai tỉnh Biên Hòa, Long Khánh còn nhiều đất đai hoang hóa, họ ra sức khai phá rừng và đất rừng. Thoạt tiên họ áp dụng lối đao canh hỏa chủng nguyên thủy làm nương rẫy nên cũng du canh khi đất trồng bạc màu. Nhưng dân cư ngày càng đông, đất trồng trở nên hiếm hoi dần, từng bước họ buộc phải thâm canh nương rẫy để trồng các loại hoa màu: bắp, khoai lang, khoai mì, đậu... và các cây công nghiệp ngắn ngày: đậu tương, thuốc lá... Từ sau ngày giải phóng, nhiều hộ người Nùng ở các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán... đầu tư vốn, mở vườn trồng cà phê, tiêu, điều... nên có thu nhập hơn hẳn các hộ chỉ trồng lúa hoặc hoa màu.

Người Nùng chăn nuôi nhiều loại gia súc: trâu để lấy sức kéo và phân bón, heo lấy thịt và phân, gà vịt... Chăn nuôi hiện nay vẫn còn ở qui mô nhỏ gia đình, chưa trở thành ngành sản xuất riêng, vẫn là ngành phụ của trồng trọt.

Người Nùng vốn có một số ngành nghề truyền thống khá nổi tiếng: dệt, rèn.

- Về ăn uống: Người Nùng có những nét gần người Hoa hơn người Việt. Lương thực chính của họ là gạo tẻ, mỗi ngày bà con ăn hai bữa cơm với canh và các món chiên xào chứ hiếm khi ăn đồ luộc. Trước đây vào buổi sáng họ ăn cháo loãng với món mặn; bây giờ họ chọn thức điểm tâm theo khẩu vị và túi tiền. Phần đông kiêng cữ thịt chó, thịt mèo.

- Về trang phục: Chiếc áo Nùng màu chàm với tay áo rộng, thân áo chấm ngang mông không tồn tại từ ngày bà con vào sống ở vùng đất mới này.

- Nhà cửa:

Nhà cửa của người Nùng có nét khác biệt so với nhà của người Việt hoặc dân tộc anh em khác sống xen kẽ.

Ở khu vực Bàu Xéo (xã Sông Trầu, huyện Thống Nhất), nhà của đồng bào Nùng san sát nhau như hình ống, không có vườn, vách nhà này liền vách nhà kế bên. Đại thể căn nhà hình chữ nhật, có hai mái xuôi về hai phía trước và sau. Từ hai đầu đòn dông có kèo, nhà khá giả thì vách lợp tôn, nhà nghèo thì vách phên hoặc trát đất lợp tranh. Mái sau thường dài hơn mái trước, bếp có thể làm liền hoặc lui về phía sau một ít tùy từng gia đình. Chuồng trại sâu về phía sau nữa.

Ở ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2 thì nhà cửa mang nét kiến trúc Việt càng rõ hơn. Đó là những ngôi nhà ba gian hai chái, nhà bếp và chuồng gia súc ở phía sau không dính líu với nhà ở. Vật liệu xây dựng là gạch ngói, xi măng, tôn...

Ở Bàu Xéo, Tây Hòa, kiểu quần cư “ấp chiến lược” khá rõ nét. Khi làm nhà, đồng bào thường đến nhờ thầy mo (thày cúng) xem giúp ngày giờ xây cất, nhất là lúc dựng cây đòn dông. Nhà quay mặt về hướng địa hình thấp hơn hoặc hướng Tây, không nhất thiết mặt tiền hướng đường lộ.

- Gia đình và tổ chức xã hội:

Gia đình dân tộc Nùng ở Đồng Nai hiện nay là gia đình nhỏ theo dòng cha. Thường thì một gia đình gồm cha mẹ và các con. Cũng có một số gia đình chung sống ba thế hệ: ông bà, cha mẹ và các con.

Người đàn ông, người cha, người chồng và con trai trưởng có nhiều quyền hành trong nhà, chính họ quyết định mọi việc lớn nhỏ - tất nhiên cũng trao đổi tham khảo ý kiến người mẹ hoặc vợ.

Người cha, người chồng thường được gọi theo tên con trai cả hoặc con gái lớn (nếu không có con trai).

Việc phân chia tài sản của cha mẹ thường “ưu tiên” cho con trai cả vì anh này phải lo cúng giỗ tổ tiên, ông bà... Con gái thường chỉ được món hồi môn khi đi lấy chồng, tuy nhiên cũng có người được cha mẹ chia cho một phần tài sản.

Trong dòng họ, người Nùng xưng hô theo tập tục người Việt phía Bắc: ông bà, bác chú, dượng, cô, thím, mợ, cậu, dì... những ai thuộc vai lớn hơn cha mẹ thường được kêu bằng bác. Xưa kia vai trò người trưởng tộc được coi trọng, nay đã rất mờ nhạt. Người Nùng cũng như người Hoa coi những ai cùng họ, ví dụ họ Trần, họ Lý họ Trương... là đồng tộc, là gần gũi thân thiết (không được lấy nhau)

Cộng đồng người Nùng ở xã Bàu Hàm 2 tổ chức “hội hiếu” chuyên lo việc tang ma (tương tự hội bảo thọ). Trong xóm ấp có người qua đời thì hội hiếu đứng ra lo mọi việc giúp gia chủ. Mỗi hội viên đóng hai kg gạo (hoặc số tiền tương đương). Hội sẽ phân công người làm các việc: tiếp tân, đào huyệt, khiêng quan tài, nấu nướng phục vụ tang chủ...

- Cưới xin:

Trai gái Nùng ngày nay hoàn toàn tự do tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân. Nếu đúng tuổi kết hôn do pháp luật qui định thì họ đăng kí tại UBND xã, phường rồi làm đám cưới với các thủ tục nghi thức thông thường. Tảo hôn hầu như không thấy có ở Đồng Nai.Người Nùng rất coi trọng chữ trinh. Khi đôi thanh niên đã ưng nhau, họ báo cáo với cha mẹ đôi bên. Người ta cũng đi coi bói/ so tuổi... và phần lớn các cặp nam nữ đều tiến tới cưới xin, ít có trường hợp phải chia tay vì khắc tuổi.

Người phụ nữ sinh con tại nhà chồng (và thường sinh tại trạm xá hoặc nhà hộ sinh, bệnh viện để bảo đảm mẹ tròn con vuông khi sinh nở). Trong tháng đầu tiên sau khi ở cữ, sản phụ ít ăn đồ kho, kiêng ăn cá mà thường dùng các món thịt hầm với gừng, rượu (cho ấm bụng, dễ tiêu). Người Nùng không kiêng cữ gì khi nhà có phụ nữ sinh đẻ.

- Tang ma:

Khi gia đình có người qua đời, một người đến nhà thày mo để xem ngày giờ tẩm liệm, động quan, di quan, chôn cất...Để báo tin buồn cho cộng đồng, người ta đánh cồng (chiêng có núm) theo một điệu bi ai.

Trong nhà có người qua đời thì mọi vật dụng trên bàn thờ tổ tiên đều bỏ đi hết (vì tể tiên không giữ được cho người đó thì không cúng). Chôn cất xong, người ta lại mua các vật dụng khác để tiếp tục cúng kiếng (thí dụ: bát nhang, lô chén nước, chân nến...).

 

 

- Đời sống tâm linh:

Phần đông người Nùng ở Đồng Nai hiện nay vẫn thờ cúng tổ tiên là chính. Số người theo các tôn giáo khác không nhiều. Các ông bà già thường đi chùa lễ Phật vào ngày mùng một hoặc ngày rằm âm lịch.

Trong mỗi gia đình, nơi trang trọng nhất, dễ thấy nhất (vì ở giữa nhà) có bàn thờ tổ tiên tương tự như bàn thờ của người Việt hoặc người Hoa. Bàn thờ này có thể được bày cỗ mặn vào các dịp cúng kiếng.

Vào dịp Tết, người Nùng mua giấy lì xì màu đỏ in trang kim dán trước cửa ra vào mong được hên trong mọi việc làm ăn. Việc dán giấy lì xì có thể là do họ chịu ảnh hưởng của người Hoa.

Ở bếp, người ta cũng thờ ông Táo nhưng không có lệ cúng ông Táo chầu Trời ngày 23 tháng chạp. Người ta cấm kị việc nấu thịt chó, mèo, trâu ở bếp vì sợ xui. Các món thức ăn để cúng nhất thiết không được dùng thịt các loại gia súc nói trên.

Người Nùng có một số cấm kị: Phụ nữ không tham dự các lễ cúng ở nơi công cộng. Tháng giêng người ta không ăn, không cúng thịt vịt và trứng các loại. Ngoài hai ngày 29, 30 tháng chạp và mùng 3 tháng ba, người Nùng không dãy cỏ ở mả. Làm nhà, sửa nhà, lập bàn thờ, chuyển bàn thờ phải mời thầy mo chứ không được tự ý làm. Họ rất sợ ma gà - loại ma quấy phá làm hại người và gia súc.

          Đối với dân tộc Nùng, tuy mật độ dân số không đông, nhưng những đóng góp của họ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, cũng như những nét văn hóa bản địa của người Nùng đã góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Đồng Nai nói riêng ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.