Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA ĐỒNG BÀO CHĂM

Bài đăng

MỘT SỐ LỄ HỘI TIÊU BIỂU CỦA ĐỒNG BÀO CHĂM
 
     Theo số liệu thống kê của tỉnh năm 1996, người Chăm ở Đồng Nai có 1.854 nhân khẩu (đứng thứ 7/40 dân tộc ít người trên toàn tỉnh). Đồng bào Chăm ở Đồng Nai sống chủ yếu tại ấp 4, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc; ấp 6 và ấp 10 xã Bình Sơn (Long Thành) tính đến năm 2017, đã có hơn 430 hộ, trên 2.100 nhân khẩu, chiếm gần 90% tổng số người Chăm sinh sống trên địa bàn tỉnh. Người Chăm – Xuân Hưng theo Đạo hồi Islam, sống tập trung thành làng quanh thánh đường Hồi giáo và có khá nhiều phong tục độc đáo. Trong đó Thánh đường Hồi giáo ở xã Xuân Hưng là thánh đường Hồi giáo lớn nhất Việt Nam tại thời điểm khánh thành (2006).
    
     Ngày nay, trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong dịp lễ hội, người Chăm ở Đồng Nai không sử dụng một loại nhạc cụ nào, chỉ sử dụng một cái trống nhỏ, vỗ hai đầu, gọi là Rapna. Riêng ở Xuân Hưng, có thêm một loại trống đứng (vỗ một đầu), sử dụng một cặp phục vụ các buổi sinh hoạt văn nghệ.
     Về lễ hội, người Chăm ở Đồng Nai còn giữ rất nhiều phong tục lễ hội độc đáo trong năm như: lễ cắt tóc đặt tên, lễ cưới, lễ tang cổ truyền, lễ Asura (Nhớ ơn Thượng đế), lễ Tâp la (lễ xin cho qua những việc xấu, xui xẻo trong năm), lễ Ramadon (tháng ăn chay)… , thực hiện nhiều nghi lễ nông nghiệp trong một chu kì năm như: lễ khai mương đắp đập, lễ hạ điền, lễ mừng lúa con, lễ mừng lúa ra đòng. Tuy nhiên có 3 lần lễ lớn : Lễ Roya Haji, Lễ Ramadan, Lễ Bon Katê.
     Lễ Roya Haji - Tết dân tộc: Từ 10 - 13/12 âm lịch
    Trong những ngày lễ này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, mổ bò, dê chia cho cả làng ăn Tết, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị, người Chăm thêm một tuổi mới.
 
     Trước khi bước vào lễ hội Roya Haji, các làng Chăm thực hiện nghi lễ Qur ban làm thịt một con vật như: bò, cừu, dê… lễ dâng tế đến thánh ALLA. Sau khi con vật được làm thịt sẽ phân phát cho bà con trong làng cùng thưởng thức. Trong những ngày Tết Roya Haji, mọi người đều mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất mà mình có. Khoảng 7 giờ sáng, đàn ông, con trai từ 15 tuổi trở lên tập trung tại Thánh đường làm lễ, sau đó bắt tay mọi người xin tha thứ lỗi lầm và xóa bỏ những hiềm khích trong năm qua.
     Cũng trong ngày Tết Roya Haji, mọi người khi ra đường gặp nhau chào hỏi đều phải nói “Am má” (xin tha thứ) và người kia cũng đáp lại như vậy, nên ý nghĩa đầu tiên của ngày này là xin lỗi và sự tha thứ. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm còn gọi lễ hội này là “Roya yêu thương”
     Lễ Ramadan - lễ nhịn ăn hoặc tháng ăn chay: từ mùng 1 – 30/9 theo lịch hồi giáo.
     Bước vào tháng Ramadan, trừ trẻ em dưới 15 tuổi, mọi người Chăm còn lại phải nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống (khi tắm cũng không để cho nước ngập đến lỗ tai). Cũng không được sát sinh hại vật, và nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai từ 4 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút mỗi ngày để tự kiểm điểm lại những hành động đúng - sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua nhằm khắc phục, sửa chữa những hành vi sai trái. Trong thời gian thực hành tháng Thánh lễ, không được tổ chức vui chơi, hát xướng.
     Sau giờ này, người ta có thể ăn uống thoải mái. Những người già cả, bệnh tật không thể nhịn ăn thì phải “trả gạo” mỗi ngày 1 kg để san sớt cho người nghèo. Ý nghĩa của lễ Ramadan này là sự sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc trong cộng đồng để mọi người yêu thương nhau hơn; đồng thời rèn luyện cho họ sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất.
     Lễ Bon Katê - gọi tắt là lễ Katê: vào ngày 1 tháng 7 theo lịch của đồng bào Chăm.
     Lễ hội này của người Chăm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
     Đây là một lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc và rất quan trọng. Tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Trong ngày này, người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội Katê diễn ra theo tình tự các bước đã có truyền thống từ xa xưa, bao gồm lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và sau cùng là đại lễ. Lễ hội tại đền tháp do Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn gồm: Thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ, thầy kéo đàn Kanhi - hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar), bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơn với muối vừng, 3 ổ bánh gạo và hoa quả.
     Lễ hội Katê là hình thức sinh hoạt lễ hội đặc sắc nhất của đồng bào Chăm, cuốn hút tất cả mọi thành viên trong thôn làng ở tất cả mọi cấp độ, mọi lứa tuổi.
     Với việc duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào Chăm nói riêng đã và đang góp phần duy trì, phát huy bản sắc của dân tộc, qua đó thúc đẩy sự phát triển văn hoá cộng đồng trong tiến trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam cũng như văn hóa địa phương cụ thể là Đồng Nai tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn Sen
 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.