Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Trang phục thầy cúng của người Dao ở Đồng Nai

Bài đăng

Trang phục thầy cúng của người Dao ở Đồng Nai

Nguồn gốc của người Dao ở Việt Nam có từ Trung Quốc. Do nhiều biến cố lịch sử, đã làm người Dao phải tản cư khắp nơi. Trong quá trình chuyển cư của họ sang Việt Nam kéo dài suốt thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Những năm gần đây, một bộ phận người Dao di cư vào phía Nam, tập trung chủ yếu ở Đắc lắc, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Ở Đồng Nai, người Dao từ vùng núi phía Bắc di cư theo lối tự do vào Đồng Nai những năm 1954 và sau năm 1975, chủ yếu là nhóm Dao Thanh Y có nguồn gốc từ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Người Dao ở Đồng Nai sống tập trung tại hai xã Thanh Sơn và xã Phú Vinh huyện Định Quán, Xuân Lộc. Ngoài ra, còn tập trung ở huyện Cẩm Mỹ và huyện Tân Phú.

Đời sống vật chất của người Dao mang tính chất tự cung, tự cấp, mặc dù không còn lối du canh, du cư nhưng vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên là chính. Sản xuất chính là nông nghiệp. Cây trồng chính là lúa nước và một số cây công nghiệp lâu năm. Đời sống tinh thần của người Dao rất đặc thù mang đậm nét truyền thống văn hóa lâu đời như: thờ cúng nhiều vị thần, thờ cúng Bàn Vương, lễ cúng cầu an, lễ cúng đầu năm, lễ cúng lúa mới, lễ đặt tên... Sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, thích ca hát, có nhiều tri thức dân gian đặc biệt là y học cổ truyền.

 

Trong đời sống tâm linh của người Dao khá phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái khác nhau. Tín ngưỡng của người Dao còn nhiều tàn dư tôn giáo nguyên thủy như Tam Giáo (Khổng, Phật, Đạo) biểu hiện rất rõ rệt, đặc biệt là Đạo giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến tín ngưỡng của người Dao. Phản ánh rõ nét nhất thế giới quan về vũ trụ luận của đời sống tâm linh của người Dao được thể hiện trên trang phục của thầy cúng.

Thầy cúng đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần người Dao, là người duy nhất liên lạc được với thế giới âm (thần linh, linh hồn người chết...) với thế giới dương (thế giới của người sống). Trong các lễ làm chay, lễ cấp sắc, thầy cúng người Dao còn là hiện thân của Tam Thanh (Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh) là những vị thần tối cao trong Đạo giáo. Do đó, trang phục thầy cúng người Dao có giá trị đặc biệt phản ánh tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng.

Trong nghi lễ làm chay, cấp sắc, người Dao có hai loại thầy cúng chủ trì cho nghi lễ: Thầy cúng Tam Nguyên (đại diện Sư Giáo), thầy cúng Tam Thanh (đại diện Đạo Giáo), thầy cúng Tam Thanh có nhiệm vụ làm việc cứu khổ, giải oan, giải hạn, chuyên làm từ bi, khuyến thiện, đại diện Văn giáo.

Trang phục của ba vị Tam Nguyên đều là bộ áo dài, xẻ nách bên phải (có cúc cài). Trang phục thầy cúng Thượng Nguyên là áo dài màu vàng, không thêu các họa tiết hoa văn (màu vàng là màu hành thổ ở trung tâm). Trang phục thầy cúng Trung Nguyên là áo dài màu đỏ (hành hỏa ở phương Nam). Trang phục thầy cúng Hạ Nguyên là áo dài màu chàm xanh xẫm, hoặc đen xẫm (hành thủy ở phương Bắc). Thầy cúng Tam Nguyên đội khăn, là một dải vải trắng hình chữ nhật, hai đầu khăn ghép vải tạo hoa văn hình hoa dây lá với các màu xanh, vàng, trắng và đỏ.

Trang phục thầy cúng Tam Thanh (bên Đạo giáo) sặc sỡ, thêu thùa nhiều họa tiết hoa văn. Trang phục gồm có mũ, áo dài thêu hoa văn. Mũ của thầy cúng có hình lưỡng long và các vì tinh tú. Áo dài của thầy cúng Tam Thanh bằng vải, nhuộm chàm, cổ thấp, xẻ ngực, thắt nút, ống tay ngắn. Hoa văn trên áo thêu sặc sỡ nhiều màu với nhiều họa tiết trở thành một tác phẩm nghệ thuật trang trí dân gian độc đáo, phản ánh vũ trụ luận của người Dao. Thân áo phía sau là bức thêu hoàn chỉnh phản ánh thế giới nhiều tầng. Tầng trên cùng là ba vị Tam Thanh cưỡi chim hạc trắng. Chính giữa là Ngọc Thanh pháp danh là Nguyên Thủy thiên tôn vị thần đứng đầu trong miếu vạn thần của người Dao. Bên trái là Thượng Thanh Pháp danh là Linh bảo Thiên tôn, bên phải là Thái Thanh pháp danh là Đạo đức Thiên tôn (Thái Thượng Lão quân), ở phía dưới là hình hai con hạc bay có quân lính bảo vệ. Mỗi vị Tam Thanh có hai quân lính đứng hầu, ở chính giữa mỗi bên có một quân lính bảo vệ. Dưới hình Tam Thanh là Đại La Thiên được thêu theo kiểu hình thoi, hình trái tim. Hình thoi là biểu tượng của sự tổng hợp thiên và địa, hạ giới và thượng giới (biểu tượng đóng khung cho những con người được thần thánh hóa). Hình trái tim là nơi trú ngụ của thần, chỗ linh thiêng nhất trong tất cả những nơi linh thiêng. Bên trong là tòa miếu có hình tượng trưng của “Đại La Thiên”…

Một số trang phục thầy cúng Dao thêu hình đầu con lân, lưng và thân có vẩy. Có người cho đó là con long mã, một số lại cho là con sư tử. Khi thầy cúng mặc áo là tâm hồn đã hướng về “Đại La Thiên” nơi ngự trị của các vị thần. Dưới hình long mã là hình quân lính (âm binh, âm tướng) của các vị Tam Thanh. Có ba hàng âm binh mã. Các hàng binh mã phản ánh số âm binh được thầy cúng sai khiến, phản ánh quyền uy của các thầy. Phía dưới ba hàng quân binh mã là một dãy hình đầu trâu, mặt chó trên tay cầm ba chĩa của cõi Hạ Nguyên. Ở chính giữa dãy hình đầu trâu mặt chó là hình một con vật mặt mèo hai tay cầm kiếm. Phía dưới dãy hình đầu trâu mặt chó thêu các hình tượng của thánh thần cư ngụ trên khắp các cõi đất và nước. Ở hàng dưới là một dãy âm binh và vị thần hai tay cầm cờ và vũ khí đi báo tin. Phía dưới cùng là hình ảnh một cây cầu, hai bên là hình hai con cẩu (hình đầu trâu mặt chó) tay cầm vũ khí, bên trái cầm kiếm, bên phải cầm cây ba chĩa. Dưới cây cầu là hình một con rắn đang ngóng đầu lên chờ mồi.

Phần thân áo phía trước là phần âm nên trang trí các mô típ đơn giản hơn. Phía trước áo thầy cúng Tam Thanh thêu các chi tiết: trên cùng là trời có hai con rồng bay, phía dưới là hình các Công tào cưỡi ngựa cầm cờ báo tin, phía dưới là các hình sóng nước, dưới mặt đất là các hình cưỡi hạc, cưỡi hổ... Như vậy, hai thân áo xẻ phía trước phản ánh các tầng: trên trời, dưới nước, mặt đất (được đại diện bởi thần báo tin đi các thế giới còn được xem là vị thần giao thông viên).

Trên trang phục truyền thống của thầy cúng người Dao, xung quanh lưng áo và thân trước được thêu một hệ thống chữ Hán tên các con vật biểu tượng cho các vì tinh tú phản ánh khí tiết của 4 mùa. Phía trên cùng của lưng áo thầy cúng thêu 7 chữ tương ứng 7 vì sao về mùa xuân như: “Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ”. Phía dưới có 4 chữ tương ứng các vì sao. Ở dưới cùng của trang phục thêu các chữ có nội dung phản ánh 24 khí tiết trong một năm. Dọc bên mép trái của áo được thêu các chữ: “Tiểu Hàn, Đại Hàn”, phía dưới được thêu chữ “Lộc”...

Các bức thêu trên một tấm áo khổ lớn cổ thấp, xẻ ngực, có một nút thắt ở trên ngực bằng dây buộc. Các viền áo đều ghép bằng vải đỏ. Hoa văn chủ đạo được phối màu khá đa dạng. Trên nền vải, các nghệ sĩ dân gian đã tạo được các bức thêu cân đối, hài hòa, phối màu phù hợp. Các nghệ nhân vốn ưa dùng gam màu nóng, đỏ, vàng để tạo nên sự rực rỡ trên nền chàm của áo thầy cúng.

Nói chung, hoa văn trang trí trên trang phục thầy cúng của người Dao vừa là bức tranh nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ, vừa là tác phẩm phản ánh đậm nét nhân sinh quan của cộng đồng dân tộc. Đồng thời, thể hiện đời sống tín ngưỡng tôn giáo phong phú góp phần làm giàu cho kho tàng văn hóa tinh thần của người Dao ở Đồng Nai.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.