Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Lễ nghi hầu đồng - nét văn hóa đặc sắc trong Đạo thờ Mẫu ở Đồng Nai

Bài đăng

Lễ nghi hầu đồng - nét văn hóa đặc sắc trong Đạo thờ Mẫu ở Đồng Nai
Như Quỳnh

Đạo thờ Mẫu bắt nguồn từ thời kỳ xã hội mẫu hệ do ảnh hưởng của Đạo Giáo Trung Quốc mà phát triển thành tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ trong đó người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình. Tín ngưỡng này đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử, chiếm vị thế nổi bật và chi phối mạnh mẽ trong đời sống tâm linh của người Việt. Trong quá trình phát triển với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ở Việt Nam đã hình thành nên một tôn giáo bản địa sơ khai là Đạo Mẫu.

Với đặc trưng của vùng đất mới, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Đồng Nai  được nhiều dân tộc cùng cộng cư đón nhận: Kinh, Chăm, Khơ Me, Hoa, Tày,…đã tạo điều kiện cho loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành. Các thần linh của đạo Mẫu được thờ phụng ở khắp mọi nơi ở Đồng Nai nhưng chủ yếu thờ tập trung ở các đền và miễu. Miễu Bà thờ các nữ thần như: bà Âu Cơ, bà Ngũ hành, Liễu Hạnh công chúa (chủ yếu được thờ ở miễu Bà dưới chân núi Gia Lào, huyện Xuân Lộc), các nữ thần bổn địa… Ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu được cộng đồng biết tới qua khái niệm “hầu đồng”, diễn xướng “hầu đồng” giúp cho người dân hiểu được những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt của dân tộc ta trong chống giặc ngoại xâm gắn liền với lịch sử dân tộc, những hình thức sinh hoạt gắn liền với đời sống con người đồng thời hình thức diễn xướng này cũng góp phần giúp con người giải tỏa những bức xúc, bế tắc trong cuộc sống thường ngày.

Nghi thức hầu đồng (lên đồng, hầu bóng) là nghi lễ hết sức đặc biệt trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh huyền bí của người Việt. “Hầu đồng” là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của nhiều vị thần linh, trong đó mỗi lần một vị thần linh nhập hồn (ốp đồng, giáng đồng) rồi làm việc quan (tức thời gian thực hiện các nghi lễ nhảy múa, ban lộc, phán truyền) và xuất hồn (thăng đồng) thì được gọi là một giá đồng. “Đồng” còn mang nghĩa là cùng, tức là người cùng cái bóng của Thánh thần hòa nhập làm một. Thời gian người ngồi đồng là thời gian người đó thể hiện cái bóng của Thánh thần, mọi cử chỉ, lời nói của người lên đồng lúc đó là của Thánh thần. Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, thay vì đọc văn thì người hầu đồng sẽ hát văn, thay vì cúng bái thì người hầu đồng lại thể hiện bằng các động tác múa được cách điệu từ những hoạt động lao động đời sống thường ngày. Đây một loại hình âm nhạc đặc sắc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Như vậy, nội dung của nghi thức hầu đồng chính là hát và múa thông qua các ông đồng, bà đồng để giao tiếp với thần linh. Trong nghi lễ này, những người lên đồng hóa thân, tái hiện hình ảnh các vị Thánh Mẫu nhằm phán truyền, ban phúc lộc… cho các tín đồ đạo Mẫu.

Ở Đồng Nai, các nghi lễ hầu đồng thường diễn ra tại các đền, miễu thờ Thánh Mẫu vào những dịp lễ hội quan trọng kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và Thánh Mẫu vào tháng ba và tháng tám theo âm lịch. Đặc biệt Trần Hưng đạo là vị tướng tài ba thời Trần có công giúp nước Việt đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông, đây là một hiện tượng “lịch sử hóa” các bậc vĩ nhân để tỏ lòng tôn kính trong hệ thống thần điện của đạo thờ Mẫu.

Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vỡ diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá đồng nói về huyền tích của một vị Thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng các thanh đồng không bao giờ trình diễn đủ 36 giá, mà thường chỉ chọn một số giá có nội dung phù hợp với buổi hầu đồng đó mà thôi. Khi diễn xướng hầu đồng, tuỳ theo ý nghĩa của từng giá đồng mà các thanh đồng thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa tung nước thánh, múa ban lộc, múa dâng đèn, múa quạt, múa kiếm, múa kích, múa cung... Phụ giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng còn có 2 hoặc 4 người hầu dâng (tục gọi là tứ trụ), có nhiệm vụ giúp thanh đồng việc dâng hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Để phục vụ cho buổi hầu đồng người ta chuẩn bị đầy đủ lễ vật dâng cúng gồm thịt gà, thịt heo, rượu, xôi, cơm, hoa quả, bánh trái, tiền vàng, giấy bạc, đèn nhang... Tất cả các mâm lễ vật được bày trí theo hình tháp đặt ở các bàn trên điện thờ. Nhiều đồ hàng mã bằng giấy và tre được cắt dán theo các vật dụng của con người như: nón mũ, dày dép, nhà cửa, đồ trang sức, quần áo, gương, lược... Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ vật mà các con nhang, đệ tử dâng cúng trong lễ hầu đồng.

Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thể hiện rất rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị Thánh trong mỗi giá đồng. Mỗi một giá đồng tương ứng với một bộ trang phục của thần thánh ấy. Thông qua trang phục thì thân thế, nguồn gốc, phong cách, diện mạo của các vị thần thánh được thể hiện một cách đầy đủ rõ nét từ hàng Mẫu đến hàng Quan, ông Hoàng...được quy định bởi màu sắc, hoa văn riêng biệt giữa Thánh nam và Thánh mẫu. Cụ thể là Thiên phủ màu đỏ, Nhạc phủ màu xanh, Thoải phủ màu trắng, Địa phủ màu vàng. Thông thường trang phục trong hầu đồng gồm có: áo dài, quần trắng, khăn đỏ phủ diện, khăn tấu hương, thắt đai lưng màu, thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, xuyến, quạt và son phấn...

Thành phần tham gia trong mỗi nghi lễ hầu đồng bao gồm: ông đồng, bà đồng là những nhân vật chủ chốt trong buổi hầu đồng, họ thường là những người có căn cao, số nặng bị các vị thần linh đầy đọa thân xác làm tôi tớ, phục vụ cho Thánh Mẫu. Khi Thánh đã nhập thì các thầy đồng sẽ nhảy, múa và mỗi giá đồng có một điệu múa khác nhau tùy theo tính cách diện mạo của mỗi vị Thánh. Các điệu múa lên đồng thường đi kèm với các đạo cụ như kiếm, đao, trượng, quạt, múa chèo đò....  Hầu dâng là những người chuyên phục vụ các ông đồng, bà đồng trong suốt buổi hầu đồng như chuẩn bị lễ vật, thay trang phục, đeo trang sức phù hợp cho các giá đồng khác nhau. Khi Thánh nhập vào thân xác đồng thì xưng hô bằng những lời cung kính và dâng lễ lên cho Thánh. Những hầu dâng hiểu rõ tiến trình của buổi hầu đồng, biết được ý thích của mỗi vị thánh cũng như đòi hỏi của các ông bà đồng để phục vụ. Cung văn là những người đảm nhận phần nhạc đệm, hát hầu văn giúp cho con đồng dễ dàng hóa thân vào vai Thánh thần. Họ là những người thuộc rất nhiều bài chầu văn, nắm rõ quy trình của một buổi hầu đồng, biết cách hát đệm cho đúng với nội dung của mỗi giá đồng. Mỗi vị Thánh nào nhập thì cung văn phải tấu lên những bài văn phù hợp, nhằm ca ngợi công đức, tài sắc của mỗi vị Thánh. Hầu hết các bài văn chầu trong hầu đồng ở Đồng Nai đều có sự đan xen, hòa quyện của các thể loại ca trù, quan họ Bắc Ninh, dân ca Bắc bộ và có sự ảnh hưởng đôi chút âm hưởng của các làn điệu dân ca Nam Bộ. Con nhang - đệ tử là những tín đồ của đạo Mẫu, có niềm tin thiêng liêng vào Thánh Mẫu. Họ là những người có căn, có số đã làm lễ đội bát nhang, gửi bản mệnh của mình vào một đền phủ nào đó để thần linh Tứ phủ che chở, nhưng chưa làm lễ “mở phủ” để chính thức trở thành các ông, bà đồng. Khi Thánh nhập đồng cũng là lúc con nhang đệ tử bày tỏ những mong muốn của mình dâng lễ và nhận lộc Thánh ban như: hoa quả, bánh trái, rượu, thuốc lá, tiền bạc, cả những nén nhang cháy... Tuy đơn giản nhưng đối với người nhận lộc Thánh ban rất linh thiêng. Tham dự trong buổi hầu đồng còn có các đệ tử là những người chưa làm lễ đội bát nhang, mà đơn giản họ chỉ là những người có niềm tin vào Thánh Mẫu tham dự để cầu mong những điều tốt đẹp cho mình.

Mỗi một giá đồng thường theo một trình tự như sau: Thay trang phục dâng hương hành lễ - Thánh giáng (nhập đồng) - múa đồng - nghe văn chầu, ban lộc, phán truyền - thăng đồng. Thời gian cho mỗi giá đồng cũng khác nhau, với các giá hầu Thánh Mẫu chỉ “hầu tránh mạn” tức Mẫu chỉ về chứng giám rồi đi ngay chứ không mở khăn trùm đầu để "làm việc". Đối với các giá hầu từ hàng quan trở xuống, mỗi lần Thánh giáng sẽ mở khăn trùm và làm việc theo các trình tự nêu trên, do vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Ở Đồng Nai các ông đồng, bà đồng thường tổ chức các buổi hầu đồng với những mục đích như: Thông linh “giáng thân phụ thể” tức là tìm cách giao tiếp với thần linh để tìm hiểu về quá khứ - hiện tại - tương lai của mình, tìm hiểu nguyên nhân của khổ đau, bệnh tật và mong muốn có được cuộc sống bình an, nhiều tài lộc và sức khỏe. Nghi lễ hầu đồng tạo cho con người một sự cân bằng về mặt tâm lý giúp họ thoát khỏi sự khủng hoảng niềm tin, tiếp tục cuộc sống đời thường, giúp con người trút bỏ được những khó khăn, những gánh nặng của cuộc sống hiện tại để bước vào một thế giới tâm linh hoàn toàn mới lạ với đức tin mạnh mẽ, tự điều chỉnh hành vi của mình để hướng thiện, làm việc “tốt đời đẹp đạo”, góp phần duy trì ổn định xã hội, cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, ngày nay ở một số nơi, nghi lễ hầu đồng vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho những hoạt động mê tín dị đoan nảy sinh phát triển, nhiều người còn lợi dụng hầu đồng để phán truyền nhảm nhí, trục lợi trong việc mua sắm lễ vật, tốn kém và gây hỏa hạn trong việc đốt hàng mã….

Nghi lễ hầu đồng trong Đạo thờ Mẫu là nghi thức thờ cúng rất độc đáo và đặc sắc của văn hóa dân gian Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng được tổ chưa UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 1996. Có thể nói, đây là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh đặc biệt là Thánh Mẫu, qua đó không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí thể hiện ước muốn tốt đẹp của con người mà còn thể hiện vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng cùng nét uy nghi, trang trọng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.

 
 

Tài liệu tham khảo:

1. Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai / Huỳnh Văn Tới. - Nxb Đồng Nai, năm 1999

2. Đạo mẫu Việt Nam / Ngô Đức Thịnh. - Nxb Tôn giáo, năm 2009

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.