Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Vài nét về Lễ Vun Hoa của người Nùng An

Bài đăng

Vài nét về Lễ Vun Hoa của người Nùng An

Người Nùng sống tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang …giáp biên giới với Trung Quốc, hầu hết người Nùng di cư từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang và có quan hệ với người Tày, người Choang. Sau hiệp định Genève tháng 7 – 1954, các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường di cư vào Đồng Nai cư trú và đến đông đảo từ sau ngày đất nước thống nhất.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Đồng Nai năm 1996 thì dân số người Nùng có 12.279 người, tập trung nhiều ở các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán... Tuy người Hoa, Nùng, Tày là những dân tộc đến sau các dân tộc bản địa nhưng họ là các dân tộc có trình độ sản xuất tiến bộ hơn, biết thâm canh cây trồng, trồng các cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ có thu nhập từ khá trở lên. Phần lớn người Nùng ở Đồng Nai làm nghề nông là chính, chủ yếu trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, số làm nghề buôn bán dịch vụ, tiểu thủ công không nhiều. Các ngành nghề thủ công đã phát triển như nghề dệt mộc, đan lát, nghề rèn, nghề gốm, làm giấy dó, làm ngói âm dương.

Đời sống dân tộc Nùng đa dạng, phong phú và giàu bản sắc, người Nùng rất xem trọng vận hạn của đời người nhất là khi sinh ra và chết đi. Vì vậy, khi gia đình có người qua đời, một người đến nhà thày mo để xem ngày giờ tẩm liệm, động quan, di quan, chôn cất... mọi vật dụng trên bàn thờ tổ tiên đều bỏ đi hết, cúng ma tiễn hồn người chết về cõi âm cắt đứt linh hồn người chết với người còn sống, đặc biệt hàng năm người Nùng không cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất như các tộc người khác. Đặc biệt người Nùng có quan niệm rất quan trọng về đường con cái do đó dân tộc Nùng khi sinh con ra, họ làm nhiều lễ cúng cầu mong cho con mạnh khỏe, gặp mọi điều tốt lành: lễ An Va cúng khi vợ mang thai con đầu lòng, lễ Khai Bươn cúng đầy tháng cho con đầu lòng, lễ Liềng Can cúng giải hạn cho những trẻ ốm yếu, chậm lớn và trong đó có một lễ đặc biệt quan trọng gọi là lễ Vun Hoa có mệnh rơi vào “hạn con quan”.

Cũng như một số dân tộc khác, người Nùng quan niệm con người chịu sự chi phối bởi lực lượng siêu nhiên mà trong đó Ngọc Hoàng là đấng tối cao nhất. Việc trông coi người ở dưới trần gian được Ngọc Hoàng giao cho các vị thần tiên: Nam Tào trông coi sổ tử, Bắc Đẩu theo dõi sự sống, tính mạng của từng người, Hoa vương Thánh Mẫu (người Nùng gọi là Mẹ Bjoóc) trông coi vườn hoa và các nàng tiên. Mẹ Bjoóc có vườn hoa lớn và tự tay chăm sóc, trực tiếp phân hoa xuống trần gian cho các cặp vợ chồng, hoa vàng tượng trưng cho con trai, hoa bạc tượng trưng cho con gái và mỗi cặp vợ chồng được bao nhiêu con là do mẹ Bjoóc ấn định.

Khi trẻ ra đời, người Nùng ghi lại ngày, tháng, năm của đứa trẻ theo lịch âm, căn cứ vào “chữ mệnh” trong thời gian này mà người Nùng đoán trước được tương lai và vận hạn của con người trong từng thời kỳ. Người Nùng chia đời người ra 5 giai đoạn: từ khi sinh đến 36 tuổi, 37-59 tuổi, 60-71 tuổi, 72-83 tuổi, 84 tuổi trở lên nhưng giai đoạn thứ nhất là quan trọng nhất. Từ khi sinh ra đến 36 tuổi người Nùng xem là người chưa trưởng thành và có 36 cái hạn, một trong những hạn đó gọi là “hạn con quan” tức là mệnh của đứa trẻ này khi sinh ra thì một phần hồn vía bị một trong 36 vị thần nắm giữ, nên có thể bị các quan triệu về trời bất cứ lúc nào do đó mạng sống của chúng thật mong manh, có thể chết yểu. Vì vậy, người Nùng phải tiến hành Lễ Vun Hoa cúng giải hạn.

Để tiến hành lễ Vun Hoa, người Nùng An tiến hành các bước sau:

- Páo đẳm: báo cáo với tổ tiên, thánh thần họ tên gia chủ, địa điểm, lý do của cuộc lễ, phần này do hai pháp sư tiến hành lễ.

- Xin binh mã: pháp sư cùng đoàn âm binh lên trời mượn binh mã và khăn áo để hành trình đi tìm vía

- Hành trình đi lên Mường trời tìm vía: (Lúc này khi đi lên lưỡi rìu đặt trong bát gạo trên mâm slay, lưỡi quay hướng lên bàn thờ. Lưỡi rìu là vật hộ mệnh của pháp sư.)

Pháp sư bắt đầu cúng bằng cách hát trường ca với mục đích của cuộc hành trình này là pháp sư cùng đoàn âm binh gồm: lừa, ngựa, các tướng, binh, phu khuân vác đưa lễ vật lên Mường trời cống cho các thần thánh để tìm vía. Nội dung thể hiện như sau: Sau khi pháp sư cùng đoàn âm binh qua nhiều chặng đường: qua đồng, qua núi, cửa gió, cửa nắng,… thì đến cửa Mẹ Hoa Vương Thánh Mẫu, dâng lễ vật và xin Mẹ giúp tìm vía trở về.

Sau đó pháp sư cùng đoàn âm binh bắt đầu cuộc tìm kiếm vía. Họ tìm vía ở chốn Long Vương vì cho rằng đứa trẻ đi qua các nguồn nước ở bến sông, suối có thể trượt ngã hay rùng mình do ma ở đó bắt giữ. Họ đuổi hồn cáo vì cáo là loại muông thú hay phá hoại mùa màng, khi bị giăng bẫy chết sẽ quay lại hại người, làm đứa trẻ ốm đau, mùa màng thất bát. Tìm vía ở chốn yêu tinh yêu quái vì loại tà quỷ này nhập vào gia súc gia cầm hay vật dụng trong nhà để hại người. Giải hồn Phựt Si vì nếu gia đình có người vợ tái giá lần hai thì pháp sư phải cúng giải hồn. Lên trời tìm vía Lôi vương vì các vị thần sấm, thần sét có thể bắt trẻ khi chúng vào rừng lấy củi, gặp trời mưa, trú ẩn gốc cây bị sét đánh,…và đến ông Thái Tuế mặt tròn là vị quan đại diện cho lòng nhân từ bác ái, che chở nhân gian có thể tìm giúp vía trở về.

- Hành trình trở xuống trần gian: (lúc này lưỡi rìu trong bát gạo trên mâm cúng được quay trở xuống). Quá trình trở về phải qua nhiều nơi:

Xuống chốn phong lưu, mường vui vẻ: tức là lúc này hồn vía đứa trẻ không chịu trở về, pháp sư phải dỗ ngọt là về trần sống chốn phong lưu, được vui chơi ca hát, được đi mua sắm nhiều thứ,…như thế vía mới chịu về. Xuống đến chốn Dương Châu: là nơi cuộc sống yên bình, sản vật dồi dào, mùa màng tươi tốt, pháp sư khẳng định với vía là chẳng nơi đâu tươi đẹp như quê nhà của mình. Xuống đến Mường Ma Thương: nơi linh hồn người chết bị lưu đày, đi qua nơi này đoàn âm binh phải nạp tiền và đỗ lễ cho chúng. Xuống đến chỗ các mẹ Quản Thiên, Nam La: để xin các Mẹ phù hộ, che chở cho vía an toàn về nhà. Xuống đến cửa môn hạ giới: là cửa thành vào chốn dương gian, pháp sư mời đoàn âm binh vào nhà ngơi nghỉ. Lúc này đưa vía về đến nhà, pháp sư niệm nhập vía vào thần xác cho trẻ giúp trẻ mau ăn chóng lớn, khỏe mạnh.

- Trình báo tổ tiên – đưa hồn vía trẻ lên bàn thờ: pháp sư sau khi nhập vía vào thân trẻ, mời tất cả thánh thần và quan khách vào nhà hưởng trà, dùng cỗ để cùng nhau làm lễ Vun Hoa cho chắc, để vía nhập thân cho bền vững và nhờ thánh thần đưa hồn vía lên bàn thờ giao cho Thánh Mẫu trông nom.

- Sau đó các vật dụng của trẻ bằng hàng mã đem đốt và hoàn trả binh mã. Sau lễ, một mâm cỗ tạp được cúng ngoài sân cầu mong thánh thần giúp trông nom làng bản không cho tà quỷ quấy phá, phù hộ mùa màng tốt tươi. Gia chủ sẽ tạ ơn pháp sư bằng gạo trong mâm cúng, tiền chân hương, gà luộc, đầu heo,…

Lễ Vun Hoa là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính nghi lễ gia đình nhưng bao gồm nhiều thể loại: văn học, âm nhạc, biểu diễn, mỹ thuật,… Mang tính văn học vì là nội dung là bản trường ca bằng thơ, giàu chất trữ tình, vừa hiện thực mà vừa lãng mạn, phản ánh nguyện vọng của người nông dân ao ước có sức khỏe để làm việc, có cuộc sống yên bình, ấm no: ở nhà bưng ván đẹp/Gió mát thổi thảnh thơi... Mang tính biểu diễn vì pháp sư mặc trang phục đơn giản, kể một câu chuyện về cuộc hành trình cùng đoàn binh mã đi tìm vía, họ hát theo thể thơ truyền thống năm chữ và bảy chữ có xen kẽ các đoạn hát hèo phưn dân ca của người Nùng An tạo sự cuốn hút người nghe. Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên qua lời ca thể hiện rõ nét, mái nhà sàn quần tụ bên suối, mỏ nước, ruộng bậc thang, quạ bay mỏi cổ, chim bay rã cánh qua cánh đồng: Lúa không cấy mà gặt/Con cua to như cánh diều hay Sáu mươi bậc vòng vèo/Một trăm hai mươi bậc cheo leo…Ngôn từ trường ca giàu hình ảnh vì sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật ví von, cách nói ẩn dụ tả cảnh đông đúc và khí thế của đoàn quân âm binh quay về trần gian: Các quan cùng phu ngựa xuống/Xuống bên bàn rì rầm/Xuống như ống nước đổ/Xuống như con mưa to…Âm nhạc sử dụng trong Lễ Vun Hoa phần lớn là làn điệu dân ca truyền thống, nhạc cụ duy nhất sử dụng là bộ xóc bằng vòng sắt to, giai điệu trầm da diết mang tính tâm tình dễ đi vào lòng người.

Lễ Vun Hoa của người Nùng An là một lễ thức đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, phong phú về nội dung, đề cao vai trò của trẻ em và đặc biệt quan tâm, chăm sóc từ khi mới chào đời. Mặc dù lễ Vun hoa phản ánh sự tồn tại lâu đời của văn hóa người Nùng, đánh dấu quá trình nhận thức về vũ trụ khi mà điều kiện xã hội chưa phát triển nhưng qua đó cũng đã góp phần giáo dục các bậc làm cha mẹ quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ nhỏ, đối nhân xử thế có đức có tình, đó là điều kiện cần thiết ở mỗi con người tạo cho gia đình, xã hội cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1.     Lễ Vun Hoa / Triệu Thị Mai. – Nxb. Dân Trí, 2011.

2.     Người Nùng ở Việt Nam / Vũ Quốc Khánh, Phạm Ngọc Tuân. – Nxb. Thông tấn, 2010

3.     Văn Hóa truyền thống người Nùng An / Nguyễn Thị Yên, Hoàng Thị Nhuận. – Nxb. Đại học Quốc gia, 2010.

Như Quỳnh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.