Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA DÂN TỘC TÀY, NÙNG

Bài đăng

VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA DÂN TỘC TÀY, NÙNG

Ở Đồng Nai, người Tày và Nùng là hai dân tộc đứng thứ ba và thứ tư sau người Kinh và người Hoa. Họ tụ cư ở những vùng có đồng ruộng hay đất rẫy để làm nông nghiệp. Địa bàn của người Tày và Nùng ở Đồng Nai là các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Một số ít người Nùng định cư ở một số phường thuộc thành phố Biên Hòa.

Tày, Nùng là hai dân tộc nói ngôn ngữ thuộc nhóm Tày – Thái ở Việt Nam, gồm nhiều nhóm với phương ngữ và đặc điểm khác nhau. Đời sống văn hóa vật chất của người Tày và Nùngđặc trưng với một số hiện vật tiêu biểu như:

+ Về trang phục:

Người Tày và Nùng hiện nay ăn mặc giống người Kinh. Tuy nhiên, vào những dịp lễ hội hay dịp đặc biệt, người tày nùng vẫn bảo lưu trang phục truyền thống với bộ áo chàm khuy ngang của nam giới và bộ áo cánh cài khuy một bên của phụ nữ.

Áo phụ nữ Nùng may theo kiểu tứ thân, cài nút bên nách phải, nút bằng vải cùng màu, tà xẻ cao, cổ đứng, áo ngắn chỉ đến thắt lưng hoặc dài lắm là đến đầu gối, thân áo và ống tay áo rộng. Bộ trang phục truyền thống của người Nùng gồm có áo cánh tứ thân, áo dài 5 thân, váy, quần, thắt lưng, khăn đội đầu... Màu sắc, cách tạo hình và kiểu may trang phục Nùng cơ bản giống trang phục của phụ nữ Tày. Sự khác nhau chủ yếu về màu sắc, một số chi tiết trong kết cấu, kích thước và hoa văn trang trí. Màu chủ đạo của người Nùng là màu chàm, xanh chàm nhưng có sắc độ phong phú hơn như: xanh nhạt, xanh đen, xanh tím than, xanh phớt nâu, xanh phớt hồng... Các sắc độ này được tạo ra trên sự phôi màu.Các nhóm Nùng đều mặc quần dài (trừ phụ nữ Nùng Dín mặc váy). Quần nam và nữ tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở cạp. Cạp quần nam bằng vải trắng, khâu đáp vào thân quần; trong khi đó cạp quần của nữ giới bằng vải màu xanh.

Phụ nữ các nhóm Nùng đều thắt dây lưng cùng một màu với quần và áo,thắt lưng dài khoảng hai sải tay. Khi thắt, gập tư khổ vải theo chiều ngang, gấp đôi tấm thắt lưng theo chiều dọc rồi ốp vào ngang bụng. Riêng dây thắt lưng của phụ nữ Nùng lòi có màu trắng ở giữa, hai đầu nhuộm chàm xanh.

Khăn đội đầu của phụ nữ Nùng gồm: khăn vấn, khăn vuông hoặc khăn hoa phía ngoài. Phụ nữ Nùng Inh, Nùng Cháo, Nùng Lòi... dùng khăn mỏ quạ của người Kinh và Tày. Phụ nữ Nùng Phàn Sình đội khăn chàm hoặc nền trắng dệt hoa văn sọc ngang màu đen trang trí lốm đốm hoa hồi nét trắng, hoa văn vân mây, sóng nước và một số hoa văn đơn giản khác màu xanh, hồng, vàng. Phụ nữ Nùng An đội khăn dệt hoa văn, mép khăn thêu chỉ màu hoặc có tua chỉ buông xuống.

Chiếc áo dài của phụ nữ Tày cơ bản giống áo dài của nam giới. Cũng thuộc loại áo 5 thân, 5 nút bằng vải hoặc đồng cài qua bên nách phải. Áo dài có cổ tròn, ống tay hẹp, thân hẹp và hơi thắt eo. Khi mặc, phụ nữ Tày thường thắt thêm một chiếc thắt lưng bằng vải chàm cùng màu, cổ đeo kiềng và tay đeo vòng đồng. Đầu đội chiếc khăn đen hoặc chàm kiểu mỏ quạ giống người Nùng. Phụ nữ Tày mặc quần lá tọa ống đứng, gọn hơn nam giới. Những người già trước đây thường bận váy.

+ Đàn tính:

Đây là nhạc cụ truyền thống được dân tộc sử dụng trong các nghi lễ làm Then của đồng bào Tày, Nùng. Đàn tính gồm một hộp đàn làm bằng thân cây dâu mặt dán giấy kín để tạo âm thanh, cán dài gần l,2m được ráp rời thành 4 đoạn để khi di chuyển có thể tháo ra xếp lại tạo sự gọn gàng. Đây là một trong những loại nhạc cụ khá đặc biệt dùng trong bộ nhạc khí phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn nghi lễ của người Tày, Nùng ở Đồng Nai.

+ Trang sức:

Người Nùng đeo những đồ trang sức trên người như: vòng cổ, vòng tay, nhẫn... Trong số đó chiếc vòng tay rất đặc trưng vòng bằng đồng, hình tròn kín có hai đầu xoắn nhỏ kiểu lò xo gắn với vòng. Vòng tay ngày xưa thường được người Nùng sắm làm sính lễ cho con dâu trong đám cưới như một kỷ vật khi về nhà chồng. Vòng tay được đeo vào cùng với bộ trang phục truyền thống góp phần làm tăng thêm sự duyên dáng cho người phụ nữ Nùng.

 

+ Cối giã bằng cây:

Người Nùng thường có thói quen sử dụng cối bằng cây. Thường mỗi gia đình đều có một đến hai chiếc cối. Cối được người Nùng chế tác từ một thân cây gỗ lớn có đường kính khoảng từ 40 - 50 cm. Cối được khoét rỗng bên trong để giã. Khi giã người Nùng sử dụng chày giã bằng gỗ dài. Cối được người Nùng sử dụng giã gạo làm bánh hoặc có khi giã lúa, bắp...

+ Cối xay bằng đá:

Cối gồm hai bộ phận: cối đá và chân máng bằng gỗ. Cối đá gồm hai tấm thớt tròn: thớt trên và thớt dưới, ở giữa có trục nối hai tấm thớt lại với nhau xay nghiền hạt, tương tự loại cối đá xay bột của người Việt sử dụng. Phần máng bằng gỗ ở dưới cối. Được làm từ thân gỗ tròn. Người ta xẻ đôi thân gỗ, cắt lấy một đoạn dài khoảng 1m khoét cong theo thân gỗ hình lòng máng, một đầu chừa lại làm đáy, một đầu khoét rỗng để trút hạt hoặc bột ra. Đây là loại cối được các dân tộc miền núi phía Bắc sử dụng, được người Tày đưa từ quê hương vào Đồng Nai sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là hiện vật sinh hoạt truyền thống của người Tày, Nùng ở Đồng Nai.

+ Nồi đáy tròn:

Một bộ phận người Nùng quê ở huyện Tĩnh Túc, tỉnh Cao Bằng có truyền thống sử dụng nồi nấu bằng nhôm tự gò lấy. Nồi có hình tròn như trái bí, đáy và thân đều tròn. Miệng nồi tròn nhỏ, có nắp đậy thấp. Đây là loại nồi do các gia đình tự gò lấy bằng nhôm máy bay rất dày và nặng. Những bộ nồi của các gia đình này có đủ cỡ: từ lớn nhất, lớn vừa, trung, nhỏ... Tùy theo nhu cầu sử dụng cho số lượng người ăn mà người ta nấu cơm hoặc đồ ăn vào loại nồi nào. Loại lớn có thể nấu khoảng 5kg gạo, loại nhỏ nhất khoảng 0,5kg, nồi nhỏ có thể sử dụng để kho thịt, cá...

+ Lưỡi thép:

Đây là loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người Nùng có thể rèn lấy lưỡi thép cắt lúa tương tự như lưỡi hái của người Việt. Lưỡi thép nhỏ gắn vào một đoạn cây để làm dụng cụ cắt lúa. Dụng cụ này ngày nay ít được người Nùng sử dụng mà dần dần thay thế bằng liềm của người Việt trong việc gặt lúa.

+ Dao phát:

Đây là loại dao đặc trưng của người Nùng. Dao có lưỡi dài được người Nùng đặt rèn để sử dụng, khác với dao của người Việt. Dao có thể chặt cây lớn, xắt cây chuối hoặc băm rau để nấu cám heo.

+ Giỏ đeo vải:

Người Nùng và Tày có tục lệ đeo giỏ bằng vải để đựng quần áo hoặc đồ đạc nhỏ gọn khi đi xa. Giỏ được may theo hình chữ nhật, trên may đính quai để quai lên vai. Giỏ thường may bằng vải một màu đen hoặc xanh, đôi khi người ta may ghép ở hai góc đáy bằng một loại vải bông khác màu để trang trí cho giỏ.

+ Tấm địu trẻ con:

Phụ nữ Tày và Nùng có tục địu trẻ con sau lưng trong khi làm việc hoặc ru cho trẻ ngủ. Tấm địu được may bằng vải phần chính hình tam giác, các đầu may đính sợi dây vải bản lớn để thắt vào thắt lưng của người địu trẻ. Trên tấm vải tam giác, người ta trang trí một tấm vải dệt thổ cẩm với hoa văn hoa 4 cánh tròn (giống hoa mai) xen kẽ những hoa văn hình học màu đỏ, xanh lá cây, trắng, hồng, vàng rất sặc sỡ, nổi bật trên nền vải màu đen hoặc xanh dương. Đây là một trong những hiện vật truyền thống rất dặc trưng trong sinh hoạt gia đình của người Tày và Nùng.

+ Nhạc cụ:

Vào dịp lễ hội, người Nùng sử dụng một số loại nhạc cụ như: mõ, trống, chiêng, tù và, chuông, khánh... để làm lễ cúng. Những dụng cụ này được thầy cúng sử dụng trong nghi lễ mang tính chất cầu an cho gia đình và cộng đồng. Cũng có khi nghi lễ được thầy cúng sử dụng trong đám tang hoặc chữa bệnh.

Người Tày và Nùng là hai dân tộc sống cộng cư trên một địa bàn vì vậy, quá trình sống đan xen, tiếp thu văn hóa, đã tạo nên những sản phẩm văn hóa vừa đặc trưng vừa mang tính chất giao lưu với nhau.

Có thể nói, bên cạnh văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Tày, Nùng cũng khá phong phú và đa dạng. Tất cảđã góp phần tôn vinh thêm vẻ đẹp tự nhiên cũng như bản sắc văn hóa riêng biệt cho hai dân tộc này nói riêng vàđiểm tô cho văn hóa các dân tộc địa phương nói chung ở Đồng Nai thêm nhiều màu sắc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.