Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Vài nét về phong tục tang ma của người Mường

Bài đăng

Vài nét về phong tục tang ma của người Mường

Người Mường cư trú cư trú chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, đặc biệt người Mường cho rằng Hòa Bình là quê hương vì tổ tiên của mình có từ thời đẻ đất, đẻ nước vào thời xa xưa. Vì vậy người Mường có sử thi thần thoại rất nổi tiếng là Đẻ đất, đẻ nước, sử thi kể rằng các trứng đẻ ra các loài trong đó có một trứng đặc biệt đẻ ra con người đó là người Mường và họ đã sinh sôi, phát triển lan tỏa đi các nơi trên đất nước Việt Nam và dân tộc này có mặt ở khắp 53 tỉnh thành.

Người Mường di dân vào Nam khoảng thời gian từ sau hiệp định Genève (1954), thời kỳ giặc Pháp chiếm đóng nước ta. Theo thống năm 1996, tổng số người Mường ở Đồng Nai là 2.673 người, cư ngụ đông nhất ở xã Phú Túc, huyện Định Quán. Số còn lại rải rác ở các huyện: Xuân Lộc, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Thống Nhất… Người Mường ở Đồng Nai chủ yếu sống bằng nghề nông, số hộ buôn bán và làm các nghề khác không đáng kể. Họ định canh định cư, chủ yếu trồng lúa nước, ngoài ra bà con còn trồng rau xanh, cà, bí, đậu xanh… Một số hộ có rẫy xa nhà thì trồng cà phê, điều, bắp, đậu… Hầu hết, các gia đình người Mường nào cũng chăn nuôi gia súc: trâu, bò, heo, gà, vịt. Một số đánh cá trên sông La Ngà vào lúc nông nhàn.

Văn hóa truyền thống dân tộc Mường rất phong phú và đặc sắc, theo nhiều nhận xét thì văn hóa người Mường có nét tương đồng với người Việt trong đó việc thờ cúng tổ tiên, các bậc sinh thành rất được xem trọng. Hàng năm, mỗi gia đình đều cúng giỗ người đã khuất với thái độ tôn kính, người con trai cả phải đảm đương nhiệm vụ nặng nề này và các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên ở vị trí trang trọng giữa nhà.

Khi một gia đình có ông bà, cha mẹ bệnh già ốm yếu, ngoài việc chữa chạy thuốc men, họ hàng và cả những người thân thiết cùng nhau góp gà, góp rượu với gia đình để cúng vía, gọi là vía sửa quan tài tức là mướn người giỏi tay rìu để khoét đẽo, làm mộng quan tài. Có những trường hợp sau khi cúng vía thì người già khỏe trở lại, sống lâu dài. Nhưng cũng có khi không qua khỏi. Khi tắt thở, con cháu giữ cho hai tay người chết buông dọc theo thân mình, lấy vải trắng che mặt lại. Họ luộc một quả trứng, nấu ít gạo nếp, một banh rượu làm cỗ thắt nghỉ (tắt thở). Họ cầm con dao gõ lưng dao xuống ngưỡng cửa ba cái và kêu gọi “Khổ lắm nhà mình đằng này bố (hay mẹ) ơi”. Sau đó, các già làng cho nổi trống báo động có người chết (khác với người Nùng cho thổi tù và, ở một số nơi người Hoa và người Việt cho đánh chiêng) mời các chức việc trong làng tới bàn việc phân công và huy động đóng góp gạo, tiền tương thân tương ái với nhà có tang. Một bộ phận được phân công đi đào huyệt, một bộ phận được cắt cử chuẩn bị khiêng đòn đám ma, những người khác lo việc tiếp tân... Trong cộng đồng Mường, gia đình có tang là người nghèo đều được làng xóm tận tình giúp đỡ, lo việc tang lễ rất đàng hoàng.

Thầy mo coi giờ tốt, định việc lau rửa, khâm liệm thi hài thường sau khi chết ba, bốn tiếng thì làm lễ nhập quan. Bàn thờ người chết dựng cây mía cả ngọn, mỗi bữa đều cúng cơm. Thầy mo thường làm lễ từ xẩm tối trở đi, tùy theo địa vị vai vế người chết mà thầy có bài cúng phù hợp. Hồn ma theo lời hát cúng mà phiêu diêu ngắm cảnh quê hương rồi lên trời gặp tổ tiên, được phán xét (tốt, xấu) rồi lại ngược về nghĩa địa nhưng không được về nhà.

Vấn đề ăn uống trong tang ma, thức ăn chủ yếu là xôi thịt, phụ vào là chuối cây bóc lớp ngoài, thái khoanh nấu với nước luộc thịt, lá lốt, thịt trâu hoặc bò và cho thêm nước khẹ (loại nước lấy từ ruột non của trâu bò, thêm sả tạo hương vị), cách dùng canh khẹ là một thứ văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mường. Các bữa trong đám ma thường gọi theo tên theo nghi lễ, ví như cho hồn đi nhìn gọi là bữa nhìn, đưa hồn lên trời gọi là bữa mo lên trời,… con cả phải lo bữa đìm là bữa cuối cùng, còn gọi là bữa về rừng. Thông thường, tang chủ yêu cầu thầy Mo làm hết các thủ tục của mo như: khấn nổ, đẻ gươm, cuông xống áo, đẻ khót đến làm các thủ tục cho hồn như đi nhìn để nhận họ hàng Bên Ma, lên trời để đối kiện, chuộc số, xin đuông, đi chợ mua sắm, sau cùng thì Mo kể chuyện cho hồn và mọi người nghe về sử thi Đẻ đất đẻ nước gọi là Mo cliêu.

Đối với âm nhạc, chiên và trống đồng chỉ có giai điệu nhất định, riêng kèn, trống con có từng bài theo từng lúc hành lễ. Ngoài ra, còn có ban nhạc với đàn cò (nhị), sáo,…

Trước kia, số thanh niên trai tráng được phân công khiêng quan tài từ nhà ra tới nghĩa địa; nay bà con ở Phú Túc đã sắm được xe tang. Trong thời gian này cũng là lúc thợ mã làm nhà xe (nhà táng) để úp quan tài, che mồ mả. Lễ tang diễn ra từ hai đến ba ngày, sau đó tổ chức đưa đám. Tương tự người Việt, con trai hoặc con gái người chết đội mũ rơm (mũ mấn), mặc áo dài xô không viền gấu, các anh chị em hay cháu chắt chít khăn tang màu trắng. Con, cháu ruột nằm lót đường ở cửa để quan tài khiêng qua bên trên. Con trai thì cầm dao đi rừng, con gái cầm quạt và ống nước bằng bương, theo sau thày mo và quan tài ra nghĩa địa. Ống nước đặt ở phía chân mả. Người Mường Hòa Bình để một vài ống nước, còn người Mường Phú Thọ thì phải đủ nam bảy ống, nữ chín ống dùng vào lễ mở cửa mả (nay thay bằng bình để nước cúng)

Chôn cất được ba ngày, tang chủ làm lễ mở cửa mả. Sau bốn mươi ngày đêm thì làm lễ nộp kéo, lược. Ba tháng mười ngày sau lại làm lễ trăm ngày. Đủ ba năm, gia đình làm lễ đoạn tang (hết tang), những bộ quần áo tang đem đốt bỏ, trước đây lễ mãn tang tổ chức sau ba năm nhưng nay thường tổ chức luôn vào lễ một trăm ngày. Trong thời gian để tang, con cháu phải giữ lễ độ báo hiếu: không hát thường rang, không đi xắc bùa, không vùng vẫy dưới sông nước, không dựng vợ gả chồng, thường xuyên kiên không tắm nước lá bưởi, ngày chôn cất không dựng nhà, làm chuồng gà, lợn,…

Người Mường có tục cải táng như người Việt ở miền Bắc. Sau một số năm chôn cất, khi có điều kiện, gia đình bốc mộ người chết, lấy hài cốt chuyển sang tiểu sành và đem chôn lại ở địa điểm khác (có xem ngày giờ cẩn thận). Nấm mồ cải táng mới là ngôi mộ vĩnh viễn.

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường .- Nxb. Văn hóa dân tộc, 2015.

2. Mo lên trời: Bài ca đưa hồn người chết đến cõi vĩnh hằng - Tác phẩm tối cổ của dân tộc Mường. – Nxb. Văn học, 1994

3. Địa chí Đồng Nai, tập 5: Văn hóa – xã hội. – Nxb. Đồng Nai, 2001

Như Quỳnh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.