Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Y học dân gian của đồng bào Chơ Ro ở Đồng Nai

Bài đăng

Y học dân gian của đồng bào Chơ Ro ở Đồng Nai

Người Chơ Ro là một trong những cư dân có mặt sớm nhất trên vùng đất Đồng Nai. Tập trung cư trú ở các huyện, thị: Long Khánh (xã Xuân Vinh, xã Xuân Bình, xã Bàu Trâm, xã Hàng Gòn) ; huyện Xuân Lộc (xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Xuân Thọ); huyện Định Quán (xã Túc Trưng); huyện Vĩnh Cửu (xã Phú Lý); huyện Long Thành (xã Phước Bình); huyện Thống Nhất (xã Xuân Lộc, xã Xuân Thiện). Riêng ở thành phố Biên Hòa, hiện nay có một số ít người Chơ Ro đến sinh sống, chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi đi học hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp.

 Sống trong môi trường rừng núi, nhiều thực vật, người Chơ Ro đã nhận biết những dược tính của thực vật để sử dụng trong chữa bệnh thông thường. Chắc chắn, những tri thức này được tích lũy qua nhiều thế hệ và được sử dụng khi điều kiện y tế trước đây không có.

Khi cảm sốt thông thường, người Chơ ro sử dụng một số lá hay rễ cây rừng như ổi, sả, chanh, mía...để nấu nước xông hơi. Đ chữa chứng đau bụng, người Chơ ro dùng củ gừng hay lá ổi hoặc vỏ cây bằng lăng nướng và đun ly nước để uống. Đọt mây được nướng ăn đ chữa chứng đầy bụng hay giải độc rượu. Khi bị những con vật như rết cắn, người Chơ ro lấy lá hôi (la h’vang) nhai hoặc lẩy mủ cây đu đủ đắp vào vết thương. Trường hợp bị gãy tay, người Chơ Ro ở xã Túc Trưng dùng nghệ vàng, nghệ đen, lá cây bìm bịp làm ổ (la pa nhau woai) và xác gà con (nở dưới năm ngày) giã trộn đều để bó vào vết thương.

Đặc biệt, khi người phụ nữ trong thời kỳ sanh đẻ, nuôi con, một số lá cây rừng được người Chơ Ro hái lá mũi trâu (la muh capu), lá wuê la wuê nấu cho người phụ nữ tắm. Lá H’vâm thì nấu lấy nước uống để thải các chất dịch sau khi sinh, tăng cường sức khỏe cho bà mẹ.

Cây sâm đất được người Chơ Ro nhổ đem về nấu nước uống giải nhiệt và ngâm rượu uống chống nhức mỏi, giảm đau của bệnh thấp khớp. Đặc biệt, trong vùng rừng người Chơ Ro sinh sống, có một loại cây mật nhân được người Chơ Ro dùng cả thân, rễ để ngâm rượu chữa bệnh. Khi chặt thân cây hay lấy rễ, người Chơ Ro đem băm nhỏ, phơi khô và ngâm rượu. Tuy nhiên, để nhằm khai thác những dược chất của loại cây này, người Chơ Ro thường khai thác vào các tháng giữa năm tính theo lịch âm. Đây là loại cây mà các nhà khoa học hiện nay đang nghiên cứu và cho rằng là dạng cây Bá bệnh - cách gọi của người Kinh. Dược chất từ thân rễ cây này được các nhà khoa học nghiên cứu có tính tăng cường đề kháng. Người Chơ Ro chỉ sử dụng trong việc ngâm rượu đ sử dụng.

Bên cạnh khai thác củ nghệ để chữa bệnh bao tử, mật ong rừng được người Chơ Ro khai thác và xem như một dược chất quý hiếm để chữa nhiều thứ bệnh: tăng cường bồi bổ cơ thể, chữa đau bao tử, đường ruột... rất hiệu quả.

Rượu cần là một dạng thức uống nhưng cũng là một phương thuốc cha bệnh nếu dùng đúng cách; đặc biệt là hỗ trợ tiêu hóa. Người Chơ Ro đã nhận biết các dược chất từ các loại rễ, vỏ, lá... cây để làm men rượu.

Có thể khẳng định rằng, những kinh nghiệm trong việc khai thác các loại thực vật, sản vật từ rừng để chữa bệnh của người Chơ Ro có những điểm tương đồng trong khai thác của các dân tộc ở thiểu số cư trú tại Đồng Nai như X’tiêng, Mạ,....

Hiện nay, được sự quan tâm của tỉnh nhà đến các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chơ Ro nói riêng, điều kiện sinh sống của đồng bào được cải thiện rất nhiều. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất của ngành y tế cũng như nhân lực đến cấp cơ sở như: các trạm y tế, y bác sĩ đồng bào bị bệnh được chữa trị nhanh chóng và kịp thời. Nhiều bệnh nhân được cứu sống, trẻ em được tiêm phòng nên ít mắc bệnh hơn. Ngoài hệ thống y tế, bác sĩ của nhà nước còn có các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, phòng khám, phòng mạch tư nhân, góp phần đảm bảo hơn cho đời sống sinh hoạt của đồng bào. Vì thế, người Chơ Ro cũng đã ít khai thác, sử dụng thực vật, sản vật từ rừng trong điều trị bệnh. Người Chơ Ro đã quen dần và thích nghi trong việc tìm đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh khi có nhu cầu. Một số phương thuốc khai thác dân gian đã bị mai một. Tuy vậy, các cây thuốc dân gian được khai thác từ rừng của đồng bào Chơ Ro vẫn cần được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kỹ hơn đế bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại. Đồng thời, sáng chế và sử dụng thuốc nam ngày một hiệu quả, tiết kiệm kinh phí hơn trong cuộc sống hiện đại.

Có thể nói rằng dược phẩm từ môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Kinh nghiệm của đồng bào dân tộc Chơ Ro trong lưu truyền và sử dụng các cây thuốc nam rất đáng được coi trọng. Tuy nhiều bài thuốc dân gian đã bị mai một, nhưng với sự chung tay góp sức của chính quyền, người dân và đồng bào thì các bài thuốc dân gian sẽ được lưu truyền và được ứng dụng tốt hơn trong chữa bệnh ở xã hội hiện đại. Hy vọng, nhiều bệnh nhẹ như cảm cúm, ho, đau đầu, sốt, viêm soang,… sẽ được chữa khỏi bởi các dược liệu thuốc nam trong tương lai.

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.