Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Đặc điểm văn hóa vật thể người Chăm ở Đồng Nai

Bài đăng

Đặc điểm văn hóa vật thể người Chăm ở Đồng Nai

Người Chăm ở Đồng Nai là một bộ phận của người Chăm Nam bộ, đa số có nguồn gốc từ Campuchia, An Giang, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh cư trú tại Xuân Hưng,huyện Xuân Lộc từ năm 1972 (do chính sách gom dân của chính quyền Sài Gòn). Một số khác đến cư trú sau năm 1975. Cộng đồng người Chăm ở Bình Sơn,huyện Long Thành định cư từ năm 1975 (có nguồn gốc từ Châu Đốc- An Giang), trong đó có khoảng hơn 10 hộ đến Bình Sơn từ những năm 1949. Tôn giáo người Chăm ở Đồng Nai là đạo Islam (Hồi giáo).

Kinh tế của người Chăm chủ yếu làm nông nghiệp. Người Chăm trước đây làm nghề rừng, công nhân cao su, chặt cây đốt than củi là chính. Sau này khi cây rừng đã cạn, đại bộ phận chuyển sang làm ruộng, trồng lúa, khoai, đậu... Hiện nay đa số sống bằng nghề trồng lúa nước. Ngoài vụ lúa, bà con còn trồng thêm các hoa màu phụ như bắp, khoai lang, mì, rau, dưa hấu, dưa leo, các loại đậu và cây công nghiệp... Một số ít buôn bán, đi làm mướn, thợ thủ công, nội trợ và nghề tự do buôn bán dạo. Ngoài làm nông nghiệp, công nhân cao su, người Chăm còn chăn nuôi trâu, bò, gà vịt và đào ao nuôi cá... (Người Chăm theo đạo Islam, họ cho con heo là động vật dơ bẩn nên tuyệt đối không chăn nuôi heo).

Nhà ở của người Chăm ở Xuân Hưng đa số là nhà sàn, còn người Chăm ở Bình Sơn chủ yếu là nhà trệt với diện tích nhỏ hẹp. Những năm gần đây, nhà nước cùng các cấp ngành hỗ trợ người Chăm ở Bình Sơn quy hoạch xây dựng thành khu dân cư sống tập trung ở ấp 6, xã Bình Sơn, huyện Long Thành.

Người Chăm ở Đồng Nai vẫn duy trì phong tục tập quán của dân tộc. Họ mặc trang phục truyền thống khi sinh hoạt trong cộng đồng, đặc biệt khi đến thánh đường cầu nguyện. Đàn ông mặc áo ngắn cheva kiểu 4 túi, cổ đứng và quấn xà rông, đầu đội nón chụp (nón kaper) màu trắng hoặc đen.

Phụ nữ Chăm thường mặc kiểu áo dài truyền thống may bít hai tà (ao tăh), cổ đứng ôm sát lấy cổ người mặc, ở giữa xẻ đinh xuống thân áo giống như cổ chìa khóa. Áo dài tăh dùng trong dịp lễ hội, đi đến thánh đường hoặc dự tiệc cưới. Thường ngày phụ nữ Chăm mặc bộ áo ngắn bằng vải hoa (tay dài hoặc ngắn), váy dài phủ chân. Nếu ở trong nhà, người phụ nữ đội chiếc nón chụp (nón kaper) bằng vải mềm có màu tối thêu hoa văn ở phía trước. Nón chụp của phụ nữ được may ôm gọn lấy đầu tóc của họ, đặc biệt phía sau nón may thung để ôm đỡ lấy búi tóc sau gáy. Đây là điều quy định trong giới luật Hồi là người phụ nữ không được để lộ khuôn mặt và mái tóc cho người khác thấy. Khi ra đường, phụ nữ Chăm đội thêm khăn mờ-om để quân che kín khuôn mặt và mái tóc.

Đạo Hồi chi phối sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của người Chăm. Họ tôn thờ Đấng Allah và nhà tiên tri Mohamed. Mỗi ngày, người Chăm đến thánh đường hoặc cầu nguyện tại nhà 5 lần. Do vậy văn hóa người Chăm ở Đồng Nai mang những đặc trưng ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo ở Đông Nam Á và trên thế giới. Họ tuân thủ nghiêm ngặt các giáo luật Hồi: ăn chay, cầu nguyện, bô thí cho người nghèo và ao ước đi viếng thánh địa Mécca ít nhất một lần trong đời (khi có điều kiện).

Trong hai năm 2003 — 2004, cơ quan chuyên môn đã tiến hành sưu tầm hiện vật (kể cả vật chất và tinh thần) của đồng bào Chăm trên địa bàn hai huyện Xuân Lộc và Long Thành, nơi có các cộng đồng Chăm sông tập trung.

Có thể phân loại bộ sưu tập hiện vật văn hóa Chăm đã sưu tầm như sau:

Sưu tập hiện vật sinh hoạt sản xuất và hoạt động săn bắt gồm có: rìu (chồn), búa (k'pặk), cưa (tà kệh), rựa (tà căk), cày (là ngành), cào (kưn gơk), ống tỉa lúa (dinh chụk tài), cây chọc lỗ (cày boh), cối (là sông), chày (lau), thúng (là-y), nia (chà ngoa), bồ đựng lúa (là tăng chèk fà tài), vò đựng nước (pủ chek e mờ nhum), giỏ đựng cá (t' roh), rộng cá (t' rùng), lợp bắt cá (t' gò), duỗi bắt cá (sà neng), giỏ đựng cá (pài chè kan), ống thổi cò ngãng (diêng trà gặm), lưới bẫy cò ngãng (càng tựìig), lồng chim (gùng chum), ông thổi bẫy cút (cLiêng wạ), ống thổi bẫy cuốc (diêng wổ), bẫy gà rừng (chung nút)... Những hiện vật sưu tầm được là rất quý, vì hiện nay, công cụ sản xuất của người Chăm đã ít nhiều ảnh hưởng văn hóa người Việt và các dân tộc khác, khiến chúng ta khó có thể phân định dấu ấn văn hóa tiêu biểu đặc thù.

Hiện vật sinh hoạt gia đình như: nồi đồng (cok kăng), mâm đồng (ta lưam ta panh), bình vôi (plu chu), ống ngoáy (kapeh), dao xiết cau (lakti), hộp đựng trầu cau (fa ôp la ha), khay trầu rượu (thăng)... Niên đại của những hiện vật này rất cao, đa số là đồ đồng có niên đại trên 100 năm.

Sưu tập trang phục gồm có: trang phục thường ngày, trang phục đám cưới, lễ phục. Cụ thể như: áo dài truyền thng (áo tăli), áo dài hành hương (áo dài hadji), áo che wa ngắn (Ja va), bộ trang phục cầu nguyện của phụ nữ (măc kha na), khăn trùm đầu nữ (khăn toăh), khăn đội đầu nữ (khăn mờ om), khăn trùm đầu nam (khăn Makali), chăn hung (váy cổ nữ) , váy kah (khăn kali), váy kelc (khăn kêk), váy pték (khăn pték), váy lượm (khăn thuòn), nón chụp (kaper), trang phục giáo cả (áo chu wăh), dây bịt đầu (vòng y kal)... Những hiện vật này rất tiêu biểu, đặc thù cho trang phục văn hóa Hồi giáo. Hiện vật được sử dụng tương đối lâu đời, một số có niên đại gần 100 năm (áo tăh, váy cổ). Chất liệu hầu hết bằng vải tơ tằm, lụa, sợi dệt kim tuyến...

Sưu tập hiện vật sinh hoạt tôn giáo như: chuỗi hạt (boh sa bếh), sách kinh Coran, kệ để kinh (la hơ), thảm quỳ cầu nguyện (khăn làn sa meng).

Hiện vật phong tục về đám cưới như: Sưu tập trang trí giường cưới cô dâu chú rể (tấm nhung thêu - tigai, tấm thêu chântigai chan kai gèh, rèm ren - tà làm nự tà gà, ngạch ren - ngècli ren, dây len trái cầu trang trí - gai bù lùng, gối hai mặt - ba tanh ma ta, gối dài 4 cạnh - ba tanh chung, phông trang trí - nham pach ngù là kha, màn trần - ngèch...), trang phục cô dâu chú rể, đồ trang sức cô dâu chú rể (vòng tay - kong ta nginh, băng cánh tay - ka pô pan ta nginh, yếm - sămko, vương miện - chuk, bông tai - pagik, dây thắt lưng, băng vai chéo ngực - pekpa...).

Hiện vật phong tục về đám tang như: cáng khiêng người chết (hanh đu), tấm vải phủ làm lễ tang (k'ma fi wông).

Ngoài bộ hiện vật thể khối, cơ quan chuyên môn còn sưu tầm được trên 200 ảnh tư liệu. Nội dung ảnh về sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm như: nhà ở, trang phục, sinh hoạt sản xuất, nghề thủ công rèn, mộc, đan lát, thánh đường Islam, sinh hoạt tôn giáo, dự lễ trong thánh đường, dự lễ thứ 6 tháng Ramadan, đám cưới, dám tang, chân dung nghệ nhân, chân dung các Hadji, Ban Giáo cả, lớp học tiếng Chăm, phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực Chăm...

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn còn tiến hành ghi âm được 10 bài hát về sinh hoạt tôn giáo cũng như bài hát dân ca, sử dụng trong đám cưới và sinh hoạt cộng đồng của người Chăm. Đặc biệt bộ ảnh và phim tư liệu về lễ Jum-át thứ Sáu tháng ăn chay Ramadan (tháng 9 Hồi lịch) tại thánh đường Hồi giáo.

Bộ sưu tập hiện vật phản ánh khá rõ nét về đặc trưng văn hóa của tộc người Chăm Islam ở Đồng Nai.  Hiện vật văn hóa vật chất người Chăm không những có giá trị về niên đại, giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, đặc biệt góp phần hoàn chỉnh dần các bộ sưu tập hiện vật về chuyên đề dân tộc học ở Bảo tàng địa phương nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày trong tương lai.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.