Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > TÍN NGƯỠNG - LỄ HỘI CỦA NGƯỜI MẠ

Bài đăng

TÍN NGƯỠNG - LỄ HỘI CỦA NGƯỜI MẠ

Theo các nhà nghiên cứu, người Mạ là tộc người đã có mặt rất sớm ở vùng miền Đông Nam Bộ, là cư dân bản địa của tỉnh Đồng Nai. Xưa kia họ đã lập nên một tiểu vương quốc của người Mạ ở khu vực Đồng Nai thượng nam Lâm Đồng, đại khái ranh giới phía Nam là sông La Ngà, phía Bắc là vùng Đức Trọng (Lâm Đồng), phía Đông giáp Bình Thuận, phía Tây giáp Bình Phước. Vương quốc Mạ nằm trên phần lớn cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc, nửa phía Bắc huyện Định quán và toàn huyện Tân Phú hiện nay.

Dân tộc Mạ là một cộng đồng người thống nhất, có tên gọi, ngôn ngữ, ý thức chung về tộc người của mình, tự phân biệt mình với các dân tộc láng giềng. Ngoài tộc danh thống nhất là Mạ, họ còn được gọi là Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ. Cộng đồng người Mạ trong quá trình tồn tại và phát triển của mình đã phân định thành một số nhóm địa phương – chủ yếu như Mạ Ngan (Mạ chính dòng), Mạ Xôp (người Mạ ở vùng đá phiến), Mạ Tô (người Mạ vùng thượng nguồn sông Đồng Nai), Mạ Krung (người Mạ vùng đồng bằng), Mạ Xrê (người Mạ làm ruộng)

Người Mạ không có nhiều họ như người Chơ-Ro. Họ phổ biến của người Mạ ở Đồng Nai là K’ (dành cho nam) và Ka (dành cho nữ). Tiếng nói của người Mạ và người Kơ Ho gần giống nhau, chưa có chữ viết riêng.

Người Mạ ở Đồng Nai hiện có 564 hộ với 2.577 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), đứng thứ 10 trong số hơn 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, hầu hết tập trung ở huyện Tân Phú và Định Quán và ngoài ra còn có một số xã khác như Phú Bình, Phú Sơn, Phú Tân…

Tín ngưỡng nguyên thủy của người Mạ là thờ đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh. Họ cho rằng chết là linh hồn rời khỏi xác về sống với tổ tiên và tiếp tục sống ở một thế giới khác. Họ tin vào một thế giới siêu hình tồn tại song song với thế giới thực tại mà họ đang sống. Thế giới siêu hình ấy là nơi tồn tại, ngự trị của các thần linh (đại diện cho điềm lành) và có cả ma quỷ (đại diện cho điều ác) có khả năng chi phối con người.

Các thế lực thiên nhiên mà họ không hiểu, không lý giải được thường được họ coi là thần. Người Mạ quan niệm về một vị thần tối thượng có tên là Yang Ndu. Vị thần vô hình này có tài năng siêu phàm, đóng vai trò quan trọng nhất. Trong các lễ cúng, người Mạ thường đọc lời khấn Yang Ndu trước tiên. Họ cho rằng vị thần này tạo nên thế giới rộng lớn, tổ tiên người Mạ được Yang Ndu dựng nên, giúp đỡ duy trì nòi giống cho đến nay. Nhờ Yang Ndu chỉ dẫn mà tổ tiên người Mạ biết làm rẫy, săn thú, dệt vải… được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Dưới Yang Ndu là hàng loạt các vị thần khác như Yang Koi (thần lúa), Yang Bri (thần rừng), Yang Dah (thần nước), Yang Bơnơm (thần núi), Yang Hiu (thần nhà), Yang Luh (thần đá)… Xuất phát từ quan niệm các thần linh có mặt khắp nơi, chi phối đến đời sống con người, người Mạ tổ chức rất nhiều lễ cũng khi ốm đau, làm nhà, ma chay, canh tác mùa vụ… Họ thường cúng các vị thần liên quan đến công việc của mình như đi săn thì cúng Yang Bri, cầu cho bắt được nhiều thú, làm nhà thì cúng Yang Hiu, mong nhà cửa yên ổn không bị bệnh tật, thu hoạch mùa vụ xong thì cúng Yang Koi…

Trong một năm, người Mạ có rất nhiều lễ cúng. Quan trọng nhất là lễ cúng Yang Bonơm và Yang Koi với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Yang Bơnơm thường được tổ chức cúng vào cuối năm âm lịch. Một ngon núi được xem là linh thiêng là nơi thần linh ngự trị sẽ được chọn để làm lễ. Người cúng là người có uy tín trong cộng đồng thay mặt dân làng hành lễ, cầu xin phúc đến trừ họa cho mọi người.

Lễ cúng Yang Koi là lễ cúng lớn nhất của người Mạ. Thời gian cúng thường vào tháng hai đến tháng ba âm lịch, khi mà người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng (tương tự lễ cúng Yang Va của người Chơ-ro). Trước đây lễ cúng được tổ chức tại nhà dài nhưng gần đây do kết cấu cộng đồng có sự thay đổi nên mỗi nhà tùy theo điều kiện tự tổ chức. Và đây cũng là dịp lễ tết của đồng bào Mạ.

Để tổ chức lễ cúng, đàn ông Mạ vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân trước nhà để hành lễ. Họ lấy hai cây tre non cao từ 3 đến 4 mét chẻ thành các nhánh được trang trí bằng những hình vuông với các chùm bông tua ra. Chính giữa cây tre cắm chùm bông cây mây tượng trưng cho bông lúa. Những hoa văn hình học trên các vật trang trí thể hiện qua các tay dan, các dây kết nối từ gốc đến ngọn chẻ thẳng lên trời cao. Cây tre được phân chia thành nhiều nấc với các hình vuông, tròn bao trùm và tỏa xuống dưới gốc có nhiều dây trang trí hình tượng con dê bằng lạt tre rất sinh động. Hai cây tre này được chôn trước sân, ở mỗi bông xòe ra cài một chén cơm nhỏ. Dưới gốc tre là những chóe rượu cần được bày sẵn. Lễ vật tùy theo điều kiện kinh tế của buôn làng, già làng đứng ra làm chủ tế. Ở từng hộ riêng, tùy khả năng mà gia chủ giết gà, vịt hay heo, dê, trâu để làm lễ cúng và gia chủ tự cúng tại gia đình, không mời thầy Cúng hoặc bà Bóng.

Lời khấn vái có nhịp điệu, tiết tấu, nội dung cụ thể và không có tinh van lơn như lời khấn của người Kinh: “Ơ Thần Lúa ! Lúa dưới nước, dưới bùn hãy về nhà tôi ăn gà, vịt với tôi. Đây là lần cuối tôi thu hoạch được mùa trong năm. Tôi lạy Thần Đất, Thần Lúa đã cho tôi thu hoạch được mùa vừa qua”, hoặc “Năm nay tôi uống mừng lúa. Tôi cúng heo cho Thần Lúa mong cho có lúa ăn đừng hết. Tới năm sau làm nữa thì có nữa. Mong Thần Lúa đừng làm cho tôi đói, tôi làm rẫy có cơm ăn. Tôi mời Thần Lúa ăn con heo, uống rượu, ăn cơm nết. Tôi mừng Thần Lúa. Tôi ăn đến mùa tới. Sang năm tôi lại làm ba lần cho Thần Lúa ăn. Trước tháng 4 cúng con gà. Bắt đầu tháng 7 cúng Thần con vịt. Tháng 11 tôi có nhiều lúa, tôi cúng Thần Lúa con heo. Năm nay Thần Lúa cho tôi ăn, tôi làm nữa để lại có cơm ăn…”.

Thực hiện nghi thức tế lễ là vài ba vị già làng có uy tín, kinh nghiệm. Sau khi các già làng thực hiện xong những nghi thức hiến sinh (đọc lời khấn cúng thần linh, ông bà tổ tiên, đàn trâu, bò, dê…), bên cạnh đống lửa to giữa sân lễ, đồng bào nhảy múa, ca hát, biểu diễn các loại nhạc cụ, các trò chơi dân gian, mời nhau uống rượu cần, ăn thịt nướng, các loại bánh, thức ăn… đã được các gia đình chuẩn bị trước từ nhà và mang đến chung vui. Không khí lễ hội thật tưng bừng, rộn rã. Các buôn làng lân cận cũng được mời đến tham dự. Người Mạ có tục “chia thịt” cho các thành viên trong cộng đồng. Trong lễ đâm trâu, thịt của các con vật hiến sinh một phần được dùng nấu, nướng để người tham gia lễ hội cùng ăn, phần còn lại cắt ra thành từng miếng nhỏ và xâu vào trong que tre để chia cho từng gia đình trong làng. Thông thường, sau ba ngày, lễ hội kết thúc nhưng các vị lớn tuổi trong làng ăn uống cho tời ngày thứ bảy mới thôi.

Theo truyền thống, lễ hội Yang Koi kéo dài đến 3 ngày đêm, có khi cả tuần lễ chủ yếu là các hoạt động vui chơi của thanh niên. Nhưng ngày nay, việc tổ chức lễ hội thường chỉ diễn ra trong một ngày đêm. Dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn trước đây nhưng lễ cúng Yang Koi vẫn được tôn trọng trong đời sống tâm linh dân tộc Mạ. Đây là lễ cúng mà người Mạ quan niệm rằng vị thần này liên quan trực tiếp đến lương thực của cuộc sống cộng đồng họ.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.