Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Văn hóa ẩm thực của người S'tiêng ở Đồng Nai

Bài đăng

Văn hóa ẩm thực của người S'tiêng ở Đồng Nai

Do điều kiện sinh sống trong rừng nên thực phẩm của người S’tiêng rất phong phú. Ngoài những sản phẩm khai thác từ thiên nhiên như thú rừng, chim, cá, rau rừng,… người S’tiêng còn tự nuôi trồng sản xuất được nhiều thực phẩm khác. Trong bữa ăn hằng ngày, gạo là lương thực chính của đồng bào. Ngoài ra, còn có các loại như bắp, khoai, sắn... Bên cạnh đó, để cải thiện bữa ăn, người S'tiêng khai thác từ nguồn động vật, thực vật trong môi trường tự nhiên để chế biến các loại thức ăn. Các món ăn của người S'tiêng rất đa dạng, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đồng thời thể hiện cách ứng xử linh hoạt, sáng tạo của họ đối với con người trong cộng đồng, trong khai thác môi trường, đối với thần linh trong các hoạt động lễ hội liên quan. Món ăn cụ thể gồm:

Cơm ống: là cách gọi quen thuộc về loại cơm được nấu từ ống tre; đây cũng là món cơm độc đáo của các dân tộc bản địa ở Đông Nam Bộ. Nguyên vật liệu chế biến chủ yếu là gạo (nếp hoặc tẻ), đậu xanh. Người S'tiêng cho gạo đã rửa sạch và lượng nước vừa đủ vào ống tre nấu trên lửa và vùi trong than hồng. Khi ống cơm đã chín, người ta để nguội, tước bớt vỏ ngoài để cất cho tiện lợi. Khi nào ăn, chỉ việc chẻ phần còn lại của ống tre và lấy cơm ra ăn. Cơm có mùi vị đặc biệt và rất thơm ngon bởi mùi vị của cơm nếp, các loại đậu và cả mùi phấn của ruột ống tre. Cơm được ăn với các thức ăn khác hoặc chỉ dùng với những loại muối chấm.

Cơm ống rất tiện lợi và phù hợp với điều kiện lao động sản xuất của cư dân S'tiêng. Khi đi làm xa nhà, họ có thể mang theo nguyên liệu, khi cần có thể chế biến ngay tại chỗ, cũng có thể chế biến sẵn ở nhà để mang đi. Trong các hoạt động lễ hội, đồng bào thường dùng cơm ống để làm lễ vật và làm thực phẩm.

 

Các món ăn chế biến từ động vật: Từ khai thác động vật, chủ yếu từ chăn nuôi, săn bắn, người S'tiêng chế biến các thức ăn phục vụ cho nhu cầu hằng ngày. Ngoài cách chế biến luộc, xào, chiên như cộng đồng dân tộc khác, người S'tiêng có cách nướng, nấu và muối khá độc đáo. Cụ thể như:

Các món nướng: Thịt động vật được nướng trên than lửa là cách thức chế biến khá thông dụng, đơn giản mà người S'tiêng hay sử dụng. Để có món thịt động vật trở thành món nướng ngon thì thú rừng được săn phải còn sống. Người S'tiêng có hai cách nướng thịt. Một là nướng nguyên con. Sau khi làm thịt lấy đồ lòng, làm sạch lông (tùy theo loại thú) để nguyên hình dạng nướng trên than đỏ. Quá trình nướng này phải có người túc trực để quay, lật con vật cho chín đều. Sau khi thịt chín thì đem cắt ra từng miếng để sử dụng, Hai là nướng xiên que, thịt thú được cắt ra từng miếng nhỏ vừa (có thể ướp gia vị) xâu vào các que tre và nướng trên than đỏ. Quá trình nướng phải có người túc trực để đảo các que cho thịt chín đều, không bị cháy. Thịt nướng chín tùy theo cách thức đãi khách (cho vào đĩa hay lá chuối) hoặc đưa nguyên cây xiên thịt cho người sử dụng. Tùy theo các món thịt được nướng mà khi sử dụng thêm gia vị cho có độ ngon.

Thú rừng săn được đều có thể làm món nướng như: gà, cheo, nhím, thỏ, nai, khỉ, dọc, chồn hay các loại chim... Nhưng, hai món nướng chính mà người S’tiêng sử dụng tại nhà, trong các dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng sóc, ấp là thị heo nướng, thịt trâu nướng. Ngoài những món nướng từ thịt động vật, người S’tiêng nướng các loại cá, chủ yếu là loại cá lớn. Tùy loại cá mà có thể nướng trực tiếp trên than hay xâu que. Nếu ở nhà, cá sau khi đánh bắt về được làm sạch, xâu vào cây thành từng xâu dài nướng trên than đỏ. Khi nướng cá, người S’tiêng không tẩm ướp gia vị. Cá nướng được ăn với các loại gia vị như muối, ớt, tiêu. Tùy theo các loại cá mà có hương vị đặc trưng. Món cá nướng chủ yếu phục vụ các bữa ăn hằng ngày, ít thấy dùng trong các dịp lễ hội cộng đồng.

Các món nấu: Thịt thú rừng săn bắt được người S’tiêng dùng nấu để tạo thêm những thức ăn cho gia đình. Ngoài cách thức luộc chín để ăn (với gia vị) khi sử dụng, người S’tiêng dùng nấu kết hợp với các nguyên liệu khác (rau, củ, quả) để ăn. Một số món nấu từ thịt động vật truyền thống của đồng bào như: Canh ruột cheo măng chua, Canh thịt trâu lá nhíp, Canh thịt ba ba bột gạo, Canh thụt, Canh bồi.

Món thịt muối: Thịt động vật ngoài cách chế biến các món nướng, luộc, người S’tiêng còn làm món thịt muối, đặc biệt là thịt heo rừng muối. Thịt heo rừng được xắt thành nhiều miếng mỏng, ướp với muối. Dùng một sợi dây mây đã vót nhọn một đầu xâu các miếng thịt lại, cuộn tròn, ban ngày đem phơi nắng, ban đêm để trên gác bếp. Sau 10 ngày đến 15 ngày là thịt heo rừng vừa khô và hấp được chất muối vào trong thì dùng được. Đây là một món ăn dân dã và tiện dụng cho người S’tiêng khi sử dụng ở nhà hoặc đi săn, đi rẫy với thời gian kéo dài.

Mắm bò hóc: loại thức ăn dùng hàng ngày. Khi bắt được nhiều cá đồng bào chế biến thành mắm để sử dụng trong năm. Các loại cá nước ngọt, chủ yếu là những loại cá nhỏ làm sạch, phơi khô. Sau đó, cho vào ống tre dùng cây thụt cho nát đều. Dùng xơ khô quả mướp đậy nắp ống và tro phủ kín giữ không bị các loại ruồi, nhặng. Các ống tre đựng mắm để lên trên gác bếp trong một thời gian và đem dùng ăn trực tiếp với cơm. Mắm cũng có thể làm gia vị cho các món canh, đồ nấu khác hoặc có thể làm nước chấm với những món ăn khác (như chấm rau, thịt, củ).

Các món ăn chế biến từ thực vật: Cuộc sống của người S’tiêng luôn gắn liền với rừng núi, sông suối, nên thực phẩm từ thực vật rất phong phú và đa dạng như: Măng tre rừng ở địa bàn người S’tiêng rất nhiều, phát triển nhanh vào mùa mưa. Đồng bào đào củ măng và chế biến thành nhiều món như: luộc, xào, măng kho, nấu canh hay ngâm chua ăn quanh năm. Đọt mây nướng : Phần ngọn non của dây mây được làm sạch, róc lá, nướng lửa than. Đọt mây ăn riêng hay chấm với muối hoặc ăn với món lá nhíp, ban đầu có vị đắng nhưng ngọt về sau.

Ngoài hai món ăn trên, những loại rau rừng được người Xtiêng sử dụng luộc hay chế biến chung với thịt động vật để tạo thành các món ăn khác khá thông dụng như canh. Các món ăn khai thác từ thực vật chế biến đơn giản, nhanh và thuận tiện.

Thức uống của người S’tiêng: Thường ngày, đồng bào S’tiêng uống nước lã đựng trong các ông nứa và võ bầu khô. Đặc biệt, đồ uống mà đồng bào thích uống đó là rượu cần. Rượu cần là thức uống độc đáo trong ẩm thực của người S’tiêng. Nguyên liệu chế biến từ gạo và các loại cây, lá, rễ... có sẵn trong môi trường tự nhiên. Rượu cần được dùng trong dịp gia đình có những sự kiện trọng đại hay các dịp lễ hội mang tính chất cộng đồng. Rượu cần của người S’tiêng có hai loại: rượu cần đắng và rượu cần ngọt.

Nói tóm lại, trong cuộc sống thường nhật, người S’tiêng ăn cơm tẻ, cơm nếp, thực phẩm thường ngày chủ yếu là những thứ kiếm được trong rừng và sống suối. Họ thích ăn đồ nướng và đồ sống. Thức uống thường ngày của người S’tiêng là nước lã đựng trong các ống nứa và võ bầu khô. Rượu cần là thức uống được ưu thích và được dùng trong các dịp vui trong gia đình, dòng họ, buôn làng. Ẩm thực của đồng bào S’tiêng khá đơn giản nhưng thích ứng tốt nhất với môi trường sống xung quanh. Từ cuộc sống du canh, du cư chuyển sang cuộc sống định cư, nuôi trồng và giao thương với tộc người khác đã làm cho cuộc sống sinh hoạt của đồng bào được cải thiện rất nhiều. Đồng bào đã có cơm ăn áo mặc, cuộc sống no đủ, trẻ em được đến trường học tập, được hưởng những lợi ích về y tế, văn hóa, xã hội,… Thật là tốt biết bao!

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.