Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > BIỂU TƯỢNG LINH VẬT SƯ TỬ ĐÁ- CHÓ ĐÁ CANH CỔNG CỦA NGƯỜI HOA ĐỒNG NAI

Bài đăng

BIỂU TƯỢNG LINH VẬT SƯ TỬ ĐÁ- CHÓ ĐÁ CANH CỔNG CỦA NGƯỜI HOA ĐỒNG NAI

Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có nhiều tộc người cư trú bên cạnh người Kinh. Người Hoa là một cộng đồng có dân số khá đông trong tỉnh, bao gồm nhiều nhóm địa phương, đến Đồng Nai định cư vào nhiều thời điểm khác nhau. Có lịch sử di dân qua nhiều địa bàn cư trú tại các tỉnh khác nhau trước khi đến Đồng Nai, lại có liên quan đến sự kiện chính trị - xã hội trong lịch sử, nên đã góp phần thể hiện tính đa dạng trong nền văn hóa và tín ngưỡng.

Nguồn gốc sư tử đá

Giới truyền thông nước ta vẫn mặc nhiên coi sư tử đá là sản phẩm văn hóa Trung Quốc thuần túy. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Đất nước Trung Quốc vốn không phải địa bàn sinh sống của loài sư tử, nên dấu ấn của sư tử trong văn hóa viễn cổ Trung Quốc không hề có, từ tín ngưỡng bái vật tổ, quan niệm về tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng, cho đến các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, mỹ thuật…

Trong thư tịch Trung Hoa, sư tử sớm nhất được cho là xuất hiện khoảng thế kỉ I sau công nguyên, trong Hậu Hán thư. Thiên Tây vực truyện của sách này có ghi: Thời Thuận Đế nhà Hán (115-145), vua nước Sơ Lặc (tên một nước vùng Tân Cương, phía Tây Trung Quốc) dâng tặng phong ngưu và sư tử. Nếu những ghi chép trên là chuẩn xác, thì sư tử được các nước phía tây lãnh thổ Trung Quốc ngày nay truyền vào trong khoảng đời Hán, sau khi con đường tơ lụa thông với các nước phía tây Trung Quốc đã được hình thành.

Phải từ sau khi Phật giáo từ phía tây thâm nhập vào Trung Quốc (từ cuối đời Hán), ảnh hưởng của sư tử thông qua con đường Phật giáo mới thấm dần vào văn hóa Trung Quốc. Trong Phật giáo, hình tượng sư tử giữ một địa vị quan trọng. Trước hết, trong Phật giáo sư tử biểu trưng cho điều tốt đẹp. Sư tử chính là con vật đóng vai trò hộ pháp cho Phật giáo, và được tạc tượng thể hiện tính chất “hộ pháp” này. Trang web của Bảo tàng quốc gia Kyoto viết: Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó dọc theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc, tới bán đảo Triều Tiên, rồi qua biển tới Nhật Bản vào thế kỉ thứ 6. Vào lúc đó, tôn giáo này đã đem vào Nhật Bản những tác phẩm điêu khắc kiểu Phật giáo. Cùng các tượng Phật và tượng đôi sư tử trấn giữ tượng. Từ đây bắt đầu truyền thống hai sư tử đứng trước tượng Phật ở Nhật Bản. Nên khi du nhập vào văn hóa Trung Quốc, cùng với Phật giáo, sư tử đã dần trở thành một hình tượng thể hiện sự uy nghiêm, điều tốt lành trong tâm thức người Hán. Cặp sư tử đá bày trước cổng các công trình kiến trúc đã minh chứng cho sự thâm nhập, bén rễ của một sản phẩm văn hóa ngoại lai vào trong nền văn hóa Trung Quốc. Sản phẩm văn hóa này không chỉ được người Hán đón nhận nồng nhiệt, mà còn tiếp sức cho nó bằng sự đa dạng trong tạo hình cho hình tượng linh vật ngoại lai, biến hình ảnh sư tử đá trở thành một hiện tượng văn hóa phổ quát trong đời sống văn hóa Trung Quốc.

Khi làn sóng người Hoa di cư đến Việt Nam đã mang theo nền văn hóa cũng như tín ngưỡng của mình đến vùng đất Đồng Nai. Sư tử đá ở Trung Quốc không chỉ được bố trí trước cổng chùa, mà còn được xuất hiện ở nhiều công trình kiến trúc khác, như cung điện, miếu mạo, nhà ở, công đường, nha phủ… Vì thế, ý nghĩa việc bày sư tử đá tại những công trình phi Phật giáo như vậy rõ ràng không phải với vai trò “hộ pháp”.

Tất nhiên, sư tử đá được chạm khắc cầu kì bày trước cổng có giá trị trang trí cao. Hình dạng sư tử đá không giống sư tử thật, mà là một sự “sáng tạo lại của con sư tử thật”. Bởi nó mang đậm tính văn hóa sâu sắc thể hiện tư tưởng quan niệm của người Trung Hoa xưa.

Ý nghĩa trấn mạch: sự đón nhận hình tượng sư tử thông qua con đường Phật giáo với tư cách là một linh thú mang theo điều cát tường cùng vẻ uy nghiêm lại có vai trò “hộ pháp”, kết hợp với tư tưởng trấn yểm của Đạo giáo vốn có của người Hoa đã khiến hình tượng sư tử dễ dàng được chấp nhận với tư cách là linh thú trấn trạch. Tùy công trình kiến trúc, tạo hình sư tử trấn trạch sẽ có hình dáng, phong thái khác nhau.

Sư tử đá luôn xuất hiện thành một cặp (một đực một cái) phối hợp tương ứng nhau âm dương hài hòa, đem lại vượng khí, bảo hộ và năng lực sinh sản cầu tài lộc đem lại hạnh phúc ấm no.

Ý nghĩa tôn ti: Tính tôn ti trước hết thể hiện trong mối quan hệ giữa nam và nữ, sư tử đá có con đực con cái nhưng không thể nhận biết qua lông bờm như trong tự nhiên, nhưng có thể biết qua tạo hình hoặc vị trí. sư tử đực thường có quả cầu dưới chân, có bộ phận sinh dục được chạm nổi. Sư tử cái thường chơi đùa với con non dưới chân, không được chạm khắc bộ phận sinh dục. trong trường hợp hai con được tạo hình giống y hệt nhau thì giới tính sẽ được xác định theo vị trí, theo quy định “nam tôn nữ ti”, “tả (bên trái) tôn hữu (bên phải) ti”, nên thành quan niệm dân gian “trai tay trái, gái tay phải” tựa lưng vào cửa hướng ra ngoài, con bên trái là đực và ngược lại.

Sư tử đá và chó đá

Theo các nhà khoa học, loài chó được thuần dưỡng ít nhất khoảng 10 ngàn năm trước. Khi đó, con chó được thuần dưỡng nhằm mục đích hỗ trợ cho con người trong các cuộc đi săn, hơn là để trông nhà. Vì thế vai trò “kẻ bảo hộ căn nhà” của chó vì thế chắc chắn sẽ xuất hiện muộn hơn nữa, khi nhu cầu bảo vệ con người và tài sản trở nên cần thiết trong đời sống xã hội. Việc dùng chó đá bày trước cửa nhà hẳn nhiên phải có muộn hơn bởi từ con chó trong tự nhiên đến con chó đá như một linh vật đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố tinh thần khác như quan niệm thẩm mĩ, tín ngưỡng.

Với tư cách là một linh vật, tục thờ chó được xác nhận tồn tại trong khu vực văn hóa Bách Việt thời cổ đại. Dấu vết tục thờ chó dưới hình thức con chó đá dễ dàng được tìm thấy ở khu vực Lôi Châu (tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) và một số địa phương ở Việt Nam. Khi người Hoa tràn xuống phương Nam họ mang theo nhiều nét văn hóa phương Bắc phổ biến đến các dân tộc bản địa. Con chó đá từ chỗ là một totem, một đối tượng thờ cúng, đã dần được thích nghi với nhiệm vụ mới giống như con sư sư tử đá: trấn yểm, trừ tà, cầu phúc bằng cách đứng canh cổng các công trình xây dựng.

Nhưng con chó đá với gốc gác là một totem trong cộng đồng Bách Việt vẫn có đứng riêng của nó trong đời sống văn hóa, điều này cũng xảy ra ở bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Cũng phải nói thêm rằng, con chó đá khi được người Việt dùng để trang trí, bày canh cổng thực tế đã là con chó bị Hán hóa. Tính trấn yểm, cách gọi kính cẩn “Thần cẩu”, “quan lớn Hoàng Thạch”…đối với chó đá nguyên vẹn là dấu ấn của Đạo giáo.

Mỗi nến văn hóa đều có sự sáng tạo riêng của nó, nhưng cũng không loại trừ việc học hỏi những thành tựu từ các nền văn hóa khác, thậm chí học hỏi còn là một nhu cầu quan trọng để phát triển. Quy luật này không trừ bất cứ nền văn hóa lớn nhỏ nào. Câu chuyện từ con sư tử đá hay con chó đá không dừng lại ở sự ghi nhận này quan trọng là nó đã để lại bài học: phải học hỏi để phát triển nhưng hòa nhập chứ không để hòa tan. Quan trọng là ta vẫn khẳng định được bản sắc văn hóa riêng của mình với sự chung sống với các nền văn hóa khác.

 Hồng Hạnh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.