Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Tín ngưỡng và lễ hội truyền thống độc đáo của người S’Tiêng ở Đồng Nai

Bài đăng

Tín ngưỡng và lễ hội truyền thống độc đáo của người S’Tiêng ở Đồng Nai

Người S’tiêng sinh tụ lâu đời ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng miền Đông Nam Bộ. Địa bàn cư trú phổ biến là các tình Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai. Người S’tiêng có nhiều tên gọi khác nhau như: Xađiêng, Bu Lơ, Bu Lanh, Tà Mun, Bà Rá, Ray,...

Trong cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người S’tiêng có 281 hộ với 1.344 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), xếp thứ 11/40 dân tộc anh em. Những huyện có người S’tiêng sinh sống là Tân Phú (121 hộ, 570 khẩu), tập trung đông nhất ở xã Tà Lài ; Xuân Lộc (103 hộ, 497 khẩu), ở xã Xuân Hưng và Long Thành (48 hộ, 232 khẩu), ở xã Tân Hiệp.

Cũng giống như các dân tộc anh em khác, tộc người S’tiêng có đời sống văn hóa phong phú, sinh động. Người S’tiêng tin rằng con người, con vật, cây cối cũng như muôn vật đều có siêu nhiên, tựa như “linh hồn”. Thần linh cũng hiện hữu rất nhiều trong thế giới xung quanh họ.

Ở mỗi làng của người S’tiêng đều có miếu nhỏ dành thờ thần Neaktà. Họ dùng gỗ hoặc đá để mô phỏng, hình tượng hóa vị thần này và đặt trong miếu thờ. Miếu thờ thường đặt ở đầu làng, ở gốc cây to hoặc ngã ba, ngã tư nơi đồng bào thường qua lại. Đôi khi ở trong rừng người ta cũng dựng miếu thờ vị thần này. Theo một số nhà nghiên cứu thì Neaktà là vị thần Khơme mà người S’tiêng vay mượn trong quá trình giao lưu.

Người S’tiêng còn thờ thần mặt trời, thần sấm sét cai quản đất đai; thần mặt trăng coi sóc việc gặt hái và cây cối; thần núi, thần lúa, thần rừng, thần suối,... Thần lúa được đồng bào hình dung là người phụ nữ trẻ và đẹp. Họ cũng rất tin có sự hiện hữu của thế giới ma quỷ chuyên đi gây hại cho con người nhưng không có thầy phù thủy để diệt trừ tà ma, mỗi làng thường có một vài vị là bà bóng, thầy cúng chuyên lo việc bói toán, cúng bái cho các gia đình thành viên trong làng khi hữu sự.

Trong các lễ cúng, các vị thần hoặc các lực lượng siêu nhiên nói chung được nhắc rất nhiều trong lời khấn để cầu xin, hay tạ ơn, hay thông báo điều gì đó. Lễ vật hiến tế thường là rượu, gà, lợn, trâu, bò. Đồng bào quan niệm số lượng vật hiến tế càng nhiều và con vật càng lớn chứng tỏ lễ cúng càng to, thần linh càng quyền thế, quan trọng. Đồng thời cúng thể hiện lòng thành, nguyện ước, cầu mong của họ được thần linh chứng giám nhiều hơn.

Trong năm, người S’tiêng có rất nhiều lễ cúng với qui mô lớn nhỏ khác nhau như:

Lễ cúng thần Neaktà thường được tổ chức tại làng hoặc miếu thờ trong rừng nhằm xua đuổi những bệnh tật, rủi ro, những điều xui xẻo... Để tổ chức lễ cúng, các thành viên trong cộng đồng góp rượu, thịt, gà, gạo... cúng xong cùng nhau ăn uống tại miếu rồi giải tán.

Lễ cúng Veha cầu cho cộng đồng được bình an, mùa màng tươi tốt. Lễ cúng thần đất khi bắt đầu phát nương rẫy. Khi chọc lỗ tỉa lúa, người S’tiêng làm lễ cúng thần lúa. Lễ cúng cơm mới khi lúa chín.

Người S’tiêng  tin rằng mỗi con suối, mỗi khúc sông đều có thần cai quản nên khi đánh được mẻ lưới đầu tiên, sẽ làm lễ cúng pha bào (hình thức trả lễ thần sông suối).

Quan trọng nhất là lễ cúng thần lúa thường được tổ chức vào tháng âm lịch, đây là lễ lớn nhất được coi như ăn tết của người S’tiêng, còn được gọi là lễ cúng rơm. Tùy điều kiện của từng gia đình, người ta mổ gà, mổ heo hoặc trâu, bò để ăn uống, ca hát, tạ ơn thần lúa đã cho cái ăn nuôi sống gia đình, cộng đồng.

Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức mừng được mùa lớn (gia đình thu hoạch lúa từ 100 gùi cỡ to trở lên), mừng chiến thắng kẻ thù, mừng làm ăn, phát đạt, mừng con cái lớn khôn... cùng với hiến sinh trâu còn có cả bò, heo. Nếu hiến sinh một trâu, cột lễ để buộc trâu làm đơn giản, nhưng từ hai trâu trở lên thì cột lễ được trang trí các họa tiết hoa văn đẹp, chế tác công phu. Lễ hội thường kéo dài suốt hai, ba ngày đêm liên tiếp. Cách nay dăm chục năm, người S’tiêng tổ chức đâm trâu như các dân tộc Tây Nguyên, ngày nay tục này hầu như không còn.

Người S’tiêng có một số những kiêng cữ như: Đã chọn xong đất làm rẫy, nếu gặp răn, xương răn, con cù lần, con kì đà thì người ta kiên quyết bỏ không làm. Lập sóc mới, cấm người lạ bảy ngày đầu không được vào, dấu hiệu khi người S’tiêng lập sóc mới như: chăng dây ngang đường và buộc cành lá xanh làm hiệu. Cũng cấm mang vào sóc các ghè đựng rượu. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Trong thời gian bảy ngày, dân sóc kiêng ăn thịt heo, gà và rau cải. Họ dựng buộc trâu chuẩn bị làm lễ dựng sóc mới. Đàn ông ngủ toàn bộ trong rừng. Khi nhà sàn mới dựng song thì bảy ngày đầu phải nấu ăn ở gầm sàn, sau đó mới được nấu ăn ở bếp ăn gia đình. Trước cửa ngôi nhà thường treo tổ ong vò vẽ để trấn ma quỷ.

Một trong những điều kiêng cữ nữa là thấy chim két bay qua, họ cho là sóc sắp bị tấn công. Vào sóc, khách phải gặp trưởng sóc trước tiên, không được vào nhà người bị bệnh vì có thể mang cái chết cho người này. Nếu chó chết thì phải ăn hoặc quăng đi. Không được chôn vì chỉ con người mới được chôn, nếu chôn chó chết thì nhà đó sẽ mất một người. Heo, gà chỉ sinh ba con thì không nuôi, tốt nhất là mang bán. Gà không vào chuồng ban đêm thì hôm sau đem thịt để tránh tai họa cho chủ nhà,... và rất nhiều những điều kiêng cữ khác của người S’tiêng.

Cũng giống với các giống tộc anh em cư trú tại Đồng Nai, tộc người S’tiêng có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú và đa dạng. Trước đây, với điều kiện sinh hoạt, lao động, đời sống còn nhiều khó khắn nên đồng bào luôn tin vào thần linh. Vì thế, tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống của người S’tiêng vô cùng đặc sắc. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống của đồng bào được cải thiện rất nhiều. Các phong tục, tập quán, tin ngưỡng dân gian luôn được người S’tiêng lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Góp phần làm phong phú, đa dạng hơn trong văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc sinh sống tại Đồng Nai nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.