Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Lễ, tết của một số tộc người thiểu số ở Đồng Nai

Bài đăng

Lễ, tết của một số tộc người thiểu số ở Đồng Nai

Ở Đồng Nai có khoảng 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một kiểu ăn tết riêng và đều biểu hiện nét đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình, song những tục lệ đó đều toát lên ước vọng mong muốn một năm mới no ấm và may mắn cho mọi người. Điểm chung các lễ, tết truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa như: K’ho, Chơ ro, Châu Mạ, S’tiêng trên địa bàn tỉnh đều có điểm khởi nguồn là những nghi lễ tạ ơn thần linh, đất trời cầu mong mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống hạnh phúc, điều đó đã tạo nên tính cộng đồng trong từng dân tộc. Ngoài ra, còn có nhóm cư dân đến sau như: người Hoa, người Chăm, người Việt từ Bắc và Trung bộ di dân vào Nam cũng đã đem theo ông bà, tổ tiên và tín ngưỡng của mình để thờ cúng. Để hiểu rõ hơn về nét đặc trưng văn hóa riêng của từng dân tộc ta hãy cùng tìm hiểu tục lệ đón xuân của những dân tộc thiểu số đã tồn tại hàng trăm năm trên đất Đồng Nai.

Lễ cúng Lơh Yang rơ và Nhô xarpu của người K’Ho:

Người K’Ho tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định. Tín ngưỡng về siêu nhiên trong quan niệm của người K’Ho có tính chất đa thần...Thần linh (yang) là thế lực phù hộ cho con người và ma quỷ (chà) lại gây tai họa. Sống chủ yếu dựa vào trồng lúa nước, người K’Ho thực hiện các lễ nghi ở từng công đoạn như gieo lúa, khi lúa trổ bông, đạp lúa và cho lúa vào kho. Hàng năm, người K’Ho tổ chức ăn Tết khi mùa màng đã thu hoạch xong sau tết Nguyên Ðán của người Kinh ở miền xuôi độ một tháng. Tết này có ý nghĩa đón lúa về nhà vì người K’Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Yàng ban phát. Người K’Ho quan niệm thần linh, ma quỷ chi phối đến đời sống nên họ tổ chức cúng tế rất nhiều trong năm, nhưng có hai lễ cúng quan trọng và tổ chức lớn trong đời sống của người K’Ho là lễ cúng Thần Lúa (Lơh Yang rơ) để tạ ơn Thần Lúa đã phù hộ họ một vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy kho, hứa hẹn một cuộc sống ấm no hạnh phúc và lễ hội đâm trâu (Nhô xarpu). Lễ tết kéo dài 7 - 10 ngày, trong các ngày Tết, dân làng đến chung vui với từng gia đình. Trong từng gia đình, người ta cũng tổ chức hiến tế gà, bôi máu lên vựa thóc, sàn kho, cửa ra vào, cửa sổ. Sau Tết, người ta mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc lớn như làm nhà, chuyển làng...

Lễ cúng Yang Va (Thần lúa) của người Chơ-ro:

Hai tết lớn của đồng bào Chơ-ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch, gọi là Tết Yang Va. Lễ cúng Yang lúa là lễ lớn nhất trong năm của người Chơ-ro ở Đồng Nai. Người ta không ấn định ngày rõ ràng nhưng thường cúng vào khoảng tháng hai đến tháng ba âm lịch vào những ngày đẹp trời. Trước đây, khi tính cộng đồng còn chặt chẽ, người Chơ-ro tổ chức lễ cúng lớn nhất kéo dài trong ba ngày ba đêm. Tất cả mọi người trong buôn làng đều tham dự. Họ ăn mặc đẹp, nhảy múa, ca hát những bài ca của dân tộc mình trong tiếng cồng chiêng rộn ràng Theo truyền thống, lễ cúng diễn ra vào ban đêm, chủ lễ là thầy Cúng, bà Bóng nhưng đôi mươi năm gần đây đã có sự thay đổi, gia chủ đảm đương công việc chủ lễ và thường cúng vào ban ngày. Điều quan trọng là gạo làm rượu, làm bánh phải tự nhà mình làm ra, không được mượn hoặc mua của người khác. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là kinh tế nên người Chơ-ro tổ chức lễ cúng có đơn giản hơn, không nhiều thời gian như trước đây và thường diễn ra ở những hộ gia đình có khả năng kinh tế.

Lễ Yang Bơnơm và Yang Koi của người Mạ:

Lễ hội Yang Bơnơm (cúng Thần núi). Đây là lễ hội lâu đời, độc đáo mang đậm nét truyền thống, bản sắc văn hoá của người dân tộc Châu Mạ. Theo truyền thống người Mạ thường hay làm lễ đâm trâu. Cứ ba năm một lần làm lễ hiến sinh là con trâu đực béo tốt. Đôi mươi năm gần đây dù không diễn ra thường theo định kỳ nhưng có nơi đồng bào vẫn bảo lưu lễ thức này vào dịp làng gặp may mắn bội thu vụ mùa. Sau nghi thức cúng tế, mỗi hộ gia đình trong làng đều được chia một phần thịt của vật hiến tế xem như lộc của các thần; số còn lại được nướng để đãi khách ăn kèm với cơm lam và uống rượu cần để kết nối tình keo sơn, gắn bó.

Lễ cúng Yang Koi: Đây là lễ cúng mà người Mạ quan niệm rằng vị thần này liên quan trực tiếp đến lương thực của cuộc sống cộng đồng họ. Sau vụ thu hoạch, già làng mời các vị lớn tuổi trong làng họp để bàn về lễ đâm trâu. Lễ hội thường diễn ra ở cánh đồng gần làng hoặc nơi rộng rãi và bằng phẳng. Đêm xuống họ đốt lửa vui ca, nhạc cụ hòa nhịp theo các bài hát, điệu nhảy múa thể hiện sức mạnh qua các trò chơi của thanh niên.... Sau khi già làng đại diện đâm trâu, một nửa con trâu được xẻ ra từng miếng nhỏ chia đều cho từng thành viên trong các hộ gia đình ở làng, nửa còn lại xẻ ra ăn uống tại sân lễ. Theo truyền thống việc vui chơi kéo dài đến ba ngày ba đêm, có khi cả tuần lễ nhưng ngày nay thường diễn ra trong một ngày đêm.

Ngày Tết Mừng lúa mới của người S’tiêng:

Người S’tiêng có Ngày Tết Mừng lúa mới. Vào những ngày này, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên, phụ nữ, ai cũng đeo bằng hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn. Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo để thiết đãi bà con buôn làng. Trong Tết mừng lúa mới, buôn làng tổ chức lễ đâm trâu, cồng chiêng hò reo sôi động. Người S’tiêng có tục lệ ngày Tết mừng lúa mới là lấy dây mây song đập nát trộn với đất, rồi đắp lên cơ thể mỗi người để nhắc nhở con cháu rằng thời tiền sử loài người sinh ra chỉ có thịt mà không có xương. Bên cạnh đó còn có nghi thức dựng nêu, trồng cọc buộc vật hiến sinh. Trước khi dựng nêu, người S’tiêng cho đặt heo, gà nơi cây nêu, sau đó cho làm thịt, lấy huyết pha với rượu. Trong nghi thức này có tấu cồng, chiên, những người tham dự ca hát, nhảy múa và uống rượu. Tết mừng lúa mới của người S’tiêng kéo dài hai, ba ngày.

Tết của đồng bào Chăm: Người Chăm có ba ngày Tết trong năm để cùng nhau tụ họp lại tưởng nhớ các vị thần linh, tổ tiên và tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí khi mùa màng đã thu hoạch xong, theo lịch của người Chăm là ngày 1 tháng 7 (tương ứng vào khoảng cuối tháng 9 Dương lịch), các làng Chăm lại rộn ràng vui Tết Katê. Tết Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông tang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các lễ thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.

Sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp và cử hành cúng bái. Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ lựa chọn cho mình một ngày duy nhất trong khoảng thời gian qui định mà thôi. Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức  các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.

Tết của người Việt: Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt, hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch. Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau, cùng nhau đi chúc tết, thăm hỏi lẫn nhau và cùng cầu chúc cho một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn. Người Việt ta có câu “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết bn, Mồng Ba tết Thầy” do đó ngày Tết thường chính thức chỉ gói gọn trong 3 ngày nhưng người ta chuẩn bị cho Tết từ trước đó rất lâu. Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, là ngày mà người Việt cúng ông Táo (Táo quân)ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu của gia chủ trong một năm để báo cáo với Ngọc Hoàng. Chiều 30 Tết cúng tất niên để kết thúc năm cũ. Tối 30 cúng giao thừa là thời khắc đón những điều tốt đẹp chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà thờ tổ để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên, bàn thờ luôn được thắp hương và cúng cơm mỗi ngày. Mồng Hai đi chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp và mồng Ba đi chúc Tết những người đã có công chăm sóc dạy dỗ mình. Thường thì chiều mồng Bốn hay mồng Năm cúng tiễn đưa Ông Bà, chiều mồng Bảy cúng hạ nêu. Đến thăm những người bạn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết với mình để chúc họ những câu tốt lành, giúp tình cảm bạn bè gần gũi hơn, đây là những phong tục tốt đẹp trong ngày Tết, tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt.

Tết của người Hoa: Tết của người Hoa cũng có những nét tương đồng như người Việt. Cũng như người Việt, sau ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời, trong nhà người Hoa thường dán câu đối liễn. Đón Tết, người Hoa nhất là những người buôn bán làm ăn, họ thay câu đối liễn mới, cách bày trí bàn thờ rất rực rỡ với hai màu vàng đỏ. Chiều 30 Tết là thời điểm nhà nhà cúng tất niên. Sau khi cúng tất niên là thời điểm cả gia đình họp mặt quây quần bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên thịnh soạn. Nếu người Việt có mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài”, bánh chưng, bánh tét thì người Hoa có quýt, chè ỉ, bánh t... Giao thừa cũng là thời khắc đoàn tụ gia đình, họ cùng nhau trò chuyện, vui đùa, chúc nhau và lì xì cho các em nhỏ. Sau khi đón giao thừa, cũng như người Việt, nhiều người Hoa cũng đi chùa cầu may mắn trong năm mới. Trong những ngày Tết, người Hoa thường mời các đội lân - sư - rồng múa trước nhà để lấy hên, gặp nhiều may mắn trong năm. Mồng Hai và Mồng Ba họ cũng đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Những chuyến thăm hỏi này giúp gắn kết mọi người với nhau, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ đón chào năm mới.

Với các tộc người bản địa ở Đồng Nai, trong năm lTết được tổ chức ăn mừng mùa thu hoạch đã qua và chuẩn bị cho vụ mùa tới. Đây cũng là đặc trưng chung của những cư dân nông nghiệp ở địa hình bán sơn địa, làm nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Về mặt lễ hội, lễ cúng Yang Lúa của người Chơ ro là lễ lớn nhất trong năm, là ngày tết rất quan trọng vẫn được đồng bào tận tâm duy trì. Qua lễ, Tết của đồng bào dân tộc đã thể hiện cách ứng xử của con người với thần linh mà theo quan niệm của họ có tác động sâu xa đến toàn thể cuộc sống của cộng đồng. Những truyền thống lễ, tết đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số là kho tài sản quý báu góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng các dân tộc tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.