Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Tục cà răng và tục căng tai của đồng bào S'tiêng ở Đồng Nai

Bài đăng

Tục cà răng và tục căng tai của đồng bào S'tiêng ở Đồng Nai

Đồng Nai có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống khác nhau. Mỗi sắc tộc văn hóa của đồng bào anh em sẽ góp thêm sắc màu văn hóa độc đáo và đặc trưng trong nền văn hóa đặc sắc của vùng đất Đồng Nai nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đồng bào S'tiêng cư trú rải rác ở nhiều nơi như: trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc bộ và duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Ở vùng Đông Nam Bộ, người S'tiêng cư trú chủ yếu ở Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ở Đồng Nai, người S'tiêng có 281 hộ với 1.344 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), xếp thứ 11/40 dân tộc anh em. Những huyện có người S’tiêng sinh sống là Tân Phú (121 hộ, 570 khẩu), tập trung đông nhất ở xã Tà Lài ; Xuân Lộc (103 hộ, 497 khẩu), ở xã Xuân Hưng và Long Thành (48 hộ, 232 khẩu), ở xã Tân Hiệp.

Có thể nói rằng, phong tục, tập quán của đồng bào S'tiêng rất độc đáo, nhiều điểm khác lạ với các dân tộc bản địa sinh sống tại Đồng Nai. Một trong những tập tục đặc trưng đó là tục cà răng và tục căng tai của đồng bào.

Tục cà răng của người S'tiêng:

Người S'tiêng có nhiều quan điểm khác nhau về tục cà răng. Người ta cho rằng: "ngày xưa buôn làng sống cách xa nhau, mỗi sóc có tục cà răng nhưng chẻ răng thì chỉ có một số sóc nằm dưới chân núi Yumbra (có thể gọi là núi Bà Rá)". Song cũng có ý kiến cho rằng người S'tiêng cà răng để phân biệt với loài khỉ.

Theo quan niệm của người S'tiêng cho rằng: tục cà răng là để vừa bảo vệ răng chắc khỏe, không bị bệnh, đồng thời đem lại sự may mắn tốt lành. Đối với phụ nữ khi cà răng sẽ đem lại nhiều điều may mắn như được nhiều người thương yêu, dễ có chồng và hạnh phúc khi lập gia đình cũng như khẳng định được phẩm hạnh. Đối với đàn ông thì cà răng thể hiện bản lĩnh, tinh thần dũng cảm, được khen ngợi và nhiều cô gái mến mộ.

Thông thường, khi bước vào tuổi 15 thì người S'tiêng tiến hành tục cà răng. Người S'tiêng dùng dao côi đặt lên những chiếc răng muốn cà, dùng khúc cây hay hòn đá đập nhẹ cho dao côi lấn từ từ vào răng, vết lấn của dao làm răng sẽ vỡ những mảnh nhỏ cho đến khi răng vỡ được theo chủ ý. Khi những chiếc răng bị chẻ hết đau thì tiến hành cà răng cho bằng, đều. Người S'tiêng dùng đá mịn (lấy dưới suối) hoặc những chiếc lá mía có cạnh sắc, cật thanh tre bén để cà. Thời gian chẻ, cà răng thường kéo dài nên đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh của người muốn thực hiện. Hiện nay, tục cà răng không còn duy trì do nhiều lý do. Trong đó, có nguyên nhân do hậu quả để lại khi thực hiện cà răng khá nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và quan niệm về tục này đã thay đổi so với các thế hệ trước.

Tục căng tai của người S'tiêng:

Căng tai là tục lệ có từ lâu đời trong cộng đồng người S'tiêng, thể hiện quan niệm của người S'tiêng về cái đẹp, đặc biệt đối với phụ nữ trước đây. Người S'tiêng cho rằng khi dái tai được kéo dài là một trong những yếu tố làm cho người phụ nữ đẹp, được mến mộ. Một số ý kiến cho rằng, nếu phụ nữ không căng tai thì lớn lên sẽ dễ bị đần độn.

Khi bé gái được 5 đến 6 tuổi, người S'tiêng thực hiện việc căng tai cho chúng. Ban đầu, lấy phần miệng trái bầu khô áp vào dái tai đứa trẻ để chọn phần muốn căng. Trước khi căng, nắn dái tai bé gái cho đỏ và sưng để đỡ bị đau hơn khi lấy gai nhọn hoặc kim đâm xuyên qua. Dùng sợi chỉ đỏ buộc vào lỗ tai cho đến khi vết căng khô nhưng không liền da. Sau đó, người S'tiêng thay các sợi chỉ bằng một ống cỏ tranh khô để tiếp tục nông cho lỗ căng to hơn. Tiếp tục dùng các ống tre to hơn để nông rộng lỗ dái tai theo thời gian. Đến kích cỡ nhất định, ống tre được thay thế bằng những đoạn được cắt đẽo từ ngà voi. Đeo càng lâu thì vành dái tai kéo căng rộng, dài, thậm chí vòng căng bị đứt. Người có tai căng, đoạn đeo bằng ngà voi có kích cỡ lớn được cộng đồng xem là giàu sang (ngà voi là vật quý, chỉ gia đình khá giả mới có). Vành tai căng nếu đứt ra được xem là điều may mắn, người căng có thể tổ chức lễ ăn mừng tùy điều kiện kinh tế. Hiện nay, tục căng tai không còn duy trì do quan niệm thẩm mỹ của người S'tiêng thay đổi. Phụ nữ S'tiêng sử dụng các trang sức như bông tai bằng nhiều chất liệu quý vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ cao.

Nói tóm lại, tục cà răng và tục căng tai của người S'tiêng là một trong nhiều nét đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số. Ngày nay, do môi trường sống của đồng bào thay đổi làm cho quan điểm về cái đẹp hình thể thay đổi nên tục cà răng và tục căng tai không còn được thực hiện nữa. Tuy vậy, thế hệ trẻ của người đồng bào S'tiêng sẽ luôn nhớ đến những truyền thống độc đáo của cha ông. Hy vọng qua những thông tin mà bài viết mang lại sẽ giúp độc giả biết đến những văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc S'tiêng.

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.