Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Giá trị văn hóa trong một số loại ché của người Xtiêng

Bài đăng

Giá trị văn hóa trong một số loại ché của người Xtiêng

Dân tộc Xtiêng còn có tên gọi là Xađiêng, tiếng Xtiêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer. Hiện dân tộc Xtiêng có hơn 67.000 người cư trú tập trung tại các tỉnh Bình Phước và một phần sinh sống ở Đồng Nai và Tây Ninh...

Ngày nay người Xtiêng ở nhiều nơi đã định canh định cư, từng gia đình nhỏ làm nhà ở riêng, vùng cao ở nhà trệt, vùng thấp ở nhà sàn. Dân tộc Xtiêng có truyền thống tự quản, đứng đầu là một ông già am hiểu tập tục, có uy tín lớn, tháo vát và thường là người giàu có ở làng. Gia đình nào có nhiều tài sản như: trâu, bò, chiêng, cồng, vòng trang sức và ché thì được xếp vào mức giàu có trong buôn, làng. Ở mức độ bài viết, xin được giới thiệu về ché (ché rượu cần), một trong những tài sản qúy của đồng bào dân tộc ở Đồng Nai nói chung và đồng bào Xtiêng nói riêng.

Ché (hay còn gọi là Chóelà tên gọi một vật dụng làm từ đất sét, nung ở nhiệt độ cao và được tráng men. Chóe thường có kiểu dáng miệng đứng, thân phình và thon dần về đáy.

Ché lớn gọi là Giàng, chóe trung thì gọi là Jro, chóe nhỏ gọi là Gri. Ché lớn dùng đựng rượu cần trong các dịp cúng tế thần linh của dân làng, bộ tộc. Trong các lễ hội, những dịp cưới hỏi, ma chay, ché thường được đặt dưới gốc cây nêu. Khi tế lễ tạ ơn thần linh, người chủ lễ thường dùng tiết con vật tế thần bôi lên miệng ché, sau đó bôi lên trán của những người tham dự để cầu mong sự may mắn. Ché trung, chóe nhỏ được sử dụng để đựng nước, hạt giống hoặc cất giữ những của cải quý giá.

Ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng có từ một đến vài bộ ché, với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, được cất giữ cẩn thận trong nhà như vật gia bảo của gia chủ. Công dụng của Ché cũng đa dạng, Ché không chỉ dùng để sử dụng ủ rượu mà còn được dùng làm lễ vật cưới hỏi, là của cải truyền từ đời này sang đời khác hoặc là cũng là vật đền bù khi bị xử phạt...

 

Ché đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào, ché là vật dụng dùng để ủ rượu cần được dùng trong mỗi dịp lễ của gia đình và buôn làng. Ché còn là một trong những lễ vật quan trọng không thể thiếu trong các nghi lễ từ mừng lúa mới, cầu mùa, hôn lễ hay mừng đứa trẻ mới ra đời cho đến nghi lễ tang ma. Ché được xem như là một thứ của cải quý giá được gia đình chia cho người chết gồm 2 chiếc được chôn ở đầu và dưới chân của người chết.

Ché của người Stiêng có nhiều loại và tên gọi với những kiểu dáng cao, thấp, to, nhỏ khác nhau. Một số loại ché với tên gọi và giá trị trao đổi trước đây của ché.

Những loại ché lớn và thông dụng nhất là:

+ Đu pang: là loại ché có kích thước cao, vành miệng loe, dày, cổ đứng, loe rộng ở vai và thuôn nhỏ dần về đáy, men áo màu nâu bóng và được trang trí một vòng hoa văn ở vai, vai có từ 6-8 quai được làm nổi nằm sát phần cổ, thân thu gọn về đáy, được gọi là ché Một Mắt.

+ Pa pang: là loại ché có kích thước cao, vành miệng loe, dày, cổ đứng cao, loe rộng ở vai và thuôn nhỏ dần về đáy, men áo màu nâu bóng, vai có từ 6-8 quai được làm nổi nằm sát phần cổ và có hoa văn trang trí, song ở phần thân từ đáy lên có ngấn chia thân ché thành 2 phần nên được gọi là ché Hai Mắt.

+ Pei pang: là loại ché có kích thước cao, vành miệng loe, dày, cổ đứng cao, loe rộng ở vai và thuôn nhỏ dần về đáy, men áo màu nâu bóng, có từ 6-8 quai được làm nổi nằm sát phần cổ và có hoa văn trang trí ở vai, thân ché có 2 ngấn chia ché thành ba phần nên được gọi là ché Ba Mắt. Ché được quy đổi bằng con heo vừa.

Ngoài ra còn có một số ché khác như:

+ Ché Ta pang: là loại ché có kích thước cao và to hơn Pei pang, vành miệng loe, dày, cổ đứng cao, loe rộng ở vai và thuôn nhỏ dần về đáy, men áo màu nâu, vai có 6 quai được làm nổi nằm sát phần cổ và có hoa văn trang trí ở vai gồm 2 mô tuýp rùa hoặc hổ. Tùy theo loại hoa văn trang trí mà người ta gọi là Ba Mắt Rùa hay Ba Mắt Hổ. Ché được đổi bằng một con trâu nhỏ.

+ Ché Tangprang: là loại ché có kích thước khá lớn, miệng loe, cổ cao, giữa cổ và vai có ngấn nổi, phình rộng ở vai và thuôn nhỏ về đáy. Ché có men áo màu xanh lá, hoa văn đắp nổi hình hoa lá và chim Phụng, ở vai có 4 quai đắp nổi. Ché được đổi bằng một con dê hay một con heo có cân nặng là 1 tạ.

+ Ché Trắponl: Ché có kích thước nhỏ hơn Taprang và Pei pang, miệng loe, cổ cao, phình rộng ở vai và thu nhỏ về đáy. Men áo màu nâu, trên thân có nhiều hoa văn trang trí dạng hình học, đặc biệt là hoa văn đắp nổi hình rồng cuốn sống động và 2 đường gờ nổi phía trên và dưới con rồng, ở vai có 4 quai đắp nổi. Ché được đổi bằng một con trâu lớn có sừng dài khoảng 2 gang tay.

+ Ché Rắp đôm: là loại ché nhỏ, giông như tĩnh đựng nước của người Chơ Ro, miệng hơi loe, vành miệng dày, cổ đứng, ngắn, phình rộng ở thân và thu nhỏ dần về đáy. Men áo màu nâu, trên thân trang trí một dải hoa văn gồm những vòng tròn nằm chồng lên nhau. Ché được đổi bằng 1 cái xà rông hoặc 15 gùi lúa (mỗi gùi là 11kg).

+ Ché Tăngnhôn: là loại ché có kích thước nhỏ, miệng loe, cổ ngắn, hơi phình rộng ở vai và thu nhỏ dần về đáy. Men áo màu xanh hơi ngả nâu, trên thân đắp nổi hoa văn trang trí hình rồng, phụng, hình một người mặc trang phục như nho sĩ ngày xưa..., trên vai có 7 quai đắp nổi. Ché được đổi bằng một con trâu có sừng dài khoảng 1 gang tay.

+ Ché Tonpek: là loại ché nhỏ, hình dáng giống như Tăngnhôn, song men áo màu nâu, vai có 7 quai nằm ngay dưới phần cổ, ở vai có một đường gờ nổi được tạo theo kiểu xoắn thừng, trên thân có khoảng 3-4 vòng tròn nổi bên trong trang trí mô tuýp hoa lá (cũng được đắp nổi). Ché này cũng được đổi bằng giá trị của Ché Tăngnhôn.

+ Ché Tđắp sa klung: là loại ché có kích thước khá lớn, cổ rất ngắn, thân phình rộng ở vai và thuôn nhỏ dần về đáy. Ché có men áo màu xanh đen hoặc nâu nhạt, có loại lớp men áo được tạo loang lổ trên thân tạo nên sự huyền ảo cho ché, tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người mà hình dung nên hoa văn của ché. Trên thân ché chỉ có những đường chỉ chìm chạy quanh hoặc trang trí thêm mô tuýp hoa văn giống như dấu hỏi, vai có 4 quai chìm hoặc đắp nổi.

+ Ché Tđắp Kri: là loại ché có hình dạng giống như Klung song kích thước nhỏ hơn và được đổi bằng một con trâu lớn và một con trâu nhỏ.

+ Ché Pung Tổ Tiên: là loại ché có hình dạng khác hoàn toàn so với các loại ché trên, ché có cổ ngắn, đứng, phình rộng ở vai và thu nhỏ về đáy (gần nhọn), men áo màu nâu, trên vai có những đường chỉ chìm và không có quai, trên thân không trang trí hoa văn. Ché Pung Tổ Tiên có giá trị ngang bằng một con trâu to.

Có thể nói, các loại ché của đồng bào dân tộc Xtiêng ở Đồng Nai khá đa dạng và phong phú về loại hình. Các loại ché này còn lưu giữ được tương đối nhiều, hầu hết đều là những vật gia truyền có niên đại khoảng 100 năm trở lại đây. Trong các loại ché trên, loại ché Klung và Pung Tổ tiên là có giá trị hơn hẳn các loại khác. Ché Klung được dùng trong hôn lễ, nếu nhà trai muốn rước dâu về nhà thì không thể thiếu, nếu có Klung là phải có cả Kri bởi hai loại ché này thường đi chung với nhau. Ngay cả trong việc ủ rượu cần, nếu ủ rượu vào những loại ché này, rượu sẽ có vị ngon và thơm hơn so với những loại ché mới sau này.

Ché được cộng đồng người Xtiêng lưu giữ đến ngày nay đã thể hiện được những phong tục truyền thống đặc trưng từ xa xưa vẫn còn lưu giữ được trong sinh hoạt hàng ngày hay trong lễ hội... Ché, không chỉ là vật trang trí đơn thuần mà nó còn gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng mà còn là nét văn hóa đặc sắc của tộc người nơi núi rừng này. Tuy nhiên, ngày này Ché không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và trao đổi hàng hóa như trước, những chiếc ché cổ trong thôn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bởi phong tục ma chay chia tài sản của người Xtiêng và nạn mua bán đồ cổ đang diễn ra ở khắp nơi. Vì vậy, nguy cơ ché cổ ngày một mai một dần… Thiết nghĩ, cần có sự chung tay của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy bản văn hóa đặc trưng này của dân tộc Xtiêng ở Đồng Nai nói riêng, cộng đồng Xtiêng Việt Nam nói chung.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.