Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Một số nghề thủ công truyền thống của người Kơho

Bài đăng

Một số nghề thủ công truyền thống của người Kơho

Người Kơho là một trong số các dân tộc bản địa sinh sống ở Đồng Nai. Địa bàn cư trú của người Kơho ở vùng ven rừng và đồi núi thấp. Người Kơho thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng.

Dân số người Kơho ở Đồng Nai có khoảng 1000 nhân khẩu, được xếp thứ 13 trong tổng số hơn 40 dân tộc ở tỉnh Đồng Nai. Người Kơho sống tập trung đông nhất ở hai xã Phú Bình và xã Phú Trung, huyện Tân Phú. Một nửa dân số đó sống tại xã Phú Bình, số còn lại sống tập trung ở Phú Trung và rải rác ở các xã Trà Cổ, Phú Lâm, Phú Thanh, Tà Lài, Phú Sơn. Ngoài ra, còn số ít ở thị xã Long Khánh, huyện Định Quán, huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ.

Kinh tế truyền thống của người Kơho chủ yếu là làm rẫy, sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có săn bắt hái lượm, làm thổ sản và một số nghề thủ công như: đan lát, rèn, dệt...

Nghề đan lát:

Giống như các dân tộc bản địa Chơro, Mạ, Xtiêng, người Kơho sinh sống tại khu vực được bao bọc bởi núi rừng, nơi có nhiều mây, lồ ô, trúc, nứa... rất thuận lợi cho nghề đan lát. Trong tình trạng kinh tế còn mang tính tự cung, tự cấp, công việc đan lát tạo ra các đồ dùng sinh hoạt trong các gia đình người Kơho là vô cùng quan trọng. Vì vậy, trước đây đan lát trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi gia đình Kơho.

Nghề đan lát do người đàn ông đảm nhận, nghề này đã trở thành chuẩn mực để đánh giá một người đàn ông. Nguyên liệu để đan có tre, lò ô, mây, trúc, nứa... Công cụ trau vót gồm có dao lớn, dao nhỏ, chà gạt. Sản phẩm là các vật dụng đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày từ vách nhà, kho lúa, đến các đồ dùng để sản xuất như gùi, giỏ xúc lúa, nong, nia, các loại bẫy chim, cá, thú... Riêng chiếc gùi là một vật dụng làm bằng lồ ô, mây, được đan thủ công rất tinh xảo và phổ biến. Có nhiều loại được coi là sản phẩm tiêu biểu, điển hình cho kỹ thuật đan lát như gùi. Gùi thường dùng để đựng củi, mì, khoai... tùy theo công dụng mà người Kơho đan cho phù hợp.

Nghề rèn:

Nghề rèn của người Kơho ở Đồng Nai không mang tính chuyên nghiệp, công việc thường bắt đầu vào lúc gần phát rẫy để sửa sang dụng cụ của nhà nông như chà gạt, cuốc, cào, dao... cho sắc bén. Dụng cụ để làm nghề rèn đơn giản hơn nhiều, gồm có: cái đe, mấy cái búa, cái cặp, ống thổi lò... Thợ rèn gồm có ba người: thợ cả đập, một thợ phụ kéo tạo hơi và một người mài công cụ. Từ nguyên liệu bằng sắt, người thợ rèn đã tạo ra những sản phẩm như chà gạt, cuốc, dao nhỏ, rìu... dùng trong sản xuất và sinh hoạt.

Các bước để tiến hành rèn công cụ còn khá thủ công, nguyên liệu sắt được đem ghè, cắt đập nhỏ, tạo dáng công cụ rồi lùi vào trong lò than được nung đỏ. Hai ống thổi do một người đứng thụt lên xuống để tạo gió thổi hơi cho than cháy đỏ đến độ có thể chảy quặng. Người rèn cũng cần đòi hỏi phải có kỹ thuật, nhìn lửa biết lửa non lửa già, tránh để sắt bị tôi già quá. Sản phẩm chưa hình thành được đưa vào nung đỏ, tới khi được đưa ra đe để đập, cắt, tạo dáng cho đến khi hoàn thành công cụ, đem nhúng vào nước cho cứng lại và mài sắc.

Nghề rèn đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người, sự kiên trì và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị vật chất vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc.

Nghề dệt thổ cẩm:

Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của phụ nữ người Kơho. Trước kia, người con gái Kơho được cha mẹ dạy cho dệt thổ cẩm ngay từ lúc mới 7-8 tuổi đến năm 12 - 13 tuổi là dệt khá thông thạo. Nghề dệt thổ cẩm cũng là một trong những điều kiện ban đầu của các thiếu nữ trước khi lấy chồng, họ phải miệt mài dệt để tự may cho mình bộ đồ cưới theo truyền thống dân tộc, một cái gối đôi, một cái mền, một bộ quần áo cho chồng và hai cái khăn quàng cổ cho cặp uyên ương. Họ rất cần mẫn dệt thủ công bằng khung dệt nhỏ với thoi luồn bằng tay từng sợi một…

Về khung dệt thổ cẩm, có nhiều bộ phận khác nhau, rời nhau dài trên lm dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang. Khi giăng sợi dọc lên khung, lắp các bộ phận vào nhau thì khung dệt mới chính thức được hoàn thành. Lúc hoàn thành một sản phẩm dệt, người ta tháo các công cụ ra thì khung dệt chỉ là những bộ phận tách rời nhau. Dệt bằng tay với một số bộ dụng cụ được các nhà dân tộc học gọi là khung dệt kiểu Inđônêdiêng, gồm nhiều bộ phận rời nhau và chỉ khi dệt chúng mới được liên kết lại thành một hệ thống tạo thành khung, có sự tham gia trực tiếp của chính người thợ dệt.

Tư thế dệt, người dệt ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt, người thợ dùng chân và lưng của mình căng giàn sợi. Bộ khung dệt của người Kơho cho phép người dệt một cách từ từ theo nhịp đan chậm rãi của mình. Thảm sợi được giăng thành võng kín chia thành hai tầng: tầng trên và tầng dưới. Tầng trên sau khi đã được dệt thành mặt vải có thể hoán vị cho tầng dưới mới chỉ là những thảm. dọc, việc luân chuyển đó cứ được diễn ra suốt trong quá trình dệt. Việc dệt chỉ được tiến hành ở tầng trên nên ngay ở tầng này người dệt cũng phải phân thành hai tầng nhỏ hơn, cũng một tầng trên và một tầng dưới. Một tầng là các sợi lẻ 1, 3, 5, 7... một tầng là các sợi chẵn 2, 4, 6, 8... Hai tầng nhỏ ở mặt trên này được tuần tự và liên tục đảo vị trí cho nhau, trên xuống dưới, dưới lên trên và ngược lại. Sau mỗi lần đảo, người dệt lại luồn sợi ngang qua khe hở của hai tầng vừa đảo, cứ thế liên tục điệp sợi ngang vào sợi dọc cho thành mặt vải.

Ở công đoạn luồn sợi chỉ vào khung dệt, nếu người thợ có ý tưởng sáng tạo hoa văn thì thực hiện cùng lúc với luồn chỉ. Khi tấm vải dệt rời khỏi khung thì trở thành các sản phẩm áo, mền, chăn, váy với nhiều màu sắc hoa văn. Để tạo các hoa văn, người dệt sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí được lựa chọn, rồi trong quá trình dệt những sợi chỉ ngang sẽ tạo ra các dải hoa văn nằm ngang trên áo, váy, khố... Các họa tiết hoa văn thường gần gũi với thiên nhiên diễn đạt về tình cảm, phản ánh các sinh hoạt đời sống thường ngày của người Kơho.

Đối với dân tộc Kơho, họ quan niệm rằng nền vải màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó, lúc sống cũng như lúc chết; màu đỏ tượng trưng cho sự đam mê, cho sự vươn lên, cho khát vọng, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Các mô hình hoa văn bố cục, cách thức trang trí trên thổ cẩm đều thể hiện theo chiều ngang của tấm vải khi dệt.

Trải qua quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại, sự giao lưu hợp tác, sự du nhập của nhiều ngành nghề khác nhau. Hiện nay, nơi đồng bào người Kơho sinh sống, nghề đan lát, nghề rèn và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Kơho đã dần bị mai một, một số nghề truyền thống đã không còn hoặc số người biết làm nghề thì còn rất ít. Do đó, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nghề thủ công truyền thống của dân tộc Kơho, các ngành chức năng cần có những động thái tích cực hơn về nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc bản địa để sắc màu văn hóa dân tộc luôn được lưu giữ mãi đến mai sau.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.