Người Mường là một trong hơn 40 dân tộc thiểu số ở Đồng Nai với dân số là 3.243 người. Người Mường có nguồn gốc từ các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ di cư đến Đồng Nai từ năm 1954. Ngôn ngữ của người Mường là tiếng Việt Mường. Trước đây, người Mường sống rải rác ở các địa phương khác như Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán. Ngày nay, người Mường sống tập trung ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán với khoảng 226 hộ/1.922 nhân khẩu (số liệu thống kê của xã Phú Túc ngày 30/7/2006).
Người Mường ở Đồng Nai có nhiều di sản văn hóa vật thể đặc trưng tiêu biểu cho phong tục tập quán. Những hiện vật chứa đựng trong đó ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Những hiện vật thường thấy như: mâm gỗ, dao đi rừng, dao bài, ngư cụ, nơm, đó, giỏ mây tre, giỏ đeo, điếu cày, trái đúm (trái còn), gối, mền... tuy là những hiện vật giản dị, đơn sơ nhưng chất chứa nhiều đặc trưng văn hóa của một dân tộc.
- Nỏ:
Dùng để săn bắn thú rừng. Hình dáng giống như nỏ của các dân tộc bản địa. Người Mường dùng nỏ để săn bắn thú, khi gặp thú rừng, người ta dùng nỏ bắn vào con thú mà không gây tiếng động.
- Dao đi rừng:
Dao đi rừng gồm có lưỡi dao kim loại mũi nhọn, chuôi gỗ có vỏ dao cũng được làm bằng gỗ để giắt thắt lưng. Đặc biệt trên vỏ dao có thắt bằng sợi dây dù nhiều vòng với nhiều mối thắt tạo hoa văn và bỏ hai đầu ra ngoài để cột lại khi giắt vào thắt lưng. Con dao với chức năng đi rừng để phát cây làm rẫy, tự vệ phòng thân. Con dao còn để chặt cây, phát quang, làm nhà, chẻ củi…
Ngoài chức năng trên, con dao còn được sử dụng và đeo dao cũng rất khác nhau tùy thuộc vào gia cảnh mà người Mường sẽ sử dụng hoặc khi gia đình có người chết.
- Dao bài:
Là loại dao nhỏ, có mũi nhọn được sử dụng để cắt thịt, rau củ, cắt chỉ may vá. Trong đám cưới, cô dâu Mường đem theo con dao bài đầu cắm một lát gừng về nhà chồng với ý nghĩa trừ tà ma và thể hiện sự đảm đang khéo léo, chuẩn bị đầy đủ và tránh được sự xui sẻo trong đời sông gia đình sau này.
- Mâm gỗ:
Đây là loại mâm dùng trong sinh hoạt gia đình và lễ hội của người Mường. Mâm hình khối vuông, dài, vành mâm vuông góc với đáy, mâm có chân cao. Trong gia đình người Mường sử dụng mâm để sắp đặt đồ ăn. Đặc biệt khi gia đình có tang, người Mường không ăn cơm bằng mâm gỗ mà thay vào đó ăn cơm sắp trên nia cho đến khi chôn người chết mới được ăn bằng mâm gỗ.
Trong lễ hội làng, người Mường sử dụng mâm gỗ bày lễ vật cúng thần trong lễ khai hạ (hạ nêu), lễ hạ điền, lễ thượng điền và lễ cơm mới ở các dền miếu. Mâm gỗ là hiện vật sinh hoạt dân gian tiêu biểu,
- Ống bương nước: làm bằng cây lồ ô, chọn lấy đoạn dài cắt dưới mắt để làm đáy. Đầu trên cắt hở để làm miệng. Dùng lá chuôi hoặc lá tre để làm nút giắt miệng ổng. Ống bương được người Mường sử dụng để vận chuyển nước (vác nước) về nhà. Trong đám tang, ống bương được con gái cầm theo đặt dưới chân huyệt mộ để làm lễ an táng cho người chết.
- Giỏ mây tre:
Có hai loại giỏ đeo cho nữ và đeo của nam giới. Giỏ nữ là loại giỏ được đan bằng mây tre theo hình khôi bầu dục, đáy chữ nhật có 4 cạnh, miệng hình bầu dục. Đáy đan nan thẳng còn phần giỏ lên bằng kiểu đan nan đôi, nan ba có hình ô trám. Một mặt đeo áp vào lưng thì phẳng có dây đeo, còn mặt ngoài thì cong lồi.
Giỏ đeo của nam giới có miệng đan hơi tròn, đáy hình vuông đan nan lớn kiểu ô vuông phình ra và thon nhỏ lại ở phần miệng. Giỏ đeo mây tre được người Mường tự đan và sử dụng trong sinh hoạt sản xuất, đeo sau lưng để dựng nông cụ, hạt giống hoặc nông sản giống như gùi của các dân tộc bản địa khi đi lao động ngoài ruộng rẫy.
- Ống điếu cày:
Đây là hiện vật khá đặc biệt trong kho tàng văn hóa dân gian người Mường, hiện vật liên quan đến phong tục hút thuốc của đàn ông và phụ nữ Mường. Người Mường có thói quen hút thuốc bằng điếu cày (kể cả nam giới và nữ giới). Ống điếu của đàn ông thường nhỏ hơn ống điếu của phụ nữ. Hầu hết phụ nữ Mường trước kia đều biết hút thuốc lào bằng điếu cày. Họ hút thuốc từ lúc còn trẻ cho đến khi qua đời.
- Gối đầu:
Những chiếc gối của người Mường mới thật độc đáo. Bộ gối của người Mường có nhiều loại với chức năng khác nhau như: gổì đầu, gối dựa lưng ngồi, gối kê tay... Tùy theo chức năng sử dụng mà gối có kích cỡ lớn hay nhỏ. Gối hình khôi chữ nhật, hai đầu hình vuông và được trang trí khéo kéo, độc đáo, lạ mắt. Giá trị mỹ thuật của gối Mường chính là điểm trang trí, tạo hình ở hai mặt hông gối. Bên ngoài gối luôn được bọc vải có thể là màu trơn hoặc vải bông. Gối thường được những người phụ nữ lớn tuổi khéo tay tự làm để dành tặng cho con gái hoặc cháu gái sau này làm của hồi môn đem về nhà chồng.
- Mền đắp:
Đây cũng là đồ vật làm của hồi môn của cô dâu về nhà chồng. Mền bằng vải thổ cẩm do người Mường tự dệt lấy. Do vậy, để có được tấm mền rộng, người ta ráp nhiều miếng lại với nhau thành một tấm mền lớn, xung quanh cạp thêm phần vải khác làm viền. Phần dệt thổ cẩm thường có các màu xanh lục, dỏ, đen, vàng, hồng, hoa văn sọc với những đường hình học nối liền nhau. Những mảng dệt thổ cẩm với những hoa văn trang trí và cách ráp nối tạo khổ rộng của mền và phần cạp viền cũng là những phần trang trí mỹ thuật tạo sự đẹp mắt cho mền.
Thiếu nữ Mường thường phải học nhiều việc nữ công trong gia đình trong đó có công việc dệt thổ cẩm, làm gối, may quần áo... Chiếc mền được các cô dâu tự dệt làm của hồi môn đem về nhà chồng thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người con gái Mường đến tuổi lập gia đình. Trong các dịp lễ hội của người Mường trước đây, nam thanh nữ tú tập trung tổ chức thi ném còn. Người ta dựng một cây nêu, treo sẵn một vòng tròn lớn. Các nam thanh nữ tú chia thành từng tốp thay phiên nhau cầm tua trái còn quay thành nhiều vòng lấy lực rồi tung qua vòng tròn trong sự cổ vũ hò reo của đông đảo dân làng. Trò chơi này cũng thể hiện sự tỏ tình của đôi trai gái…
- Đó bắt cá:
Đó bắt cá là dụng cụ đánh bắt cá của người Mường. Nhìn chung, đó bắt cá của người Mường không giống đó của người Việt. Đó được đan bằng nan tre mỏng. Hình dáng giống hình thoi, ở giữa phình tròn rộng, còn hai đầu nhỏ (một đầu kín nhọn, một đầu để miệng tròn hở để gắn hom hoặc nút để lấy trút cá). Phần giữa đó, nơi phình rộng có hai hom đặt ngược chiều liền kề nhau. Mỗi hom có miệng hình ôvan để đặt bắt cá.
- Bàn thờ Thổ công (thần Đất):
Người Mường có phong tục lập bàn thờ Thổ công ở ngoài trời. Hầu như trước mỗi ngôi nhà người Mường đều có một bàn thờ Thổ công. Bàn thờ Thổ công của người Mường tựa như ngôi miếu (am) nhỏ dựng thành kiến trúc giống như nhà sàn có ba vách và mái (lợp cỏ tranh hoặc tôn). Bên trong đặt 1 bát nhang, 1 chén nước, bình bông... Hàng ngày, người Mường đều thắp nhang cho bàn thờ Thổ công trước nhà. Đây là một trong những tín ngưỡng dân gian thờ Thổ công của người Mường được bảo lưu cho đến nay.
Vật thể của người Mường thể hiện được giá trị văn hóa ứng xử của người Mường trong cộng đồng xã hội, các phong tục tập quán vẫn luôn được bà con người Mường bảo tồn và duy trì cho đến nay. Mặt khác, những hiện vật nói lên được đặc trưng, bản sắc văn hóa của người Mường dù sống xa quê hương, bản quán, nhưng nó luôn thể hiện tính phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai.
Đinh Nhài