Bật chế độ truy cập dễ dàng hơn Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Nghề thủ công truyền thống của người S'tiêng

Bài đăng

Nghề thủ công truyền thống của người S'tiêng

S’tiêng là tên gọi chính thức của một dân tộc ít người mà địa bàn cư trú chính ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, với các tên gọi khác nhau như X’tiêng, Xa điêng, Tàmun, Bà Tô, Bù Đip,… Ở Đồng Nai, người S’tiêng cư trú ở Tân Phú (tập trung đông nhất ở xã Tà Lài), Xuân Lộc (xã Xuân Hưng) và Long Thành (xã Tân Hiệp) với dân số 281 hộ (1344 nhân khẩu), xếp thứ 11/40 dân tộc anh em.

 Người S’tiêng có nhiều nghề thủ công như đan lát, nghề rèn công cụ lao động, nghề dệt.

Nghề đan lát: Nghề đan lát xuất hiện từ rất lâu đời trong cư dân S’tiêng. Sản phẩm của nghề đan lát khá đa dạng về loại hình cũng như công dụng như gùi, rổ, rá, giỏ, nong, phên... Các sản phẩm của đan lát chủ yếu dùng trong việc chứa đựng, tích trữ hay vận chuyển nông sản. Ngoài ra, người S’tiêng sử dụng đo lường (như: gùi, thúng, rổ) hay để hong, phơi (như: nia, nong...) hoặc làm tấm che (như: phên, cót). Nghề đan lát của người S’tiêng làm ra sản phẩm chủ yếu phục vụ trong gia đình và thỉnh thoảng dùng để trao đổi (hàng đổi hàng) giữa các nhóm cộng đồng dân cư với nhau nhưng không đáng kể.

Nguyên liệu cho việc đan lát được khai thác trong môi trường tự nhiên như tre, nứa, lồ ô, mây, song, nhưng thông dụng nhất là lồ ô và dây mây. Các công đoạn trong nghề đan lát như: khai thác có lựa chọn từ rừng, đem về vót chuốt kỹ, bỏ phần ruột, lấy phần cật phơi khô, ngâm nước, phơi khô trước khi sử dụng và tạo màu sắc cho sản phẩm. Đan là công đoạn cuối cùng, sau khi xử lý nguyên liệu thô thành nguyên liệu tinh và nhuộm màu, người thợ tiến hành đan sản phẩm. Kỹ thuật đan của người S’tiêng thường là đan lóng một, lóng đôi, lóng ba... Tuỳ theo công dụng của từng sản phẩm mà người S’tiêng áp dụng cho từng kỹ thuật đan.

Trong sản phẩm của nghề đan lát, gùi (xá) là sản phẩm thông dụng trở thành dụng cụ phổ biến nhất của người S’tiêng. Gùi được dùng đựng đồ dùng, lương thực, nước uống... mang bằng hai quai luồn qua vai. Có nhiều loại gùi với những kiểu dáng khác nhau với những công năng khác nhau. Gùi nan chặt để cõng lúa, gùi nan thưa để mang nước, củi, rau, củ... về kỹ thuật đan có thể phân biệt những dạng gùi theo kiểu thức thể hiện như gùi miệng đứng, gùi miệng loe, gùi mắt cáo. Với đặc điểm cõng vác trên lưng nên gùi rất thuận lợi cho người S’tiêng sử dụng trong nhiều tư thế, địa hình khi di chuyển.

Nghề rèn: là một trong những nghề có sớm trong cộng đồng S’tiêng. Trong mỗi sóc của người S’tiêng thường có một hoặc hai, ba gia đình làm nghề rèn. Đây là công việc đòi hỏi sức nhiều nên thường do người đàn ông đảm nhiệm. Sản phẩm của nghề rèn là các loại công cụ để sản xuất hay dùng trong sinh hoạt hằng ngày có tính năng như cắt, chặt, cuốc đất, làm cỏ... Sản phẩm của nghề rèn được chế tác chủ yếu để phục vụ cho gia đình hay trao đổi trong cộng đồng như xà gạc, xà bất, dao côi, các loại cuốc, rìu.

Bộ dụng cụ làm nghề rèn của người S’tiêng ở Đồng Nai khá đơn giản và có những nét tương đồng với các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Bếp lò đắp bằng đất, hai pống tạo hơi, một miếng đe bằng sắt và các dụng cụ như kéo, đồ gắp, đá mài... Cần nung kim loại, người thợ cho sắt vào bếp lò, dùng ống thụt tạo hơi làm cho bếp đỏ đủ nhiệt độ cho kim loại có độ mềm. Hai ống tre cao từ 0,8 mét trở lên được đục thông phần mắt bên trong. Có hai cây thụt tạo hơi ở phía trong ống, đầu làm bằng gỗ, đẽo tròn, cột thêm vào phần đầu một chùm lông vũ hoặc ngọn đót. Có hai cán vượt ra khỏi ống hơi. Phía dưới hai ống hơi được khoét hai lỗ tròn để gắn với hai ống tre nối vào bếp lò.

Khi thực hiện các công đoạn rèn, thường có hai người. Một người kéo ống tạo hơi theo một lỗ thông vào bể lò làm cho than nóng lên để nung những kim loại nóng đỏ. Khi kim loại nóng đỏ được thì người thợ lấy ra đặt trên đe và dùng búa rèn tạo sản phẩm... Một số sản phẩm nghề rèn tiêu biểu của người S’tiêng có tính năng rất cao. Loại chà gạc là công cụ phổ biến nhất để phát, chặt cây rừng, làm rẫy; trong nhiều trường hợp, có thể sử dụng như một loại vũ khí. Cuốc là loại công cụ làm cỏ rẫy rất bén. Dao, rìu là công cụ có nhiều chức năng trong sinh hoạt đời sống của người S’tiêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống giao lưu, buôn bán với các dân tộc và các vùng khác ngày càng phát triển. Các công cụ lao động, sản phẩm dùng trong sinh hoạt bằng sắt được bán nhiều ở chợ phiên nền nghề rèn truyền thống của người S’tiêng đã bị mai một.

Nghề dệt thổ cẩm: là nghề có từ rất sớm trong cộng đồng người S’tiêng ở Đồng Nai và thường do người phụ nữ đảm nhiệm. Tuy vậy, trong nghề dệt thổ cẩm có nhiều khâu nặng nhọc cần góp sức của đàn ông. Sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm S’tiêng rất đa dạng như: qụần, tấm đắp hay váy, khố, túi xách, địu con... rất bền, đẹp và độc đáo. Sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu để phục vụ chính cho nhu cầu trong sinh hoạt, làm vật dụng tùy theo công năng của chúng. Bên cạnh đó, sản phẩm thổ cẩm còn dùng để đổi theo nhu cầu người sử dụng hoặc làm lễ vật khi gia đình tổ chức những sự kiện quan trọng cho hôn nhân của con cái.

 

Khung dệt thổ cẩm của người S’tiêng đơn giản, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo kích thước cửa sản phẩm cần dệt mà người thợ sử dụng cho phù hợp. Khung dệt của người S’tiêng chủ yếu là tre, nứa, gỗ, trong đó tre, gỗ chiếm 85 - 90%. Tương ứng với từng công đoạn sẽ có những công cụ cũng được khai thác, chế tạo từ những loại cây trong tự nhiên: dây cung, sa cán sợi, se sợi, sa kéo sợi đến khung dệt.

Khi dệt, thợ dệt phải ngồi duỗi hai chân đạp vào thanh lồ ô căng sợi, đầu còn lại dùng dây buộc vào thanh căng sợi sát bụng sau đó luồn dây buộc cố định vào thắt lưng, tiếp đến dùng thoi và rất nhiều công cụ bổ trợ khác để chia sợi và luồn sợi, nêm sợi. Mặc dù khung dệt đơn giản nhưng người S’tiêng luôn có những sản phẩm chắc, bền đẹp, đa dạng về mẫu mã và hoa văn. Làm ra một sản phẩm thổ cẩm người S’tiêng mất nhiều thời gian trồng nguyên liệu và trải qua nhiều công đoạn như: trồng bông, se sợi hoặc đẽo vỏ cây rừng ngâm nước, dập tơi ra sau đó se sợi. Màu của sợi được nhuộm theo kinh nghiệm của cộng đồng, lấy vỏ, lá cây rừng chế thuốc nhuộm. Sợi đem phơi khô và dệt. Trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều công sức nên sản phẩm dệt truyền thống của người S’tiêng luôn được định giá cao. Trước đây, một tấm đắp thổ cẩm có giá trị trao đổi ngang giá một con trâu.

Trong xã hội hiện nay nguyên liệu từ tự nhiên khan hiếm dần. Đồng thời, nguyên liệu sợi công nghiệp được bán rộng rãi nên người S’tiêng đã bỏ dần các công đoạn trồng bông, xe sợi, làm thuốc nhuộm... Nhưng mẫu mã hoa văn truyền thống vẫn được duy trì trang trí trên các sản phẩm dệt của người S’tiêng.

Ngày nay, dưới chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc trong đó có đồng bào S’tiêng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi bằng nhiều hình thức để phát triển kinh tế nên hoạt động kinh tế của người S’tiêng có nhiều biến chuyển tích cực, góp phần vào việc cải thiện đời sống xã hội, văn hóa tinh thần của đồng bào.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.