Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > TỤC HÚT THUỐC LÀO CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ MƯỜNG TẠI ĐỒNG NAI

Bài đăng

TỤC HÚT THUỐC LÀO CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ MƯỜNG TẠI ĐỒNG NAI

 “Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”

 

Đây là không chỉ là câu nói cửa miệng “độc quyền” của đàn ông nghiện thuốc lào mà cũng là tâm tư của đa phần phụ nữ dân tộc Mường. Dù biết là độc hại nhưng với các bà, các cô “ăn” thuốc lào đã như một tập tục, một văn hóa từ nhiều đời. Với người dân tộc Mường nơi đây, họ không chỉ quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện” mà thuốc lào cũng được xem là thú tiêu khiển bậc nhất cho sự khởi đầu của cuộc chuyện trò.

Như ta thấy từ bao đời nay, những người đàn ông cũng như người phụ nữ Mường vẫn giữ gìn những tập tục ban sơ trong văn hóa của dân tộc họ. Nếu chúng ta có dịp đi lên miền núi tỉnh Hòa Bình, sẽ bắt gặp một nét văn hóa khá lạ của người Mường. Trong nhà cũng như ngoài ngõ đâu đâu ta cũng dễ dàng thấy hình ảnh những người phụ nữ Mường đang ngồi hút thuốc lào. Đó là nét chấm phá trong văn hóa truyền thống của người Mường.

Người Mường cư trú nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, riêng Hòa Bình được mệnh danh là đất cổ, nơi là nôi sinh ra họ. Cho nên có rất nhiều di chỉ văn hóa Hòa bình với niên đại trên dưới một vạn năm. Cuộc sống của người dân ở đây phụ thuộc phần nhiều vào nương rẫy nên còn khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của họ lại rất phong phú với những tập tục và nếp sống mang tính giao thoa Việt – Mường rõ nét. Và một trong những nét sống đậm bản sắc vùng miền nhất đó là tục hút thuốc lào được truyền đời qua nhiều thế hệ.

Năm 1954 - sau hiệp đinh Giơnevơ, người Mường bắt đầu di cư vào miền Nam chủ yếu tập trung sinh sống tại ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán. Khi di cư đến Đồng Nai, sống trên vùng đất mới, với hoàn cảnh mới nhưng tục hút thuốc lào của người Mường - nét văn hóa độc đáo của họ vẫn luôn được gìn giữ và bảo lưu cho đến ngày nay.

Tại xã Tân Lập, ở ngôi làng nay chúng ta không chỉ thấy có cánh đàn ông hút thuốc lào mà chị em phụ nữ đủ mọi lứa tuổi cũng “chơi” rất chuyên nghiệp và thậm chí đôi khi họ còn hút thuốc nhiều hơn. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ của bà Phùng Thị Lan ở khu dân cư 5, ấp Tân Lập, chúng ta sẽ không mấy bất ngờ khi nhìn thấy bà ngồi hút thuốc một cách say xưa và chuyên nghiệp. Với vẻ đầy tụ hào ánh lên trong đôi mắt rạng ngời của bà khi nói về lịch sử gia đình mình, bà cho biết: “Gia đình bà hút thuốc từ nhiều đời, ông bà, bố mẹ hút thuốc rồi đến đời bà cũng hút thuốc”. Khi hút xong điếu thuốc đầu tiên và thả mình miên man vào làn khói bà Lan nói cho hay: “Hút nhiều nó đâm nghiện, thiếu nó thì khó chịu cả ngày không làm được gì, mồm miệng lúc nào cũng thấy nhàn nhạt, khổ lắm, mỗi khi đi làm về việc đầu tiên tôi làm là hút điếu thuốc”. Tục hút thuốc lào của người phụ nữ Mường xuất phát từ truyền thống lâu đời, rất nhiều người trong số họ hút thuốc theo thói quen từ đời ông cha, nhưng cũng có không ít người tìm đến nó vì nghiện một mùi, vị nào đó của thuốc lào.

Trong nhà người Mường ở ấp Tân Lập, chúng ta sẽ bắt gặp hầu như nhà nào cũng có chiếc điếu cày được đặt cẩn thận và trang trọng tại nơi phòng khách. Nhà nào có cả chồng và vợ hút thuốc lào thì sẽ có hai cái điếu cày. Nhưng điếu cày của người đàn ông khác với điếu cày của người phụ nữ ở chỗ: điếu cày của người phụ nữ có thân điếu to hơn, dài hơn và không có chân chống; còn điếu cày của người đàn ông có thân điếu nhỏ hơn, ngắn hơn và có chân chống. Còn điếu cày của người Mường ở miền Nam có chút khác biệt với điếu cày ở miền núi (tỉnh Hòa Bình), thân điếu được làm bẳng cả khúc bương dài, to hơn nhiều so với chiếc điếu làm bằng ống tre, ống nứa quen thuộc. Người hút phải vục gần hết khuôn mặt vào miệng điếu đồng thời chụm hai tay lại cho kín khỏi rồi “bập bập” nhiều lần mới hết một điếu thuốc lào. Nhà văn Nguyễn Xuân Chiến từng miêu tả về những chiếc điếu mà ba bốn người phụ nữ mới hút xuể: “Những cái điếu thuốc lào làm bằng ống bương to được chuyền tay vòng tròn, các mế, các chị dùng cặp nặp gắp than, khéo léo bịt bàn tay nơi đầu ống điếu đốt từng góc thuốc. Có đến nửa vòng tròn thì khói mới lên đến miệng người”.

Người phụ nữ nơi đây mỗi khi ra đồng, lên rẫy, ngoài những dụng cụ cần thiết của công việc đồng áng, họ cũng không quên mang theo bên mình cái điếu cày. Với họ, điếu cày không chỉ là một vật bất ly thân mà còn là cái “món” nuôi sức lao động, và nếu như họ không được hút thuốc thì mọi hoạt động với họ cũng sẽ dừng lại. Với những người đã hút quen thì khó lòng mà từ bỏ được, họ có thể nhịn ăn vài ba ngày chứ không thể nhịn thuốc, hay những lúc cảm thấy nhạt miệng, chân tay bủn rủn chỉ cần rít một điếu thuốc lại có thêm sinh lực để lao vào công việc. Từ đó thuốc lào đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, tinh thần của người Mường.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đối với người phụ nữ Mường lớn tuổi, hút thuốc lào như một thói quen thấm sâu vào trong nếp sống, nếp sinh hoạt hàng ngày của họ. Mặc dù biết điều đó có thể làm cho sức khỏe suy kiệt, răng bị ố vàng, đen xạm, đôi khi còn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ, thế mà họ vẫn không sao từ bỏ được. Chính những điếu thuốc lào đã giúp những người phụ nữ xích lại với nhau, khi cùng hút thuốc họ kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn đang diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ. Điều đáng mừng là ngày nay thế hệ trẻ của người Mường đã ý thức được tác hại của việc hút thuốc lào ảnh hưởng đến sức khỏe, nên hầu như các em không hút thuốc và cũng không còn bị chi phối bởi truyền thống gia đình.

Hút thuốc lào là có hại cho sức khỏe, điều đó là tất nhiên, xong đứng ở khía cạnh văn hóa thì đây là phong tục sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Mường được hình thành từ thời xa xưa. Người Mường ở Đồng Nai tuy số dân không đông, xong nhờ vào sự nổ lực của bản thân, họ đã cùng góp sức xây dựng và phát triển mảnh đất Đồng Nai trở nên giàu đẹp. Với bản sắc văn hóa riêng, phong tục tập quán riêng người Mường đã góp phần làm phong phú, đa dạng diện mạo văn hóa con người Đồng Nai.

Dù ngày nay, việc hút thuốc lào không còn phổ biến ở phụ nữ tuổi mới lớn nhưng đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường, chính phong tục này đã góp thêm vào nền văn hóa đa màu sắc của các dân tộc Việt Nam.

Quỳnh Giang

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.