Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Vài nét văn hóa tương đồng của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai

Bài đăng

Vài nét văn hóa tương đồng của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai

Dung Nguyen

           Đồng Nai là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ của nước ta, với kiểu địa hình đa dạng nên tập trung khá nhiều các dân tộc sinh sống tại đây. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam tới năm 2009, tỉnh Đồng Nai  có đủ 54 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó nhiều nhất là người Việt, đến người Chơ Ro, người Mạ, người Hoa, người Stiêng, Cơho,… Điều đó tạo nên một cộng đồng tộc người với lối văn hóa phong phú đa dạng mà thống nhất.

           Tuy mỗi dân tộc đều mang cho mình một màu sắc riêng không lẫn biệt, nhưng nhìn chung là đều có những nét tương đồng  văn hóa về vật chất và tinh thần mang màu sắc của nền văn hóa Đông Nam Á. Qua quá trinh giao lưu tìm hiểu, các dân tộc đã có sự ảnh hưởng hoặc vay mượn một vài chi tiết nào đó trong văn hóa của nhau. Nó được thể hiện qua nhiều mặt trong đời sống  các dân tộc như: đời sống kinh tế, cấu trúc gia đình xã hội, nhà ở, trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán, và nhạc cụ truyền thống.

          Đa phần các dân tộc thiểu số thường tập trung sống trong rừng hoặc sườn đồi với địa hình núi cao. Chính vì thế đời sống kinh tế của họ đều bắt đầu với việc săn bắt thú rừng và hái lượm rau quả, với lối sống du canh du cư. Đàn ông thường vào rừng săn bắn tập thể hay làm nương rẫy với dụng cụ  ná, tên, dao, rìu, cuốc… Thiên chức của người phụ nữ thường là công việc dệt vải, chăm con và thêu thùa.                              

          Bà con dân tộc thiểu số thường trồng các loại thực phẩm như ngô, khoai, sắn, sau này họ đã biết trồng thêm lúa nước và dần trở nên thuần thục,rồi trở thành loại hình kinh tế chủ yếu của các dân tộc bản địa Đồng Nai. Ngày nay con em đồng bào đã được tới trường học chữ, học hỏi, mở mang đầu óc có ích rất nhiều cho đời sống bà con trong làng, giúp cho gia đình  thay đổi được các biện pháp trồng trọt chăn nuôi cải thiện được năng suất và hình thức sản xuất, hạn chế được lối sống du canh du cư vất vả ngày trước.

        Tổ chức xã hội của các dân tộc thường là làng, với sự tập hợp của một dòng họ hoặc khác họ xen kẽ. Đứng đầu làng thường là già làng có tên gọi khác nhau tùy từng dân tộc, người Sán Chay gọi là ông Khán, người Dao gọi là Chẩu con hoặc Giằng châu, người Chơ Ro gọi là Voh yang va, người Mạ gọi là Quăng bon...Già làng là người lớn tuổi có tiếng nói và sự uy tín nhất định đối với mọi người trong làng, có quyền hành giải quyết mọi việc. Trong làng thường có những tục lệ riêng để hướng con người vào những điều tốt việc thiện như thờ thần linh,không được chửa hoang, không được loạn luân…  Mỗi làng có một ngôi nhà chung để sinh hoạt cộng đồng, để tiếp khách, bàn luận những việc lớn, nơi thực thi các luật tục, và giải quyết các vấn đề của làng, người Cơ Tu có nhà Gươl, người Xơ Đăng, Tà Ôi có nhà Rông…Gia đình trong các làng thì ít có sự phân hóa giàu nghèo. Các dân tộc trước kia theo chế độ mẫu hệ thì người phụ nữ có quyền hành rất lớn, ông cậu( anh trai của mẹ) có quyền quyết định mọi việc trong nhà. Ngày nay chế độ mẫu hệ không còn, mà thay vào đó là chế độ phụ hệ, người nam đã thay thế vị trí của người nữ trong giải quyết các vấn đề của gia đình. Người cha, người chồng, người con trai có quyền làm chủ. Tới thời điểm hiện tại thì cả nam và nữ đều đã có chỗ đứng bình đẳng trong xã hội, ai làm việc tốt thì được trọng dụng chứ không còn phân biệt giữa nam và nữ nữa.                                

         Về vấn đề cưới xin: đa phần các đôi trai gái của đồng bào dân tộc đều được tự do tìm hiểu, yêu đương, nhưng đi đến hôn nhân lại chủ yếu do bố mẹ và lá số tử vi quyết định. Thách cưới là một điều đặc biệt của các dân tộc này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của bên nhà thông gia mà mỗi dân tộc và ở mỗi gia đình lại có màn thách cưới khác nhau. Đám cưới thường diễn ra với nhiều bước phức tạp, từ đánh tiếng, xin lá số tử vi, xem quẻ tốt xấu cho đôi trẻ, rồi dạm hỏi, ăn hỏi, đám cưới, đến lại mặt . Cùng các lễ vật phong phú như: trầu cau, gà, thịt lợn, rượu, vải, đồ trang sức…

        Một điều tương đối giống nhau giữa các dân tộc nơi đây đó là: khi người phụ nữ đến thời kỳ sinh đẻ đa phần đều không được đẻ trong ngôi nhà chính, thường là đẻ trong gian bếp hoặc là đẻ trong căn chòi được dựng tạm ngoài vườn. Cùng quan điểm “ hữu sinh vô dưỡng”. Hiện nay thì tư tưởng này đã không còn.

         Với địa hình cư trú tập trung trong rừng sâu, núi cao nên nhà của các dân tộc ở Đồng Nai chủ yếu là loại nhà sàn. Tùy thuộc mỗi dân tộc mà nhà sàn có độ dài ngắn khác nhau. Nhà sàn được dựng trên những cột trụ cao để tránh thú dữ, và sự ẩm ướt của môi trường. Nó thường “cao chừng 1,5m, dựng theo hướng đông tây tránh mặt trời đi qua đòn dông nhà, hai cửa hông có hai thang bằng tre hoặc gỗ.  thang người đi ở bên trái, thang chuồng gà ở tay mặt. Nhà có trổ một số cửa sổ, cửa ra vào không có cánh để đóng mở mà dựng như phiên liếp. Khoang giữa rộng rãi là nơi ngồi chơi ăn cơm. Khoảng sàn phía đông được đắp một ô đất chống cháy để làm bếp đun nấu. nửa sàn nhà phía tây là sạp tre dài cao hơn sàn một chút được trải chiếu đệm làm nơi ngủ của gia đình. Phía trên nơi ngủ là bàn thờ Nhang cúng nhang lúa”

        Về phần trang phục thì các dân tộc bản địa của tỉnh Đồng Nai có trang phục tương đối đơn giản. Ít có sự phân chia giàu nghèo qua trang phục, nó chỉ có sự phân chia theo giới tính và mục đích sử dụng. Họ đều tự dệt và làm nên những bộ trang phục cho dân tộc mình, cho gia đình mình. Phụ nữ có áo, váy, yếm, trang sức trên người, đàn ông thì có khố, áo, và tấm choàng, nhìn chung là kiểu dáng đơn giản giống nhau, chủ yếu là khác ở độ dài ngắn, màu sắc trang phục và họa tiết hoa văn thêu trên nền trang phục mà thôi. Đi kèm với trang phục là trang sức. “ Trang sức của các dân tộc tiêu bieur với những chuỗi hạt cườm đủ màu sắc, khuyên tai bằng ngà voi, khuyên tai bằng đồng, nhôm, kim loại, vòng đeo tay, vòng đeo cổ bằng bạc, vòng đeo chân xoắn nhiều vòng như lò xo, nhẫn đồng. Họ quan niệm lỗ tai càng rộng bao nhiêu thì càng đẹp bấy nhiêu cho tới khi đứt dái tai thì đó mới thật đẹp…Đó là phong tục cà răng căng tai của các dan tộc thiểu số.”

         Cũng giống như người Việt, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều có tục thờ tổ tiên và thờ thêm các vị thần. Họ quan niệm mọi vật đều linh thiêng, nên thờ tất cả những gì hiện hữu liên quan đến đời sống của họ như thần Núi, thần Sông, thần Rừng, thần Lúa…Lễ cúng thần Lúa là một trong những lễ cúng quan trọng của các đồng bào đân tộc, đến nay vẫn còn bảo tồn nhiều nét đặc sắc, (đặc biệt ở dân tộc Chơro). Bài khấn trong lễ cúng thần Lúa cũng tương tự nhau giữa các dân tộc, lời cúng được dịch có ý chung là: Cầu thần Lúa giúp đỡ để gia đình có lúa ăn, được vậy thì tôi mừng ăn gà vịt, heo, dê cả năm… Đừng làm cho tôi đói, tiếp tục cho tôi lúa (được mùa). Xin thần Lúa ăn heo, gà, vịt, dê cho tôi… Các dân tộc bản địa có điểm chung trong lễ vật cúng thần linh đó là trầu cau. Đây là một trong những nét đặc trưng của văn hóa phong tục Việt Nam.

         Mỗi một năm các dân tộc thường tổ chức các buổi lễ hội kéo dài hàng ngày, thậm chí cả tuần như lễ hội mừng Lúa mới của người Mạ, người Stiêng, lễ hội Đâm trâu, lễ cầu mưa...Để tổ chức một buổi lễ hội người ta phải chuẩn bị kỹ càng mọi thứ trong nhiều ngày với thật nhiều lễ vật như trâu, lợn, gà, trầu cau, gạo nếp, cơm lam…Cùng với các nghi lễ trịnh trọng là các tiết mục sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cộng đồng: múa, hát, đánh cồng chiêng, thổi khèn…Đó là cách mà người đồng bào dân tộc gửi lời cảm tạ tri ân tới thần linh đã ban cho họ một năm no đủ, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

        Chính vì có nhiều lễ hội như vậy mà người dân tộc bản địa đã chế tạo ra và sử dụng được rất nhiều loại nhạc cụ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp tiếng kèn môi, kèn lúa, khèn bầu, tù và sừng trâu, chiêng tre và cả cồng chiêng trong bản làng của họ. Kết hợp với tiếng kèn tiếng chiêng là các điệu múa, nhảy tập thể quanh đống lửa bập bùng ấm áp, nhâm nhi ly rượu nồng.

        Trải qua bao nhiêu năm tháng, cùng với sự phát triển của kinh tế và thời đại, văn hóa các dân tộc đã có những dấu hiệu mai một không còn thể hiện rõ nét như xưa nữa. Đa phần các dân tộc đều đã có sự ảnh hưởng và học tập rất nhiều bởi người Kinh. Đồng bào các dân tộc bây giờ đa phần đều mặc quần áo giống người Kinh trừ những ngày lễ tết, nhà cửa cũng đã làm nhà mái ngói, nhà mái bằng bên cạnh những ngôi nhà sàn, có nhiều phụ nữ cũng đã biết dùng mỹ phẩm, làm tóc giống phụ nữ người Việt. Nhưng giá trị tinh thần mà văn hóa truyền thống các dân tộc mang lại thì vô cùng quý giá. Chính vì thế nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, ngày 17/ 11/ 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định lấy ngày 19/ 4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Việc xác lập Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Để cùng với đại đa số người Việt tạo nên một ngôi nhà Việt Nam to lớn và hùng mạnh.

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.