Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > LỄ CÚNG LƠH YANGRƠ VÀ LỄ ĐÂM TRÂU CỦA NGƯỜI KƠHO

Bài đăng

LỄ CÚNG LƠH YANGRƠ VÀ LỄ ĐÂM TRÂU CỦA NGƯỜI KƠHO

Cùng với các tộc người Châu Ro, Mạ, S’tiêng, tộc người Kơ Ho được xem là cư dân bản địa của vùng đất Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Họ đã có quá trình lịch sử cư trú và phát triển lâu đời trên vùng đất này. Do quá trình cộng sinh lâu đời mà các mối quan hệ, những đặc trưng kinh tế, văn hóa, xã hội… của tộc người Kơ Ho có nhiều điểm tương đồng với các tộc người anh em khác. Sự giao thoa này được thể hiện rõ nét qua các hoạt động vật chất cũng như sinh hoạt tinh thần của đồng bào Kơ Ho. Đặc biệt, do sống xen kẽ và giao lưu mật thiết với các dân tộc, nhất là dân tộc Mạ và Mnông anh em nên một số nhóm Kơ Ho rất khó phân biệt với hai dân tộc trên, nhất là về ngôn ngữ.

Tộc người Kơ Ho sống phân bố thành dải dài từ phía Nam tỉnh Khánh Hòa đến Lâm Đồng, phía Tây tỉnh Bình Thuận tới phía Bắc tỉnh Đồng Nai, nhưng tập trung đông nhất là tỉnh Lâm Đồng. Cộng đồng dân tộc Kơ Ho bao gồm nhiều nhóm và ít nhiều phát triển trên những trình độ kinh tế xã hội khác nhau: Kơ Ho Xrê, Kơ Ho Chit, Kơ Ho Lạt, Kơ Ho T’ring,… và cách viết tên dân tộc Kơ Ho ở một số nơi cũng khác nhau: Cơho, K’ho, Kaho…

Người Kơ Ho sống tại tỉnh Đồng Nai hiện có 184 hộ với 807 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), đứng hàng 12/40 dân tộc đang sinh sống. Huyện có đông đồng bào định cư là huyện Tân Phú với 143 hộ, 621 khẩu, tập trung nhiều nhất ở các xã Phú Bình, Phú Trung và ngoài ra còn có huyện Long Khánh, huyện Xuân Lộc.

Người Kơ Ho quan niệm thần linh, ma quỷ chi phối đến đời sống nên họ tổ chức cúng kiếng để cầu xin. Người Kơ Ho tin rằng các vị thần rất thích ăn thịt và uống rượu nhưng tùy theo tầm quan trọng của buổi lễ mà đồng bào tế sống trâu, heo, dê hoặc gà, vịt cùng với rượu.

Trong số các nghi lễ của người Kơ Ho, những nghi lễ liên quan đến từng công việc làm rẫy, làm ruộng như gieo lúa, khi lúa trổ bông, thu hoạch lúa, cho lúa vào kho… là những lễ nghi quan trọng nhất và được tiến hành thường xuyên hơn. Đặc biệt là trong đời sống của người Kơ Ho thì lễ cúng Thần Lúa (Lơh Yang rơ) và lễ hội đâm trâu (Nhôxarpu) là hai lễ cúng quan trọng nhất. Cũng như dân tộc Mạ, người Kơ Ho tin rằng có một vị thần cao nhất là Ndu, họ cũng thờ cúng các vị thần đất, thần rừng, thần lúa, thần núi, thần sông…

Vào hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, người Kơ Ho tổ chức cúng Yang Lúa để tạ ơn Thần Lúa đã phù hộ cho họ một vụ mùa bội thu, thóc lúa đầy kho và hứa hẹn một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Qua đó, họ cũng cầu xin Thần Lúa phù hộ cho họ một vụ mới vào năm sau khá hơn năm trước. Cũng như các tộc người bản địa anh em, đây là ngày quan trọng nhất trong năm: đó kết thúc năm cũ và đón mừng năm mới với những điều mong ước được thần linh ban đến những điều tốt lành.

Trong ngày cúng, để dâng lên lễ vật cúng thần, họ thường tổ chức mổ lợn, giết dê hay gà, vịt và đặc biệt họ không bao giờ thiếu rượu cần. Trong lễ cúng Yang Lúa, người Kơ Ho lập bàn thờ Yang ở trong kho lúa của mình. Đối với người Kơ Ho thì cách trang trí bàn thờ Yang cũng khác với cách trang trí của các dân tộc khác như: bên trên được trang trí cây bông vải, cây bông tre đã được bôi tiết của con vật dùng để tế lễ. Bên dưới gồm các vật như: thính (cốm dẹp); bánh chưng, bánh dầy, củ khoai môn đỏ; bộ đồ lòng các con vật cúng; ly rượu, bó bông lúa; đọt mây… Hai sợi dây chỉ được đính bông trắng nối liền từ tầng trên của bàn Yang đến bình rượu cần, dùng làm dây dẫn đường về Yang đến được với bình rượu và các vật tế lễ.

Trong lúc hành lễ, người lớn tuổi hay già làng trong làng sẽ đọc lời gọi Yang với nội dung tạ ơn, cầu xin… Lễ cúng Yang Lúa được tổ chức ở kho lúa trước xong rồi mới được di chuyển vào nhà ở.

Đây là lễ hội lớn xảy ra trong thời điểm rảnh rỗi, mang tinh chất ăn mừng. Lễ hội thường diễn ra từ 3 đến 7 ngày trong không khí vui vẻ. Trong điệu nhạc cồng chiêng (ching và gong) với men rượu cần, mọi người cùng nhau nhảy múa, hát hò, kể chuyện, làm quen… Đây cũng là dịp để mọi người đến xem và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Kơho .

Lễ đâm trâu (Nhôxarpu) diễn ra trong dịp cúng cầu an cho làng hay để thông báo với toàn thể dân làng về mối tình anh em kết nghĩa. Lễ vật dùng cho lễ đâm trâu giản đơn với lễ vật cúng là trâu và rượu cần dùng để uống mừng. Lễ được tổ chức ở ngoài trời trước nhà chủ hiến tế, chủ làng hay ở mảnh đất rộng, bằng phẳng, cao cáo đủ rộng được dựng hai cây cột. Cột cao có hình tượng cặp sừng trâu và cây bông trắng làm bằng tre, nứa – vật tượng trưng biểu hiện thần linh. Cột thấp vững chắc dùng cột trâu.

Trâu được cột vào cột thấp trước một ngày và lễ đâm trâu sẽ diễn ra mờ sáng hôm sau với sự cầu xin thần linh chứng giám, phù hộ những điều tốt đẹp và sự an vui, bình yên của dân làng.

Vật đâm trâu là một loại giáo với hai bề lưỡi rất bén dùng đâm vào bên hông trái xuyên vào tim. Trong lễ cúng cầu an, già làng hoặc người cao tuổi được quyền ưu tiên đâm trâu. Trong lễ kết nghĩa anh em, người bạn được thông báo với làng sẽ cầm giáo đâm trâu.

Trong lễ cúng cầu sự an lành cho dân làng. Thịt vật cúng được chia đều cho dân làng để ăn mừng, uống rượu vui vẻ trong ngày lễ hội. Trong lễ kết nghĩa anh em, thịt trâu cũng được chia đều cho hai bên. Tùy mỗi người trong lễ kết nghĩa mà chia họ hàng bà con để thông báo đều đến với mọi người. Người Kơ Ho kiêng kỵ sự gian dối, tham lam nên thịt trâu trong các dịp lễ hội không để ăn một mình mà phải chia đều cho mọi người để cùng hưởng niềm vui và sự an bình.

Với các tộc người bản địa ở Đồng Nai, về mặt lễ hội, lễ cúng Yang Lúa là lễ lớn nhất trong năm, là ngày tết của đồng bào. Đến nay, lễ hội mừng lúa của người Kơho vẫn còn được gìn giữ và bảo tồn, với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mừng cho cuộc sống ấm no, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mùa tới. Đây là lễ hội đặc trưng của cư dân nông nghiệp ở địa hình bán sơn địa, làm nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Ngày nay, bà con dân tộc Kơho đã có sự giao lưu cùng các dân tộc khác để cùng nhau phát triển, xây dựng cuộc sống mới. Lễ hội mừng lúa mới được giữ gìn là một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng, mang ý nghĩa biết ơn tổ tiên, mừng cuộc sống có cái ăn, cái mặc, có sức khỏe để tiếp tục làm ra của cải, vật chất, đoàn kết bon làng là một việc làm rất đáng trân trọng.

 

_ Thanh Vân_

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.