Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Những biến đổi văn hóa phi vật thể của tộc người Xtiêng ở Đông Nam bộ

Bài đăng

Những biến đổi văn hóa phi vật thể của tộc người Xtiêng ở Đông Nam bộ

Trong các tiêu chí như là những đặc trưng cơ bản để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác là ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác tộc người, thì ngôn ngữ được coi là tiêu chí quan trọng để xác định tộc người. Văn hóa dù có nhiều biến đổi qua thời gian, nhưng có chức năng tạo cố kết dân tộc Xtiêng và phân biệt dân tộc họ với các dân tộc khác trong nhóm Môn - Khơme ở Nam Bộ thông qua các sinh hoạt lễ hội, đặc biệt là ngôn ngữ sử dụng.

Tộc người Xtiêng là cư dân bản địa cư trú tại Đông Nam Bộ, do sống xen kẽ lâu đời với người Việt, Khơ me, Chăm, Mạ, M’Nông, Kơho, nên trong ngôn ngữ của họ có khá nhiều từ ngữ gần gũi với ngôn ngữ của các dân tộc này. Giữa hai nhóm Xtiêng cũng hình thành hai phương ngữ là XtiêngBù Lơ và Xtiêng Bù Đek và số từ vựng dị biệt cũng lên tới 10%. Phương ngữ của nhóm Xtiêng Bù Đek chịu khá nhiều ảnh hưởng của ngôn ngữ Khơ me do quá trình cộng cư lâu dài của Xtiêng và Khơme bên nhau; các từ chỉ khái niệm thường là vay mượn ở người Khơme và hiện tượng song ngữ Xtiêng - Việt ngày nay cũng trở nên rất phổ biến.

Do tác động của quá trình giao lưu văn hóa với các tộc người sống xung quanh, nên cấu trúc ngữ pháp của tiếng Xtiêng khá giống với tiếng Việt, tiếng Khơ me và một số tiếng các dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me. Đây có lẽ là một điều thường thấy trong tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc sống cộng cư bên nhau trong thời gian dài, đặc biệt là các tộc người thiểu số chịu ảnh hưởng từ các dân tộc đông hơn.

Cho tới nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy người Xtiêng đã có chữ viết. Từ khi thực dân Pháp thống trị Việt Nam, một số học giả Pháp mới phiên âm La tinh hóa tiếng Xtiêng để truyền bá Thiên chúa giáo, nhưng thứ chữ này không phổ biến trong đồng bào. Các cha cố người Pháp như Foutaine, H.Azéma v.v:.. đã nhiều năm tới truyền đạo cho người Xtiêng ở Đông Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX.

Nghiên cứu của người Mỹ không có nhiều cái mới so với các học giả người Pháp, ngoại trừ ngôn ngữ và nặng về mục đích chính trị, phục vụ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cho đến nay phương án Latinh hóa tiếng Xtiêng để tạo cho họ một loại chữ viết thích hợp vẫn chưa thu được kết quả cụ thể nào.

Các lễ hội người Xtiêng gắn liền với văn hóa truyền thống và tín ngưỡng. Trong một năm, họ có nhiều lễ hội liên quan đến cộng đồng hay chu kỳ đời người, trong đó lễ đâm trâu vẫn được coi quan trọng và là lớn nhất. Lễ này được tổ chức mừng mùa màng bội thu khi gia đình thu hoạch 100 gùi lúa trở lên, gùi có tên hay mừng làm ăn phát đạt.

Tín ngưỡng của người Xtiêng là thờ đa thần như thần rừng, thần đất, thần núi. Bên cạnh ông trời (Yang) là thần lớn nhất, vị thần được người Xtiêng quý trọng nhất là thần lúa. Nghi lễ cúng thần lúa của người Xtiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo sự gắn bó mật thiết giữa con người với hồn lúa, giữa con người với sông suối và giữa con người với con người. Hồn lúa được tập trung vào một loại lúa canh tác truyền thống và được trồng riêng ở trên một mảnh đất thiêng. Thần Lúa được hình dung là người phụ nữ trẻ và đẹp.

Lễ cúng thần lúa do một gia đình tổ chức, cho dù tốn kém đến đâu nhưng gia đình đó mời tất cả cộng đồng về dự hội ăn mừng được mùa lúa bội thu, đánh cồng chiêng mời tất cả các vị thần, các hồn lúa ở rẫy khác của cộng đồng về dự. Nghi lễ rước hồn lúa về kho được coi trọng, đã thể hiện nhiều giá trị nhân văn của người Xtiêng, nhưng cũng gắn với nhiều điều cấm kỵ.

Luật tục cũng như tập quán pháp của Xtiêng là yếu tố giúp liên kết những quan hệ xã hội để hình thành hệ thống xã hội tộc người và vận hành nó. Chính luật tục Xtiêng đã quy định những quan hệ ứng xử, và tư cách đạo đức của cá nhân và cộng đồng.

Xâm phạm các điều cấm kỵ và phỉ báng thẩn linh (lah cang rai) là tội bị phạt vạ nặng theo luật tục Xtiêng như cấm người lạ vào nghĩa địa, vào poh có người chết, hoặc vào poh mới dọn về. Làng Xtiêng vừa mới lập cấm tiệt người lạ vào, với dấu hiệu chăng sợi dây thong có cuốn bó lá tươi (giống như tục lệ của nhiều dân tộc khác sinh sống ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên). Những người phạm tội lah cang rai sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, hoặc làm lễ hiến tế để thần linh giảm bớt thịnh nộ.

 

Đối với người Xtiêng thì mọi vi phạm, dù nặng hay nhẹ đều có hình phạt, chủ yếu bằng hình thức kinh tế - trừ trường hợp người bị nghi ngờ có Malai. Theo luật tục Xtiêng, người bị tình nghi có Malai- chuyên mang lại chết chóc, đau ốm cho người khác trong poh, lập tức sẽ bị cộng đồng tra tấn, ép buộc phải nhận và xử tội bằng cách đổ dung dịch chì đun nóng chảy vào lòng bàn tay nạn nhân; nếu như bàn tay nạn nhân phát ra tiếng nổ nhỏ thì người đó đích thực là Malai và bị làng xử chết chém. Thân nhân của người bị nghi là Malai cũng bị đuổi khỏi cộng đồng Xtiêng, bị bán ở nơi xa làm kondek. Malai là hủ tục của tộc người Xtiêng ở Đông Nam Bộ và các tộc người khác ở Trường Sơn – TâyNguyên ngày nay dần đi vào dĩ vãng, dĩ nhiên là nó cần phải bị lên án và xóa bỏ đi, vì quá tàn ác và phản khoa học.

Ngoại trừ hủ tục Malai, thì nhìn chung luật tục của Xtiêng quy định những quan hệ xã hội và cũng đã giúp duy trì một trật tự xã hội và ổn định cộng đồng. Việc thực hiện các tín ngưỡng tôn giáo mang tính cộng đồng phụ thuộc nhiều vào các poh hay mpol của Xtiêng qua những người đứng đầu (tom poh) hay phụ tá (tom yau).

Người Xtiêng ưa thích âm nhạc, nhạc cụ thường thấy nhất là các bộ cồng, chiêng; chiêng 6 chiếc, cồng thì 5 cái. Cồng (goong), chiêng (ching) và nhạc cụ đặc sắc và tiêubiểu nhất trong các loại nhạc cụ của người Xtiêng. Không chỉ được xem là tài sản quan trọng vì đó là vật có giá trị kinh tế cao, có thể đem đi mua bán, trao đổi, làm của cải trong cưới hỏi, làm đồ vật trang trí trong gia đình. Nghệ thuật cồng, chiêng của họ có nhiều nét chung với nghệ thuật cồng, chiêng của các dân tộc Tây Nguyên khác, nhưng vẫn giữ được sự độc đáo, truyền thống trong các sách của tộc người Xtiêng. Chiêng của người Xtiêng không được gõ ở ngoài nhà, trừ ngày lễ đâm trâu. Khi hòa tấu mỗi người sử dụng một chiếc chiêng.

Ngoài chiêng, các nhạc cụ khác như cồng, kèn bầu (m’buôt), sáo ống (dênh dut), đàn môi (N’tôn), sáo tiêu (ta lét) cũng được người Xtiêng ưa thích. Họ sử dụng chúng trong các hình thức biểu diễn như hát kể (Tâm pơt), tình ca (Nao lan), hay trường ca (O ktoong). Những loại hình văn hóa này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của cộng đồng dân tộc, một giá trị tinh thần độc đáo; quan trọng hơn chúng mang ý nghĩa nhân văn. Người Xtiêng sử dụng loại hình văn hóa để làm phương tiện giao lưu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thần linh trong các hoạt động lễ hội.

Cùng với quá trình cố kết nội bộ là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá và mối quan hệ văn hoá giữa Xtiêng với các tộc người khác như Khơme, Mạ, Việt, Chăm và là kết quả tổng hợp của các mối quan hệ khác như quan hệ về ngôn ngữ, quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ về địa bàn cư trú của họ. Sử quán triều Nguyễn chép thổ dân (Xtiêng, Mạ) thuộc 81 sách có tới 6 họ ở vùng núi thuộc đất Đồng Nai - Gia Định; Điểu là họ phổ biến khắp vùng của người Xtiêng.

Song tộc là nét độc đáo trong hệ thống thân tộc người Xtiêng trong các poh, đặc biệt là tổ chức xã hội của hai nhóm chính là Bù Lơ và Bù Đek. Người Bù Lơ sống trong poh theo một nhóm gia đình thân thuộc (giống như người Mạ, Cơ ho, Giẻ Triêng), ngược lại Bù Đek sống theo nhiều nhóm gia đình thân thuộc (giống nhiều tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên), dù cả hai nhóm có đặc điểm tên gọi bắt đầu từ (nghĩa là người). Người Bù Đek ở thành nhiều nhà dài và trong từng cụm gọi là nguol, nhưng Bù Lơ thường sống trong 1-2 nhà dài. Người Bù Lơ sống ở vùng cao, làm rẫy và có quan hệ thân thuộc theo chế độ phụ hệ, trong khi Bù Đek là người ở vùng thấp, làm ruộng nước lại theo chế độ mẫu hệ.

Trải qua lịch sử, trạng thái cố kết tộc người và ý thức tự giác tộc người được củng cố trong thành phần tộc người Xtiêng. Cuộc sống của người Xtiêng đang có nhiều biến chuyển so với trước kia. Theo sự biến đổi của thời gian, hiện nay, người Xtiêng dần có cuộc sống định canh định cư. Tiếp xúc với các dân tộc khác như Mạ, Việt, Khơme và do tác động của điều kiện môi trường sống hiện nay, một số sinh hoạt văn hóa trước đây của người Xtiêng đã có những thay đổi về vật chất cũng như về tinh thần.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.