Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Dân tộc Thái ở Đồng Naivới tục thổi sáo và hát giao duyên

Bài đăng

Dân tộc Thái ở Đồng Naivới tục thổi sáo và hát giao duyên

Người Thái, với tên tự gọi là Táy, có dân số đứng thứ ba ở nước ta, sau người Việt và người Tày. Theo các nhà dân tộc học, người Thái ở Việt Nam có hai nhóm chính đó là Thái trắng và Thái đen. Trước những năm 1990, địa bàn cư trú của họ chủ yếu tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Quá trình di cư từ đầu những năm 1990 đã mở rộng địa bàn cư trú của tộc người này ra một số vùng khác, trong đó có Đồng Nai.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Đồng Nai ngày 1/1/1996, người Thái (chủ yếu là Thái đen) có 466 nhân khẩu sinh sống. Tập trung nhiều nhất là ở Xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), hiện nay có 21 hộ dân tộc Thái với 84 nhân khẩu.

Mỗi một dân tộc, cư trú ở mỗi vùng miền khác nhau, họ đều có những nét đặc trưng riêng về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Khi nói đến văn hóa tinh thần ta không thể không nhắc đến văn hóa văn nghệ, mà âm nhạc là một trong những nét đặc trưng không thể thiếu trong văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc.

Nói đến âm nhạc các dân tộc Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến tục thổi pí (hay còn gọi là thổi sáo) của dân tộc Thái. Đối với người Thái ở Đồng Nai, thổi pí đã góp phần gìn giữ tinh hoa, bản sắc âm nhạc dân tộc cũng như làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Đối với người dân tộc Thái, đặc biệt là các chàng trai, cô gái, chiếc pí (sáo) đã trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Chiếc pí đã thay cho lời tâm sự, lòng người muôn nói với nhau. Thổi pí kết hợp với hát giao duyên đã và đang là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.

Pí là loại nhạc cụ làm bằng ống nứa, phần đầu của chiếc pí được gắn với một thanh đồng nhỏ để khi thổi, âm thanh phát ra trong hơn. Pí có nhiều loại. Pí đơn thường được người con trai thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu.

Pí có nhiều loại và mỗi loại có một âm thanh khác nhau. Pí pặp đơn gồm 1 ống, có 6 lỗ và lưỡi gà bằng đồng, thường được các chàng trai Thái dùng để thổi vào ban đêm thay cho lời gọi người yêu trong những đêm đi chọc sàn với âm thanh vang lên trữ tình để cô gái cảm động rồi mở cửa cho vào nhà. 

Pí pặp kép (pí đôi) được ghép từ hai chiếc pí pặp đơn với nhau.Một chiếc dùng để gợi tả giai điệu, chiếc còn lại mô tả nhịp điệu của bài dân ca khi được thổi. Pí pặp thường được người dân tộc Thái thổi vào buổi sáng sớm vì âm lượng của nó tương đối lớn, giai điệu vui nhộn.

Pí thui có độ dài khoảng 1m, có 6 lỗ, không có lưỡi gà, được người Thái thổi với âm thanh du dương, đượm buồn để bày tỏ sự nuối tiếc cho mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành. 

Pí tam lay được ghép lại từ 3 ống nứa, mỗi ống gồm 1 lỗ, được các chàng trai ở vùng thổi gọi bạn gái vào lúc trăng sáng. 

Pí loong tông gồm 2 lỗ, có lưỡi gà làm bằng tre, được người Thái thổi vào những ngày mùa lúa chín để cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động, sản xuất với giai điệu vui nhộn. 

Pí cúng có 7 lỗ, lưỡi bằng đồng, có lỗ điều chỉnh để làm rè tiếng, được người Thái dùng để thổi liên tục từ đêm đến sáng cùng với tiếng cúng của thầy Mo đuổi tà ma khi trong nhà có người ốm đau.

Pí được các chàng trai dân tộc Thái thổi để mong gặp được bạn gái, người mình yêu, nhưng đôi khi đối với người dân tộc Thái, thổi pí cũng là để biểu lộ sự tiếc thương một ai đó. Xót xa cho mối tình dang dở, người con trai đành nhờ cây pí để gửi những tâm sự, tình cảm chân thành của mình tới người con gái mà mình yêu. Đó là sự tích của việc ra đời loại pí thiu (hay gọi là pí khóc người yêu). Loai pí này thường được người dân tộc Thái trắng thổi khi bày tỏ sự nuối tiếc cho mối tình đẹp của hai người yêu nhau say đắm nhưng không thành. Độ dài của loại pí thiu khoảng 1m, gồm 6 đốt.

Người dân tộc Thái thường thổi pí dựa vào các bản nhạc dân ca quen thuộc trong đời sống với những tâm trạng khác nhau. Trong lúc buồn, người Thái thường hướng tâm hồn mình vào trời đất bao la, mây, gió, sông suối,núi rừng. Khi vui, người dân tộc Thái thường thổi pí trong các buổi tiệc tùng, mừng xuân sang hay sinh được con trai, xây nhà mới...

Bên cạnh thổi sáo, người Thái còn kết hợp thổi sáo với hát giao duyên. Những hôm nào bản làng mở hội diễn văn nghệ, các chàng trai, cô gái rủ nhau đến sân làng hát thâu đêm suốt sáng.

Nhiều đôi trai gái trở nên yêu nhau từ những đêm giao lưu văn nghệ tập thể, bằng tiếng đàn, tiếng pí và những câu hát đối giao duyên. Giai điệu cây pí pặp láy đi, láy lại, thay lời tâm sự làm cô gái thổn thức, rung động. Tiếng pí ngân nga như lời thỉnh cầu, giai diệu hòa quyện giữa tâm hồn và tình cảm của người con trai gửi gắm vào tiếng pí, làm động lòng cô gái. Giữa đêm đông lạnh giá, muỗi, vắt cắn, dù cô gái đang ngủ trong chăn ấm, đệm êm cũng phải bật dậy mở cửa cho người yêu vào. Nhiều lần nghe tiếng pí thành quen và tự phân biệt được giọng thổi của người yêu, nếu có người khác đến thổi, cô gái biết ngay đó không phải là giọng thổi của người yêu và sẽ không ra mở cửa,…

Những giai điệu trữ tình, tha thiết nhất được thể hiện trong đêm sinh hoạt âm nhạc khi trai gái tình tự. Đó là những đêm trăng, khi người già đã đi ngủ, trai gái Thái còn tổ chức chơi Hạn Khuông (có thể gọi là câu lạc bộ ngoài trời) hay chơi hái hoa, chơi du thuyền ngày xuân... Qua hình thức sinh hoạt này, các đôi trai gái có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình với nhau và với đất trời, thiên nhiên, hoa lá...

Nhìn chung, đối với dân tộc Thái, đặc biệt là các chàng trai, cô gái, cây sáo đã trở thành một nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Nghe tiếng pí người ta như cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn con người sáng hơn và thêm tin yêu vào cuộc sống. Thổi pí kết hợp với hát giao duyên của dân tộc Thái thể hiện giá trị văn hóa tinh thần được người Thái ở Đồng Nai nói riêng, người Thái ở khắp đất nước Việt Nam nói chung lưu giữ và bảo tồn từ xưa đến nay và đến tận mai sau.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.