Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Nghệ thuật múa truyền thống của tộc người Mạ ở Đồng Nai

Bài đăng

Nghệ thuật múa truyền thống của tộc người Mạ ở Đồng Nai

Thuở xa xưa, người Mạ là một liên minh tộc người, liên minh một số nhóm người thành một cộng đồng lớn có tên gọi là “Tiểu vương quốc Mạ”. Người Mạ cư trú ở nhiều nơi như Lâm Đồng, Đồng Nai và một phần thuộc tỉnh Bình Phước.

Ở Đồng Nai, cộng đồng người Mạ tự nhận tộc danh của mình là Mạ Krung, Mạ Klị (ở Hiệp Nghĩa, Định Quán). Trước năm 1945, người Mạ tập trung đông đúc ở khu vực Định Quán, Long Khánh, các huyện Tân Phú, các làng Thuận Tùng, Cao Cang, Gia Canh, Tà Lài,… Năm 1947, họ bị quân Pháp cưỡng chế về sống tập trung ở Trảng Bom nhằm dễ bề quản lý, đồng thời bắt thanh niên Mạ đi lính. Tuy nhiên, không bao lâu sau, đồng bào đấu tranh bỏ về quê cũ. Người Mạ ở Đồng Nai hiện có 564 hộ với 2.577 khẩu (số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, tháng 6/2009), đứng thứ 10 trong số hơn 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, hầu hết tập trung ở huyện Tân Phú (266 hộ, 1306 khẩu) và Định Quán (289 hộ, 1235 khẩu). Cộng đồng tộc người Mạ tuy ở địa bàn cư trú khác nhau nhưng có tính thống nhất trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa truyền thống.

Từ cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày người Mạ đã nghệ thuật hóa thành những điệu múa mềm mại, sinh động, đa sắc màu. Và mỗi người đều trở thành nghệ nhân múa. Cùng với những tiếng cồng, chiêng, kèn các điệu múa truyền thống đã góp phần làm cho cuộc sống trở nên rộn ràng, vui vẻ hơn. Đồng thời gắn kết đồng bào với nhau, giao lưu văn hóa giữ tộc người này với tộc người khác, giữa Đồng Nai với các địa bàn lân cận.

Nghệ thuật múa truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai có nhiều tiêu chí phân loại khác nhau. Thứ nhất là tiêu chí đồng loại: gồm những động tác múa cũng có chung những thao tác, hoạt động múa hoặc loại múa có đạo cụ hoặc không có đạo cụ thì xếp chung một loại. Thứ hai là tiêu chí đồng chất: gồm những động tác, những điệu múa có chung một tính chất, như mạnh khỏe, nhẹ nhàng thì xếp chung một loại. Thứ ba là tiêu chí đồng đích: gồm những điệu múa có những môi trường trình diễn, không gian trình diễn và nội dung phản ánh của từng dạng múa tập thể hay múa đơn, múa đôi thì xếp vào một loại. Ngoài tiêu chí đồng loại, đồng chất, đồng đích còn kết hợp với những yếu tố môi trường nảy sinh không gian trình diễn được xem như tiêu chí hỗ trợ, bổ sung trong quá trình tiến hành phân loại múa của người Mạ.

Căn cứ và những tiêu chí đã được xác lập, thì nghệ thuật múa của người Mạ có ba loại múa: Múa lao động, múa sinh hoạt và múa tín ngưỡng.

Múa lao động của người Mạ khá phong phú, đa dạng, với nhiều phương thức, nhiều dụng cụ và môi trường lao động khác nhau. Từ động tác, công cụ, phương thức lao động, mà người Mạ đã sáng tạo, mô phỏng, cách điệu thành múa lao động, phù hợp với thẩm mỹ, tâm sinh lý của họ. Trong múa lao động có những điệu múa như: múa tuốt lúa, múa hái rau, múa bổ củi, múa phát rừng, múa cô gái đi rẫy, múa lên đồi cỏ tranh, múa đi chăn trâu, múa quay tơ, múa xay lúa, múa sàng gạo, múa trọc lỗ tra hạt.

Múa sinh hoạt là mô phỏng lại những hoạt động trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Mạ. Múa sinh hoạt gồm: múa hái hoa, múa đội phèng la, múa đánh phèng la, múa chim bay, múa kèn bầu.

Múa tín ngưỡng là loại hình múa thể hiện trong các sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt trong các lễ hội cộng đồng. Loại hình múa tín ngưỡng thường do các bà bóng hay thầy cúng thể hiện. Múa tín ngưỡng của người Mạ gồm; múa lễ hội đâm trâu, múa mừng thần lúa, múa mừng thần mặt trời.

Đặc điểm nghệ thuật múa truyền thống của tộc người Mạ sinh sống tại Đồng Nai có nhiều điểm đặc trưng. Các động tác múa, điệu múa với nội dung thể hiện khác nhau và động tác biến động ở nhiều thế, nhiều dáng, nhiều tổ hợp múa khác nhau, khá phong phú sinh động. Nhưng phổ biến là múa luôn kết hợp với uốn cổ tay. Trong khi uốn cổ tay thì thường uốn gập cổ tay vào phía trong người, dù ở các thế, hướng múa cao thấp, trước sau khác nhau. Khi uốn gập cổ tay thì các ngón tay luôn ở thế tự nhiên.

Ngoài đặc điểm là múa uốn cổ tay thì trong điệu múa của người Mạ còn có múa nhún giật. Phần múa chân không biến đổi nhiều, song các động tác chuyển động, động tác chân luôn ở thế nhún giật kết hợp với khụyu chân. Khi bước dài nhún giật co chân, khi bước nhanh nhún giật (chân kí). Múa tộc người Mạ không có bước nhảy dài hoặc mạnh. Múa tuyến cong lượn là động tác chuyển động theo tuyến cong lượn, nhẹ nhàng. Khác với tộc người Chơ ro là múa theo tuyến gấp khúc, nhanh, mạnh. Tuyến cọng, lượn trong múa tộc người Mạ chủ yếu là ở phần tay, phần tay cũng là hoạt động chính của múa tộc người Mạ. Đặc điểm quan trọng của nghệ thuật múa tộc người Mạ là ở phần mình, tay tạo ra tuyến cong lượn.

Múa kết hợp với nhạc cụ là đặc điểm chung nhất trong bài múa truyền thống của người Mạ. Có cồng, chiêng, có nhạc cụ là có múa.

Trong các bài múa của người Mạ không thể thiếu âm nhạc. Âm nhạc là “hồn”, là “người điều khiển” mọi hoạt động múa, động tác múa của các nghệ nhân dân gian. Âm nhạc của người Mạ có nhiều loại nhạc cụ, bài bản khác nhau, như Kèn bầu (5 ống), đàn Lô ô (6 dây) còn có tên gọi là Ding K’la, đàn đá B’lao, Sáo bè (5 ống), Tù và (sừng trâu),… Đặc biệt là dàn chinh (chiêng).

Nghệ thuật múa tộc người Mạ có những đặc điểm múa, đặc điểm văn hóa tộc người. Đó là kết quả và minh chứng cho tư duy thẩm mỹ và cấu trúc văn hóa. Những đặc điểm múa, những giá trị sáng tạo múa được nảy sinh trên môi trường văn hóa là một biểu hiện của giá trị văn hóa tộc người.

Qua nhiều thế kỷ gìn giữ, phát huy và sáng tạo, múa truyền thống của người Mạ đã truyền lại cho thế hệ sau nhiều giá trị quý giá về văn hóa văn nghệ, giá trị lịch sử xã hội. Góp phần tạo nên những sắc màu văn hóa phong phú và đa dạng của các tộc người cùng sinh sống tại vùng đất Đồng Nai nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đào Thanh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.