Cộng đồng người Hoa có số nhân khẩu xếp thứ hai sau cộng đồng người Kinh ở Đồng Nai. Người Hoa sinh sống hầu hết ở 11 huyện thị, thành phố của tỉnh Đồng Nai. Riêng địa bàn thành phố Biên Hòa, cộng đồng người Hoa sống xen kẽ với người Kinh trong hầu hết các phường, xã. Trong hơn ba trăm năm qua, văn hóa của người Hoa đã góp phần quan trọng tạo nên tính phong phú đa dạng, độc đáo, tạo nên nét văn hóa truyền thống đặc sắc cho vùng đất Đồng Nai và con người Đồng Nai.
Người Hoa ở Biên Hòa có vốn văn hóa dân gian khá phong phú, đặc sắc được thể hiện trên nhiều lĩnh vực như cưới hỏi, tang ma, sinh đẻ... Trong đó, xin xăm của người Hoa là một tập tục mang tính đặc trưng có từ lâu đời ở Biên Hòa và tập tục này phổ biến rộng rãi và có mặt hầu hết ở các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Giá trị của tập tục xin xăm không những đáp ứng nhu cầu mang tính tâm linh, mà nó còn hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn học, giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc. Mỗi lá xăm ghi lại nhiều điển tích điển cố lịch sử của đất nước Trung Hoa và Việt Nam. Đó là nơi lưu giữ những truyền thống lịch sử của các thế hệ cha ông đi trước nhằm giúp cho con cháu hiểu biết thêm về lịch sử, con người Trung Hoa xưa qua đó liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Ngoài ra, nhiều lá xăm còn mang tính giáo dục nhân văn cao cả bằng hình thức khuyên bảo con người phải biết thương yêu nhau, làm điều thiện để tai qua nạn khỏi, gia đình được ấm no, sum vầy, hạnh phúc.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa xin xăm là thỉnh Thần ý. Quá trình điền dã, khảo sát tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa ở Biên Hòa cho thấy xăm có hai loại: xăm thường và xăm thuốc.
Xăm thường: là loại xăm mà người xin sẽ biết Thần ý về gia đạo, cầu tài, cầu duyên, bổn mạng, cầu an... Thông thường, xăm gồm 100 thanh tre tương ứng với 100 quẻ thẻ, mỗi thanh có đánh số thứ tự từ 1 đến 100. Thẻ xăm dài khoảng 2 tấc, ngang 1 cm. Trên đầu thẻ sơn màu xanh, giữa thân thẻ có ghi số xăm. Xăm được đựng trong ống tre, đặt ở vị trí trang trọng ngay bàn thờ trung tâm gian chánh điện. Theo quy định, trong 100 lá xăm được phân làm ba loại: xăm thượng, xăm trung và xăm hạ. Mỗi quẻ thẻ xăm có nội dung hoàn toàn khác nhau. Đi với 100 quẻ thẻ xăm còn có 02 keo được làm bằng gỗ.
Mỗi keo có hai mặt hoàn toàn khác nhau tựa hình bán nguyệt: một bên có hình dáng lồi, một bên có bề mặt nhẵn, tượng trưng cho Âm - Dương. Ở vị trí trước bàn thờ Ông Quan Thánh rất nhiều khách thập phương khấn vái, cắm nhang. Sau đó họ quỳ trước bàn thờ chờ đợi đến lượt mình lắc xăm. Người xin xăm cầm ống xăm khấn tên họ, địa chỉ của mình, những điều cầu xin, lạy ba lần rồi lắc đều tay, tạo ra tiếng lách cách của các thẻ xăm va chạm nhau cho tới khi một thẻ xăm rớt ra. Người xin xăm xem số rồi đặt thẻ xăm trên ống xăm, và bắt đầu cầm hai thẻ âm dương là hai mẫu gỗ nhỏ hình cánh cung, một mặt bằng một mặt cong. Sau khi khấn vái và lạy ba lần khách xin xăm tung thẻ, nếu hai mẫu gỗ một xấp một ngửa thì quẻ được Ông chứng, đã thành, nếu không thì phải xin lại xăm khác. Nhiều người có khi xin đến vài lần mới thành công.
Sau khi xin được xăm, người ta cầm quẻ thẻ xăm đến gặp thầy giải xăm ngồi ở phía gian ngoài nhờ giải thích ý nghĩa của quẻ thẻ xăm đó. Về hình thức tờ giấy giải xăm gồm có 07 phần: Tên và địa chỉ của cơ sở tín ngưỡng, xăm thuộc quẻ thẻ số mấy, cho biết nội dung quẻ thẻ xăm tốt xấu thế nào, xăm chữ, nghĩa của xăm chữ, lời giải của xăm chữ, lời bàn của xăm chữ. Mỗi quẻ thẻ xăm đều có một lời bàn khác nhau. Lời bàn của lá xăm đã được ghi vào một tờ giấy nhỏ và được giải thích tại chỗ. Nội dung lời bàn viết vắn tắt mơ hồ nặng về phương diện luân lí, đạo đức. Vì vậy, người xin xăm sẽ lãnh hội Thần ý ở những mức độ khác nhau tùy thuộc vào trình độ hiểu biết của người giải xăm. Ngoài ra, tùy thuộc vào đối tượng thờ chính của mỗi cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa ở Biên Hòa mà nội dung của lá xăm có cách giải thích khác nhau.
Xăm thuốc: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tập tục xin xăm thuốc chỉ có ở cơ sở tín ngưỡng miếu Bà Thiên Hậu tọa lạc tại phường Bửu Long. Theo truyền thuyết, xưa kia vùng đất Bửu Long còn lắm hoang vu, rừng sâu, núi cao ẩn chứa nhiều huyền bí. Một hôm, từ trên đỉnh núi Bửu Long một nghệ nhân làm nghề đá tên là Tào Khương, dùng thân mình lăn từ trên đỉnh núi vào miếu Tổ sư (nay là miếu Bà Thiên Hậu) và xưng rằng mình là Bà Thiên Hậu hiển linh để cứu dân độ thế, đặc biệt là nạn dịch sắp tới. Quả nhiên sau đó, vùng Bửu Long có một nạn dịch rất lớn (theo cách kể của các vị bô lão thì nạn dịch đó có thể là dịch tả) đã làm chết rất nhiều người. Để tránh khỏi tai ương đó, ông Tào Khương đã nhập đồng với hồn là Bà Thiên Hậu ứng nghiệm cho ra 103 quẻ thẻ xăm tương ứng với 103 bài thuốc Đông y để cứu dân lành. Người dân bị bệnh đến miếu xin xăm, được bà Thiên Hậu cho quẻ xăm ứng với bài thuốc để trị bệnh.
103 bài thuốc Đông y rất ứng nghiệm, nên đã cứu được rất nhiều người dân. Tuy nhiên, số người bị bệnh rất đông và hình thức xin xăm không thể cứu tất cả, nên ông Tào Khương được Bà Thiên Hậu mách bảo làm một con rồng bằng rơm, sau đó dùng nhang cắm xung quanh. Con rồng được ông Tào Khương đưa đi khắp làng, đến đâu ông cũng dùng dao phóng để trừ tà ma dịch bệnh. Cũng nhờ vậy mà bệnh tật được đẩy lùi, nhân dân biết ơn Bà Thiên Hậu nên lập đàn thờ chính tại miếu Tổ sư - từ đó nhân dân mới gọi miếu Tổ sư là miếu Bà Thiên Hậu. Còn ông Tào Khương, sau khi nhập hồn được Bà Thiên Hậu cho 103 bài thuốc Đông y linh ứng, ông liền dùng bút ghi lại những bài thuốc này thành một cuốn sách. Cuốn sách có 103 bài thuốc hiện được ông Tiêu Sơ ở Thiên Hậu Cung (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) lưu giữ.
Hiện nay, tại miếu Bà Thiên Hậu - Bửu Long có hai loại xăm riêng biệt: xăm thuốc và xăm thường. Hai loại xăm này đều có 103 quẻ thẻ, được đựng riêng trong hai ống. Loại xăm thuốc được dùng chữ Hán để đánh số, loại xăm thường đánh theo số thứ tự 1, 2, 3... Người đến xin xăm thuốc, sau khi được quẻ thẻ xăm có số tương ứng sẽ đến Thiên Hậu Cung (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa) lấy thuốc. Trong 103 quẻ thẻ xăm thường có ba quẻ thẻ xăm đặc biệt với tên gọi là Tam khôi (xăm đỉnh khôi, xăm á khôi và xăm đô khôi). Đây là ba quẻ thẻ xăm mà các cơ sở tín ngưỡng khác của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa không có. Xăm đỉnh khôi, xăm á khôi và xăm đô khôi là những quẻ thẻ xăm cực tốt mà người xin hằng mong ước. Do vậy, xưa kia nếu xin được một trong ba quẻ thẻ xăm này, người xin phải nộp “phạt” cho miếu 20 lít dầu cùng lễ vật cúng tế Bà Thiên Hậu như gà, vịt, heo quay để tạ ơn.
Tập tục xin xăm của người Hoa ở Biên Hòa - Đồng Nai là một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Hoa. Hàng ngày tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa bà con địa phương thường có thói quen đến xin xăm, thỉnh Thần ý một cách cung kính. Ở Biên Hòa, Chùa Ông Cù Lao Phố, tục danh của Miếu Quan Đế, được xây dựng vào năm 1684 và sau đổi tên thành Thất phủ cổ miếu. Đây là ngôi chùa Hoa sớm nhất ở Nam Bộ, gắn với cộng đồng di dân do Trần Thượng Xuyên đưa vào định cư ở Biên Hòa năm 1679, tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội sớm nhất ở vùng đất phương Nam, là một địa chỉ khá nổi tiếng linh thiêng thể hiện rõ nét cho tập tục này đặc biệt là vào các ngày Lễ, Tết số lượng người đi xin xăm rất đông, không những trong cộng đồng người Hoa mà có cả nhiều người Việt.
Như Quỳnh