Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Chế độ mẫu hệ trong văn hóa truyền thống người Gia Rai

Bài đăng

Chế độ mẫu hệ trong văn hóa truyền thống người Gia Rai

Dung Nguyen

       Có thể xem như là một mối lương duyên khi tôi đã được gặp gỡ, học tập và tiếp xúc thường xuyên với rất nhiều người bạn dân tộc trong trường học của mình. Họ là đại diện cho thế hệ trẻ tri thức nơi thôn bản, ở họ vẫn còn sự chân chất mộc mạc nơi bản làng, đồng thời cũng toát lên hình ảnh những thanh niên tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết của một đất nước đang trên đà phát triển. Để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi có lẽ là người anh mang dòng họ Ksor của dân tộc Gia Rai.

       Qua những lần nói chuyện với anh tôi phần nào biết và hiểu thêm về con người Gia Rai. Đến năm 2009 có tới 411.245 người Gia Rai trên đất nước Việt nam. Họ sống chủ yếu ở Tây Nguyên, tập trung đông nhất là ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum, và sống rải rác ở các tỉnh lân cận trong đó có Đồng nai. Gia Rai là một trong năm dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo.

       Tôi vẫn nhớ tôi đã bất ngờ khi nghe anh nói, sau này lấy vợ anh sẽ phải đi ở rể, vì dân tộc Gia Rai của anh vẫn theo chế độ mẫu hệ. Tất cả đều theo dòng họ mẹ. Chính điều đặc biệt này đã khiến tôi không thể quên được hai từ Gia Rai. Lần này nhân dịp có phong trào tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc mà tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về dân tộc của anh. Người Gia Rai có tới trên dưới 10 dòng họ tiêu biểu như: Rchom, Nay, Rơô, Siu, Rma, Ksor, Rah lan, Hieo, Kpạ, Pui. Mỗi họ này lại kiêng một vật tổ khác nhau: Họ Nay kiêng loại chim đi ăn vào lúc chập tối, họ Rchom kiêng ăn thịt bò, Họ Kpạ kiêng loại bò sát gọi là con ria, họ Siu Prông kiêng làm nhà bên cạnh tổ mối…Trong đó họ Siu được giữ địa vị làm Ptao (vua), và chỉ con gái dòng họ Rchom mới được làm vợ Ptao. Như vậy đây là hai dòng họ được xem là cao quý nhất trong tộc người Gia Rai.

       Ở tộc người này có rất nhiều điều lý thú và đặc biệt từ tập tục ăn uống, đến giá trị nghệ thuật nhà mồ- nơi mà hình ảnh các bức tượng gỗ có sức thu hút mãnh liệt, cùng lễ bỏ mả nổi tiếng với hoạt động văn nghệ của các đoàn cồng chiêng đi cùng. Nhưng Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh vào địa vị của người phụ nữ trong lòng tộc người này.

       Khác với người phụ nữ Sán Dìu người phụ nữ Gia Rai lại có cho mình hầu hết mọi quyền lợi trong gia đình. Vì theo chế độ gia đình nhỏ mẫu hệ nên người mẹ nơi đây rất được coi trọng, phả hệ hoàn toàn tính theo dòng họ mẹ. Khi mang thai người phụ nữ không phải làm các công việc nặng nhọc. Vào ngày sinh nở họ được sinh trong chính gian nhà giữa hoặc dưới nền đất gầm nhà sàn, rồi được dìu lên nhà để sưởi ấm sau khi sinh xong, chứ không phải sinh nơi nhà tạm ngoài vườn như phụ nữ Sán Dìu. Sợ người phụ nữ bị hậu sản sau sinh nên họ được chăm sóc hết sức cẩn thận. Người đặt tên cho đứa bé cũng chính là người mẹ hoặc là người phụ nữ già nhất trong làng.

       Đến tuổi trưởng thành nam giới chỉ đeo những chiếc khuyên lủng lẳng, còn tai nữ giới lại được xâu bằng thỏi ngà voi có đường kính tới 6cm. Cả người con trai và con gái đều được dạy hiểu các luật tục chuẩn bị làm tròn trách nhiệm người công dân của làng.

       Lúc chết đi người cùng dòng họ mẹ được chôn chung một huyệt, người đàn ông chết thường phải đưa về chôn ở quê mẹ.

       Phụ nữ được chủ động lựa chọn cho mình một người chồng ưng ý, được chủ động ngỏ ý giống như một người con trai ở dân tộc khác. Cô gái sẽ rút vòng tay của mình nhờ ông mối trao cho người yêu. Khi cưới nhà gái lại phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật một ché rượu cho ông mối, một ché rượu cần cho người chồng, và một ché rượu cho bản thân. Sau ngày cưới chú rể phải về ở hẳn bên nhà vợ.

       Người phụ nữ quản lý tài sản trong nhà và người con gái mới có quyền thừa kế. Trong khi các chàng trai đi lấy vợ không được bố mẹ chia cho của cải gì thì người con gái khi xây nhà mới đều được cha mẹ chia của. Con gái đầu lòng được một nồi đồng, một ché rượu cần, một con trâu, một con lợn nái để làm giống. Những của cải quý giá nhất của cha mẹ như nồi đồng to, vòng tay, vòng chân, bát đồng, chiêng quý, ché túc, miếng đất tốt thường để dành cho cô con gái út. Cũng chính là người có nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi già ốm.

       Người anh Gia Rai của tôi nói, phụ nữ nơi đây luôn ở thế chủ động trong mọi chuyện, từ công việc làm ăn, tới chuyện dựng vợ gả chồng. Tuy nhiên mọi hoạt động bên ngoài xã hội vẫn do người đàn ông đảm trách và có quyền quyết định. Coi trọng phụ nữ là một tập quán rất tốt nhưng không vì thế mà lại coi nhẹ vai trò vị thế của người đàn ông. Người Gia Rai đã nhận thức được một số điều bất hợp lý giữa phong tục tập quán với quy định pháp luật của Nhà nước, nên đang dần tự điều chỉnh luật tục để phù hợp với những giá trị mới của xã hội.Chính vì thế mà dần dần những hệ lụy của chế độ mẫu hệ không còn nữa thay vào đó là sự công bằng giữa nam và nữ. Biểu hiện là ngày nay khi người chồng chết đã được chôn chung huyệt với vợ chứ không phải đưa về quê mẹ như ngày xưa nữa .

      Qua đây tôi chúc cho bản làng Gia Rai của anh cũng như bao bản làng trên đất nước Việt Nam, ngày càng văn minh hiện đại, xóa bỏ được những hủ tục không đáng có và gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống tích cực trong dân tộc mình. Như tình thân keo sơn gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau không tư lợi, không hận thù, cùng nhau kể chuyện đời, chuyện người, chuyện dân tộc quanh bình rượu cần ấm nồng tình anh em.

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.