Bỏ qua nội dung chính

Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Blogs khác

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Liên kết

Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai > Bài đăng > Những biến đổi văn hóa vật thể của tộc người Xtiêng ở Đông Nam Bộ

Bài đăng

Những biến đổi văn hóa vật thể của tộc người Xtiêng ở Đông Nam Bộ

Khu vực Đông Nam Bộ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của văn minh Phù Nam (thế kỷ I-VII) và cũng là nơi tiếp xúc với các nền văn minh Champa và Khơme cổ trung đại. Đây cũng là vùng sinh sống của các tộc người nói ngữ hệ Nam Á và Mã Lai - Nam Đảo vốn có các mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại về kinh tế, văn hóa. Trước khi người Việt, Hoa đến khu vực Đông Nam Bộ thì cư dân Xtiêng, Chu Ru và Mạ cư ngụ từ lâu dọc thượng nguồn sông Đồng Nai, Sài Gòn cho tới gần cửa biển Cần Giờ.

Những biến đổi kinh tế, văn hóa của tộc người Xtiêng

Cũng như các tộc người khác, quá trình tộc người Xtiêng là một hệ thống động có sự thay đổi các thành tố tộc người dẫn tới sự tiến hóa hay chuyển hóa tộc người trong mối liên hệ đồng đại và lịch đại. Dân tộc Xtiêng quần tụ ở vùng biên giới Tây Nam và khu vực Đông Nam Bộ. Địa vực cư trú của người Xtiêng giáp với người M’Nông ở phía Bắc, người Mạ ở phía Đông, người Việt ở phía Nam và người Khmer ở phía Tây. Quá trình tộc người của Xtiêng không chỉ theo hướng củng cố và phát triển cộng đồng tộc người, mà còn có các trạng thái cố kết hay phân ly, đồng hoá và tạo nên những thay đổi, khác biệt giữa các nhóm địa phương. Do quá trình phân ly trong lịch sử, các nhóm địa phương của tộc người Xtiêng ở Đông Nam Bộ được gọi bằng một số tên như: Xađiêng, Đanme, Xtiêng Bà Tô, Xtiêng Bù Đip, Xtiêng Bù Lach, Ray, Bà Rá, Rong, Xtiêng Bù Le, Xtiêng Bù Lơ (người vùng cao) và Xtiêng Bù Đek (người vùng thấp).

Biến đổi văn hóa vật thể

Quá trình tộc người của tộc Xtiêng được thể hiện qua các bước tiến về trình độ sản xuất, tổ chức xã hội và đời sống văn hoá của họ. Trong tiến trình lịch sử, Xtiêng cũng như tộc người khác thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme ở Đông Nam Bộ không ngừng tích hợp những giá trị vãn hoá truyền thống và tiếp nhận những giá trị mới về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần từ các tộc người khác.

Loại hình kinh tế truyền thống của ngưòi Xtiêng ở Đông Nam Bộ là canh tác rẫy trên vùng rừng và đất cao. Người Xtiêng không dùng cày trong canh tác rẫy truyền thống. Rẫy của họ trồng theo lối xen canh; họ trồng cả lúa, bí bầu, khoai lang, thuốc lá, bông vải v.v... Nhìn chung, họ có nền nông nghiệp quảng canh trên rẫy với trình độ kỹ thuật canh tác rất thô sơ theo lối phát, đốt rẫy và chọc lỗ tra hạt.

Dân tộc Xtiêng chia thành hai nhóm chính: nhóm Bù Lơ ở vùng cao, làm rẫy là chủ yếu, sống gần gũi với người M’nông và người Mạ. Người Xtiêng Bù Lơ làm rẫy (Miir), họ trồng lúa và hoa màu theo lối chu kỳ luân khoảnh (du canh). Nguồn lương thực chính của người Xtiêng là lúa gạo, khoảng 80% lúa gạo do rẫy cung cấp. Theo chế độ luân khoảnh (du canh) cổ truyền, người Xtiêng canh tác trên đám rẫy (Miir) khoảng 3 nãm, họ để hoang hóa cho đất phục hổi độ phì nhiêu, sau đó mới canh tác lại.


Công cụ sản xuất cổ truyền để làm rẫy (Miir) của người Xtiêng rất thô sơ, gồm có cuốc nhỏ để làm cỏ (Kao), gậy chọc lỗ để tra hạt giống (Rmul), lưỡi hái (Kơ kiêu) để gặt lúa, xà gạc (Wia) dùng như dao và làm vũ khí. Cả buôn làng Xtiêng làm rẫy theo lối đổi công cho nhau khi gieo hạt, cũng như khi thu hoạch. Họ bắt đầu làm rẫy (Miir) vào tháng 3, dùng xà gạc (Wia) phát cây, đốt rừng làm rẫy lúc sắp có mưa và gieo hạt trong một số ngày nhất định. Thông thường, sau khi đốt thì họ dùng cây cào tre có 5 răng để dọn rồi đốt lại; đàn ông đi trước hai tay cầm hai gậy vạt nhọn chọc thành hàng lỗ đều nhau, cho đàn bà đi sau tra hạt.

Lúa rẫy có các giống khác nhau, được trồng theo lối phát-đốt-chọc-trỉa, kết quả mùa màng phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên và việc chống lại sự phá hoại của chim, chuột và thú dữ. Chính vì vậy, so sánh với canh tác lúa rẫy của người Cơho và người M’Nông láng giềng thì năng suất trồng rẫy của người Xtiêng vào loại thấp (khoảng 1 tấn/ha một năm).

Nhóm Bù Đek ở vùng thấp, biết làm ruộng nước và dùng trâu, bò kéo cày từ khá lâu. Họ biết làm ruộng nước từ khoảng một trăm năm gần đây, cách thức canh tác có lẽ ít nhiều ảnh hưởng của người Việt, Khơ me, do họ sống xen kẽ bên các tộc người này từ lâu. Ngoài trồng trọt, các nhóm người Xtiêng nuôi các gia súc như trâu, bò, lợn, chó, một số hộ nuôi voi và gia cầm chủ yếu là gà.

Sống ở vùng rừng núi nên người Xtiêng thường khai thác những sản vật phong phú của môi trường xung quanh họ bằng cách săn bắn, hái lượm. Hái lượm, săn bắt và bắt cá đưa lại nguồn lợi cho bữa ăn của họ, dù ngày nay không còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế đối với họ như trước đây. Người Xtiêng rất giỏi săn bắn, bẫy thú rừng, bắt cá. Người Xtiêng cùng với người M’Nông nổi tiếng về săn voi; tuy nhiên họ chưa biết thuần dưỡng voi; voi nhà được họ nuôi thường do mua ở nơi khác về. Họ rất khéo bẫy heo, nai rừng đến các loại thú nhỏ như nhím, chuột bằng nhiều loại bẫy khác nhau, từ bẫy cây đến bẫy bằng dây. Trước đây, việc đánh bắt không làm ảnh hưởng lắm đến môi trường sinh thái của họ.

Thức ăn chủ yếu của người Xtiêng là gạo tẻ, rau, cá, tôm. Thực phẩm thường ngày của họ chủ yếu là những thứ kiếm được trong rừng và sông suối, nay thì thường là mua ở chợ, hay do các tiểu thương mang tới. Những biến đổi xã hội hiện nay đang dần làm thay đổi một số thói quen ăn, uống của người Xtiêng. Trước đây người Xtiêng thường ăn bằng tay nhưng gần đây đã ăn bằng bát đĩa. Họ đang dần bỏ được thói quen ăn bốc mất vệ sinh tồn tại từ khá lâu. Thức uống truyền thống là nước lã, còn rượu cần họ dùng trong dịp hội hè. Đồ uống phổ biến trước đây của Xtiêng là nước lã, nay được thay thế dần bằng nước đun sôi hợp vệ sinh hơn. Đồ đựng cơm canh, nước của Xtiêng trước đây đều là vỏ bầu chế tác có hình dạng thích hợp, nhưng nay họ cũng sử dụng đồ sứ hoặc nhựa như các dân tộc khác. Người Xtiêng hút thuốc lá bằng tẩu, nhưng ngày nay người ta rất ít thấy.

Giá trị văn hóa trong ngành nghề truyền thống gồm nghề dệt vải và đan lát. Trước đây, người Xtiêng cũng như các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên có nghề dệt vải rất độc đáo. Họ không dệt trên khung mà lấy dây buộc đoạn cây chằng qua lưng, đầu kia buộc vào cột cho toàn bộ sợi dây căng thành khung dệt. Sản phẩm đan lát do người đàn ông làm ra, còn sản phẩm dệt từ thổ cẩm do bàn tay người phụ nữ Xtiêng tạo ra. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng đã mai một dần theo thời gian. Quần áo của lớp trẻ Xtiêng ngày nay chủ yếu là âu phục may sẵn, mua ngoài thị trường. Nữ hay ăn mặc quần áo bà ba theo lối người Việt. Trước đây, người Xtiêng thường dùng vật đổi vật, nay họ đã dùng tiền mua bán hàng hoá với người Việt, Khơme, M’Nông, Mạ và cả với bộ phận người Xtiêng bên Campuchia.

Trang phục của người Xtiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người Xtiêng để tóc dài búi sau gáy, tai xâu lỗ, hoa tai bằng gỗ, ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Mọi người nam, nữ, già, trẻ đều thích đeo các loại vòng. Trẻ em còn nhỏ đeo lục lạc ở hai cổ chân. Tục cà răng của người Xtiêng xưa kia là phổ biến, nhưng ngày nay hầu như không còn ai giữ tục này, đặc biệt là giới trẻ.

Cho đến nay, nhà ở của người Xtiêng vẫn khá đa dạng, không đồng nhất giữa các khu vực. Chẳng hạn người Xtiếng ở Bù Lơ sống trong nhà đất dài với mái trùm gần xuống mặt đất và có nơi uốn tròn ở hai đầu hồi và ở một mặt bên - kiểu gia đình lớn theo chế độ phụ hệ. Ở Đắc Kia, người Xtiêng cư trú trong nhà sàn, nhà nứa và nhà đất ngắn với gia đình nhỏ; Ở Bù Đek người Xtiêng lại sống trong nhà sàn dài với gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ, chịu ảnh hưởng kiến trúc nhà của người Khơ me.

ỞNam Tây Nguyên và vùng rừng núi Đông Nam Bộ, do nhu cầu mở rộng lòng, nhà của nhiều tộc người đã xuất hiện hai hàng cột bên ở vị trí hai hàng vách dọc. Bộ khung nhà người Xtiêng dù nhà sàn hay đất đều trên cơ sở vì hai cột (không có kèo). Căn cứ vào cấu tạo của bộ khung nhà đất của người Xtiêng hiện nay còn thấy thì nhà đất của người Xtiêng là rất thô sơ. Nhà đất của người Xtiêng chỉ như là một cái chòi, mái được kéo gần sát mặt đất. Cửa ra vào rất thấp, mở ở hai đầu hồi và một cửa ở mặt trước nhà, mái trên cửa cũng phải cắt bớt hoặc làm vòng lên như nhà người Mạ. Những ngôi nhà đất của người Xtiêng cũng giống như của người M’Nông Gar, Mạ có kho thóc ở trên sàn, còn người ở trên nền đất. Trước đây, mỗi làng Xtiêng chỉ gồm một vài ngôi nhà dài, nay hình thức nhà ngắn xây cất bê tông của từng hộ đang trở nên ngày càng phổ biến hơn.

Hiện nay Nhà nước đã có các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới, trong đó nhấn mạnh: tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo tồn gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc bản địa giúp người dân hòa nhập với thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Hồng Hạnh

 

 

 

 

Comments

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.